Bảo tàng loay hoay tìm cách thu hút du khách

Bảo tàng loay hoay tìm cách thu hút du khách

(GD&TĐ) - Là một thiết chế văn hóa các bảo tàng có vai trò tích cực trong  bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Tuy nhiên một thực tế không thể né tránh là nhiều bảo tàng hiện vẫn vắng khách. Để thu hút được khách đến với bảo tàng đòi hỏi phải có những chiến lược dài hơi.

Du khách chưa mặn mà với bảo tàng
Cả nước hiện có hơn 120 bảo tàng, kể cả bảo tàng các tỉnh và các bảo tàng chuyên ngành. Trong đó Bảo tàng Lịch sử quân sự, Bảo tàng lịch sử Quốc gia Việt Nam, Bảo tàng Dân tộc học là những bảo tàng có quy mô mang tầm cỡ quốc gia. Nhưng theo đánh giá chung phần lớn các bảo tàng chưa phát huy được vai trò và vị thế của mình.
Một trong những nguyên nhân khiến cho bảo tàng chưa hút được đông đảo khách tham quan là quan niệm về bảo tàng chưa đổi mới theo xu thế thời đại. Phần lớn các bảo tàng vẫn chỉ trưng bày theo cung cách cũ, hiện vật nghèo nàn, chưa có các hoạt động bổ trợ đi kèm. Cảm giác của người đến tham quan tại nhiều bảo tàng đều giống nhau ở cách bài trí và cách giới thiệu tuyên truyền không hấp dẫn.

Đến bất kỳ một bảo tàng lịch sử nào, người xem đều nhận ra cách trưng bày các hiện vật theo một khuôn mẫu chung là theo trục thời gian gắn liền với các triều đại, giai đoạn kèm theo là lời giới thiệu ngắn. Sự dập khuôn như vậy làm cho hệ thống các bảo tàng không hấp dẫn. Cách tiếp cận khách trong nước và quốc tế còn hạn chế nên con số khách tham quan rất ít ỏi.

Theo  Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Vũ Mạnh Hà, chủ yếu du khách tới tham quan vào các ngày lễ tết, hoặc cuối tuần, những ngày trong tuần khách đến thưa thớt. Trung bình mỗi tháng bảo tàng chỉ đón khoảng 2.000 khách, giảm hơn 10% so với những năm trước. Ngoại trừ Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Phụ nữ có lượng khách đến tham quan khá đông, còn lại các bảo tàng đều trong tình trạng ế ẩm vắng vẻ.

Bảo tàng Phụ nữ thay đổi diện mạo trong cách trưng bày và giới thiệu
Bảo tàng Phụ nữ thay đổi diện mạo trong cách trưng bày và giới thiệu
 

