Không còn cảnh đầu năm trưng bày thế nào thì cuối năm vẫn y nguyên, các bảo tàng đang bước vào cuộc đua đổi mới, đa dạng hóa hoạt động, không ngừng quảng bá để thu hút công chúng.
Đa dạng hóa hoạt động để hút khách
Ngày nay, các bảo tàng không đơn thuần chỉ là những không gian bảo tồn di sản văn hóa - lịch sử, mà còn là những địa điểm có sức hút mạnh mẽ. Nhằm duy trì sự quan tâm và thu hút khách tham quan, các bảo tàng không ngừng cạnh tranh, sáng tạo trong cách thức tiếp cận và tương tác với công chúng.
Trên các nền tảng mạng xã hội, nhiều bảo tàng tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Quảng Ninh, Huế, Đà Nẵng… không ngừng cập nhật hình ảnh và nội dung trưng bày mới. Bên cạnh hoạt động trưng bày, triển lãm, nhiều bảo tàng còn tổ chức các sự kiện hội thảo, workshop, hoạt động trải nghiệm, liên tục sản xuất các video clip quảng bá.
Bảo tàng Hà Nội được xem là nơi đi đầu trong hoạt động trải nghiệm ngoại khóa, thu hút đông đảo người trẻ, nhất là học sinh - sinh viên các trường trên địa bàn Thủ đô. Bên cạnh đó, bảo tàng cũng xây dựng các chương trình workshop dành riêng cho trẻ nhỏ.
Trong tháng 3/2025, workshop “Bé dệt mùa Xuân” được Bảo tàng Hà Nội thực hiện và thu hút đáng kể du khách nhỏ tuổi. Với chủ đề thiết kế thời trang, workshop không chỉ là hoạt động học hỏi, mà còn là cơ hội để các bé thể hiện sự sáng tạo và khám phá những kỹ năng thủ công độc đáo.
Từ những sợi chỉ, mảnh vải đầy màu sắc, các em nhỏ được hướng dẫn cách khâu, dán, trang trí, phối màu tạo nên những tác phẩm xinh xắn, giúp các bé rèn luyện sự kiên nhẫn, khả năng tập trung.
Ông Nguyễn Tiến Đà - Giám đốc Bảo tàng Hà Nội cho biết, nhờ sự thay đổi nên bảo tàng trở thành một trong những địa điểm thu hút nhiều du khách ghé thăm. Ngoài nhiều hoạt động giáo dục, trải nghiệm, trưng bày, biểu diễn, ứng dụng công nghệ gia tăng tương tác, hệ thống 70.000 hiện vật được sắp xếp theo trình tự thời gian cũng tạo nên hành trình khám phá sống động, hấp dẫn.
Để duy trì và thu hút khách hơn nữa, vừa qua bảo tàng đã thiết kế sân khấu kính giữa hồ với hệ thống ánh sáng đa tầng, phục vụ show diễn âm nhạc “True love seasons”, thu hút hàng nghìn bạn trẻ từ khắp nơi. “Bảo tàng sẽ cố gắng duy trì đêm nhạc định kỳ hàng tháng.
Không chỉ là một thiết chế văn hóa quan trọng, lưu giữ các tư liệu hiện vật giá trị, Bảo tàng Hà Nội mong muốn hướng tới là một không gian văn hóa và sáng tạo, một điểm đến sống động của du khách”, ông Nguyễn Tiến Đà cho biết.
Được coi là một địa chỉ “kén khách” nhưng gần đây, Bảo tàng Lịch sử quốc gia cũng đã thu hút lượng khách tham quan đáng kể nhờ cách đổi mới trưng bày, tiếp cận công chúng. Với thế mạnh lưu giữ nhiều hiện vật giá trị, nhiều bảo vật quốc gia độc đáo, bảo tàng không ngừng xây dựng các trưng bày chuyên đề, quảng bá hiện vật một cách rộng rãi trên nền tảng mạng xã hội.
