Bảo tàng vừa thiếu lại vừa thừa!

GD&TĐ - Bảo tàng là một trong những thiết chế góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Bảo tàng Quảng Ninh là một trong những bảo tàng địa phương hiếm hoi đông khách tham quan - do yếu tố thu hút du lịch.
Bảo tàng Quảng Ninh là một trong những bảo tàng địa phương hiếm hoi đông khách tham quan - do yếu tố thu hút du lịch.

Thế nhưng, xoay quanh vấn đề bảo tàng lại có những mâu thuẫn khó giải quyết.

Không xây thì thiếu, nhưng nếu xây lại thừa - đó là thực trạng đã và đang diễn ra đối với lĩnh vực bảo tàng ở nước ta. Tuy nhiên, lại khó có tiếng nói chung khi bàn về việc có nên mở rộng xây dựng nữa hay không?

Bao nhiêu bảo tàng là đủ?

Theo TS Tôn Gia Hóa - Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, điều kiện tốt nhất để bảo tồn những di sản làng nghề chính là môi trường sản sinh ra nó, do cộng đồng cư dân bảo vệ và giữ gìn. Nhu cầu xây dựng các bảo tàng làng nghề xuất phát từ đó, thông qua bảo tàng, câu chuyện về nghề thủ công truyền thống và làng nghề dễ dàng được diễn giải, minh họa.

Còn theo TS Lê Thị Minh Lý - Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam thì nên lập một bảo tàng trực tuyến để tiết kiệm chi phí, lại cho phép dễ dàng thay đổi không gian trưng bày, thích ứng với xu hướng hiện đại.

Theo ý nghĩa phổ quát, bảo tàng là nơi trưng bày và lưu giữ tài liệu, hiện vật cổ liên quan đến một hoặc nhiều lĩnh vực của một dân tộc hay một giai đoạn lịch sử.

Mục đích của việc lập bảo tàng là giáo dục, học tập, nghiên cứu và thỏa mãn trí tò mò tìm hiểu về quá khứ.

Ý nghĩa và sự cần thiết của bảo tàng được giới nghiên cứu chỉ ra rằng, đó là một thiết chế vĩnh cửu, không vụ lợi nhằm phục vụ cho xã hội, tiến hành những nghiên cứu liên quan đến di sản của con người và môi trường xung quanh. Bởi vậy, bảo tàng đã xuất hiện từ thời cổ đại và bất kỳ một quốc gia nào (kể cả kém phát triển) cũng có bảo tàng.

Theo thống kê chưa đầy đủ, nước ta hiện đang có khoảng 162 bảo tàng, trong đó có 126 bảo tàng công lập và 36 bảo tàng ngoài công lập. Bảo tàng Việt Nam được chia thành: Bảo tàng quốc gia, bảo tàng chuyên ngành, bảo tàng cấp tỉnh và bảo tàng tư nhân.

Theo thống kê của Hội đồng Bảo tàng Quốc tế (ICOM), hiện thế giới đã có hơn 55.000 bảo tàng trải dài ở trên 200 quốc gia. Tính trung bình, mỗi quốc gia hiện có khoảng 275 bảo tàng. Như vậy, Việt Nam có 162/275 bảo tàng được cho là đang ở mức độ khiêm tốn.

Đây là lý do mà không chỉ giới quản lý, chuyên gia mà ngay cả các diễn đàn về bảo tàng trên mạng xã hội từng gây tranh cãi. Người thì cho rằng 162 bảo tàng là đủ, người lại cho rằng quá ít khiến việc bảo tồn và quảng bá di sản bị ảnh hưởng, người khác lại cho là quá nhiều, vì hệ thống trên 60 bảo tàng ở các tỉnh cùng với các bảo tàng quốc gia, chuyên ngành, tư nhân… cũng đang ế khách.

Vì sự không đồng nhất ý kiến, nên khi có đề xuất hoặc dự án xây dựng bảo tàng - xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều. Ngoài những ý kiến đồng ý thì bao giờ cũng là những phản đối gay gắt, kèm theo những dẫn chứng vì sự “ế ẩm” của các bảo tàng hiện có, và cho rằng xây dựng bảo tàng là sự lãng phí không cần thiết.