 Mạnh dạn đổi mới sáng tạo

Tại Hội thảo “Làm thế nào để thu hút khách thăm quan đến bảo tàng?” vừa diễn ra tại Hà Nội, các chuyên gia cho rằng để thu hút khách, trước hết, nhận thức tư duy của những người trong lĩnh vực này phải đổi mới.
Bà Nguyễn Bích Vân, giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam chia sẻ: Các bảo tàng cần phải có chiến lược phát triển cụ thể, kết hợp giữa hệ thống trưng bày và hoạt động quảng bá. Hiện nay, số lượng khách tới Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đạt con số kỷ lục: Chỉ riêng trong ba tháng đầu năm, lượng vé tham quan bán ra đạt 150.000 lượt, bằng lượng vé cả năm 2012; cùng với đó là việc trang đánh giá trực tuyến TripAdvisor bình chọn Bảo tàng là “một trong những điểm tham quan hấp dẫn nhất Việt Nam”. Trước đây, mặc dù sở hữu một hệ thống trưng bày tốt, nhưng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam chỉ có lượng khách rất khiêm tốn: Từ 50 đến 70 khách/ngày. Để cải thiện thực trạng này, ban lãnh đạo bảo tàng đã quyết định thay đổi diện mạo mới qua việc nâng cấp sửa chữa một các đồng bộ khuôn viên. Đặc biệt bảo tàng đã  thiết kế thêm hệ thống đường lên dành cho người khuyết tật. Công tác quảng bá giới thiệu cũng được bảo tàng đầu tư, nhiều cán bộ đã được gửi đi học tập, tập huấn ở nước ngoài về công tác quảng bá, giới thiệu hình ảnh Bảo tàng đến với công chúng…
Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường hiện nay để tìm được chỗ đứng cho mình, các bảo tàng cần phải tìm hiểu nhu cầu thị trường, nắm bắt cơ hội, tạo dựng hình ảnh qua các hoạt động thực tiễn cũng như thiết lập quan hệ hợp tác để phát triển và biết kiểm soát đánh giá hoạt động nhằm đảm bảo hiệu quả hoạt động của mình.
Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường hiện nay để tìm được chỗ đứng cho mình, các bảo tàng cần phải tìm hiểu nhu cầu thị trường, nắm bắt cơ hội, tạo dựng hình ảnh qua các hoạt động thực tiễn cũng như thiết lập quan hệ hợp tác để phát triển và biết kiểm soát đánh giá hoạt động nhằm đảm bảo hiệu quả hoạt động của mình. Theo PGS.TS Đỗ Văn Trụ, nếu không đổi mới và phát triển, một khi trình độ của công chúng ngày càng cao, các bảo tàng sẽ tự trở nên đơn điệu, nhàm chán, thiếu sức hấp dẫn và không theo kịp nhu cầu… Như vậy việc đổi mới về hình thức và đặc biệt là về cách thức trình bày chính là điều kiện để các bảo tàng có chỗ đứng trong lòng du khách. 
Bảo tàng Di tích chiến tranh tại miền Nam cũng là một trong những nơi mà thời gian gần đây đã được nhiều công chúng biết đến với những cách làm sáng tạo. Với tiêu chí đặc thù riêng của mình, ban lãnh đạo đã biết kết hợp giữa nhiệm vụ đặc thù của mình để gắn kết tình cảm của khách tham quan. Bên cạnh việc tham quan triển lãm du khách còn được hòa chung và thể hiện những màn giao lưu ca múa với các nghệ sĩ và với những nhân vật đặc biệt. Các buổi giao lưu về âm nhạc, ẩm thực hay những hoạt động tình nguyện với các nạn nhân chất độc màu da cam… cũng tạo nên yếu tố đặc biệt trong lòng du khách. Để hấp dẫn du khách tham quan đòi hỏi những diễn thuyết viên phải có sự am hiểu và trình độ giới thiệu tốt về các kiến thức lịch sử, văn hóa… Và đặc biệt các nhân viên thuyết minh phải biết thêm ít nhất một ngoại ngữ tiếng Anh.
Với Bảo tàng Dân tộc học thì cách làm độc đáo để thu hút lượng khách tới thăm là việc phục dựng và làm sống dậy những trò chơi dân gian của các dân tộc trên khắp mọi miền Tổ quốc. Khi đến với Bảo tàng du khách không chỉ được chiêm ngưỡng các hiện vật mà còn được sống trong không gian văn hóa, được tham gia vào những trò chơi dân gian và thưởng thức cả những món ăn dân tộc vào những ngày lễ hội.
Xã hội ngày càng phát triển, trình độ nhận thức của người dân vì thế ngày càng được nâng cao. Nếu các bảo tàng vẫn giữ nguyên hiện trạng và cung cách trưng bày như cũ chắc hẳn không thể thu hút được khách tới thăm. Tìm được bản sắc và lối đi riêng cho mình sẽ giúp các bảo tàng Việt Nam làm mới mình và phát huy được vai trò lưu giữ và giữ gìn di sản dân tộc.
Thu Trà

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.