Nhằm “kéo” người trẻ đến bảo tàng, các câu lạc bộ cũng được thành lập, như Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử” dành cho học sinh từ tiểu học đến trung học phổ thông tại Hà Nội và một số tỉnh, thành. Trong tháng 3/2025, Bảo tàng Lịch sử quốc gia tiếp tục thành lập Câu lạc bộ “Tình nguyện viên” (HEC) quy tụ những bạn trẻ có niềm đam mê với lịch sử, văn hóa và những hoạt động cộng đồng.

Tự chủ: Tiến lên hoặc… chết!
Một trong những bảo tàng có lượng khách đông và ổn định nhất hiện nay là Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, với khoảng 500 nghìn khách mỗi năm. Vào dịp cuối tuần hoặc những dịp lễ tết, bảo tàng luôn chật kín khách. Điều đặc biệt, bảo tàng thu hút rất đông đảo lượng khách nước ngoài khi đến du lịch Hà Nội.
Đa dạng hoạt động cũng là một trong những nhiệm vụ mà bảo tàng này đang thực hiện. Ngoài các trưng bày giới thiệu văn hóa 54 dân tộc, bảo tàng cũng kết hợp trải nghiệm, thậm chí còn thiết lập “phòng trưng bày Hàn Quốc” để người trẻ đến trải nghiệm mặc thử Hanbok miễn phí.
Bên cạnh đó, bảo tàng cũng “bắt trend” MV Bắc Bling khi tổ chức các buổi biểu diễn múa rối nước cùng những làn điệu dân ca quan họ của các nghệ nhân Phường múa rối nước Đồng Ngư.
Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam lại không ngừng xây dựng và tổ chức các chương trình áo dài, trải nghiệm audio guide, casting tìm kiếm những gương mặt tài năng tham gia trải nghiệm lịch sử đặc biệt, chương trình “Huyền thoại tuổi thanh xuân” kết hợp với đạo diễn Lê Quý Dương tái hiện hình ảnh tiểu đội anh hùng 10 cô gái thanh niên xung phong…
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy - nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, việc phát triển thu hút khách tham quan ở các bảo tàng thời gian gần đây liên quan đến câu chuyện tự chủ kinh tế. Các bảo tàng nói riêng và các di tích nói chung phải thu hút được khách, tạo nguồn thu để một phần tái đầu tư vào các hoạt động trưng bày, triển lãm, một phần tăng thu nhập cho cán bộ, nhân viên.

Bởi vậy, nếu không thay đổi, không tiến lên thì rất có thể bảo tàng đó sẽ “chết”. Ngược lại, nếu có cách thức tiếp cận công chúng một cách hiệu quả, đa dạng hoạt động… thì việc phát triển hoàn toàn khả thi.
Một trong những lợi thế lớn của mọi bảo tàng đó là hiện vật, khi kết hợp với du lịch sẽ thu hút lượng khách ổn định. Đặc biệt trong bối cảnh ngành du lịch phát triển và bứt phá không ngừng, thu hút cả khách nội địa và khách quốc tế. Bài học thành công từ Bảo tàng Quảng Ninh là ví dụ rõ nét, chứng minh cho sự đổi mới, đa dạng hóa và kết hợp cùng du lịch.
Ngoài việc thu hút khách tham quan từ bên ngoài, các bảo tàng còn cần phải tăng cường mối quan hệ với cộng đồng địa phương. Việc xây dựng các chương trình cộng đồng, hợp tác với các trường học, tổ chức hay các nghệ sĩ giúp bảo tàng không chỉ thu hút thêm khách tham quan, mà còn đóng góp vào việc phát triển, làm giàu và quảng bá cho văn hóa địa phương.
Các bảo tàng không ngừng đổi mới thực chất được đánh giá là một cuộc cạnh tranh để thu hút khách. Để tồn tại và phát triển, các bảo tàng phải liên tục đổi mới, sáng tạo trong cách thức trình bày và tương tác với khách tham quan. Từ việc áp dụng công nghệ hiện đại đến việc tạo ra những trải nghiệm cá nhân, các bảo tàng đang nỗ lực trở thành những điểm đến hấp dẫn, không chỉ đối với công chúng trong nước, mà còn với du khách quốc tế.