Trong thực tế, xây dựng bảo tàng bao giờ cũng kéo theo một khoản kinh phí rất lớn. Trường hợp Bảo tàng Hà Nội là ví dụ - được đầu tư 2.300 tỉ đồng xây dựng để kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội nhưng sau hơn 1 thập kỷ vẫn không hoàn thành trưng bày.

Từ đâu bảo tàng ế khách?

Có những bảo tàng, lượng khách đến mỗi ngày chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Có những bảo tàng, lượng khách đến mỗi ngày chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Để xét thực trạng bảo tàng ở Việt Nam, theo giới chuyên gia hãy nhìn vào hệ thống các bảo tàng cấp tỉnh. Tuy là thiết chế văn hóa phi lợi nhuận, có vai trò và đặc trưng riêng mà các thiết chế văn hóa - giáo dục khác không có được, nhưng trong số trên 60 bảo tàng thuộc các địa phương thì có mấy nơi thu hút khách tham quan?

Sự thật có những bảo tàng tỉnh, cả tuần thậm chí cả tháng không có một khách lui tới. Có những bảo tàng, ngoài sân mọc kín cỏ và rêu - nếu không có nhân viên túc trực thì người ngoài nghĩ rằng đó là một toà nhà bỏ hoang. Ngay tại Hà Nội, một số bảo tàng cũng ế ẩm, khách tham quan chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Vì không có khách tham quan nên một số bảo tàng sử dụng không gian để làm nhà hàng tiệc cưới, quán cafe, hàng cơm, bãi đỗ xe, nơi trung chuyển tour du lịch, cho thuê tổ chức sự kiện.

Bảo tàng thì phải có hiện vật, càng độc đáo càng tốt. Thế nhưng, với nhiều địa phương thì đó là một “sự lạ”. Vì thiếu kinh phí hoặc vì ít quan tâm đến hiện vật, thậm chí là vì sự nhiêu khê trong thủ tục hành chính nên nhiều hiện vật độc bản quý giá gắn liền với địa phương bị các nhà sưu tập “hớt tay trên” trước sự tiếc nuối của những người phụ trách sưu tầm hiện vật cho bảo tàng.

Việc trưng bày và giới thiệu hiện vật ở bảo tàng một số tỉnh mới là thực trạng đáng bàn. Theo họa sĩ Phan Cẩm Thượng thì việc trưng bày “trông như cái nhà kho”, phần về lịch sử hiện đại thì phình to mà phần về lịch sử văn hóa cổ thì lại “lép kẹp”. Thậm chí, có bảo tàng hiện vật bị bụi bám kín, người thuyết minh hướng dẫn thì “mặt nặng như chì” như thể trách du khách vào bảo tàng làm gì cho khổ nhân viên!?.

Hiện nay, một số làng nghề cũng xuất hiện bảo tàng: Tranh Kim Hoàng, tranh Đông Hồ, gốm Bát Tràng, làng Lai Xá có tới 2 bảo tàng là Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên và Bảo tàng Nhiếp ảnh…

Tuy nhiên, TS Nguyễn Thị Thu Hòa - Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Việt Nam cho biết, hiện nay thực trạng của các bảo tàng làng nghề chưa khả quan. Doanh thu từ các bảo tàng chưa cao, chưa đủ bù chi phí, chỗ nào cũng ngoi ngóp.

Tháng 4/2023, tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội diễn ra tọa đàm “Nghề thủ công truyền thống Hà Nội sáng tạo để phát triển” có nhắc tới vấn đề thiết lập bảo tàng nghề truyền thống cho Thủ đô trong thời gian qua. Một số đại biểu cho rằng cần xây dựng một bảo tàng nghề truyền thống.

Tuy nhiên, một số đại biểu lại nhận định bảo tàng đang vừa thiếu lại vừa thừa nên thay vì xây dựng một bảo tàng mới cho nghề thủ công truyền thống, nên thiết lập một bảo tàng 3D trên không gian mạng, vừa tiết kiệm quỹ đất, kinh phí mà vẫn có thể lan toả.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