Chương trình do Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam (Bộ văn hóa Thể thao và Du lịch) tổ chức nhân dịp Ngày Quốc tế Bảo tàng năm 2024 với chủ đề “Bảo tàng vì giáo dục và nghiên cứu, nhằm nhấn mạnh vai trò then chốt của các bảo tàng trong việc cung cấp trải nghiệm giáo dục toàn diện, thúc đẩy cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người".
Toạ đàm đã nhận được gần 20 ý kiến tham luận của các đại biểu tham dự được chia thành 2 chuyên đề chính gồm: “Bảo tàng với việc khai thác di sản văn hóa phục vụ nhu cầu tìm hiểu, khám phá, trải nghiệm của sinh viên” và “Sự gắn kết giữa giáo dục di sản văn hóa trong nhà trường và Bảo tàng”.
Trong đó có nhiều ý kiến mang lại góc nhìn đa dạng, sâu sắc về mối quan hệ giữa bảo tàng/di tích – di sản văn hóa – sinh viên như: Quan điểm, cách tiếp cận, phương pháp giáo dục lịch sử văn hóa địa phương; Tăng cường gắn kết giữa du lịch với giáo dục di sản văn hóa cho sinh viên tại Bảo tàng; Đẩy mạnh liên kết giữa nhà trường, bảo tàng và công ty lữ hành trong việc bảo tồn, phát huy di sản của dân tộc; Sự gắn kết giữa giáo dục di sản văn hóa của sinh viên với bảo tàng;…
Giảng viên Cao Thị Hảo, Đại học Sư Phạm, Đại học Thái Nguyên trao đổi tại chương trình. |
Phát biểu kết luận chương trình, ông Nguyễn Cảnh Phương, Phó Giám đốc Bảo tàng văn hóa các Dân tộc Việt Nam đánh giá cao những ý kiến tham luận của các đại biểu, đồng thời khẳng định đây sẽ là những luận cứ quan trọng, mang tính thực tế và gợi mở nhiều nội dung, hướng đi cũng như cách nhìn nhận của bảo tàng với các trường đại học và ngược lại.
Qua đó, tiếp tục nghiên cứu, đưa ra các giải pháp nhằm đổi mới hoạt động giáo dục trải nghiệm văn hóa tại các bảo tàng cũng như nâng cao hiệu quả công tác giảng dạy, giáo dục di sản văn hóa trong nhà trường.
Trong khuôn khổ tọa đàm, các đại biểu đã được thưởng thức nhiều tiết mục văn hóa văn nghệ đặc sắc, trình diễn trang phục dân tộc Việt Nam và tham quan các gian trưng bày của Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam.