Miền Tây căng mình chống bão số 9

GD&TĐ - Trước tình hình diễn biến phức tạp của bão số 9, các tỉnh miền Tây đang căng mình chống bão. Ngành Giáo dục các địa phương cũng chủ động các phương án đảm bảo an toàn cho thầy, trò và cơ sở vật chất.

Miền Tây có nhiều kênh rạch nên đảm bảo an toàn cho HS được ngành Giáo dục đặc biệt quan tâm.
Miền Tây có nhiều kênh rạch nên đảm bảo an toàn cho HS được ngành Giáo dục đặc biệt quan tâm.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, 7 giờ sáng nay (25/11), vị trí tâm bão số 9 ở vào khoảng 10,2 độ Vĩ Bắc; 107 độ Kinh Đông, cách Vũng Tàu khoảng 30km, cách Bến Tre 95km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, giật cấp 12.

Dự báo, trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5 - 10km.

Dự kiến khoảng 11 - 12 giờ trưa nay, bão sẽ đi vào đất liền các tỉnh từ Nam Bình Thuận đến Bến Tre, trọng tâm là Bà Rịa - Vũng Tàu với cường độ mạnh cấp 8, giật cấp 11 - 12; sau đó đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Đảm bảo an toàn cho HS và GV cả trong và ngoài giờ lên lớp

Ngành GD&ĐT các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã nhanh chóng triển khai các công việc ứng phó với bão số 9 và mưa lũ, cụ thể: Theo dõi chặt chẽ, thường xuyên cập nhật thông tin, diễn biến về cơn bão và tình hình mưa lũ, ngập lụt, sạt lở xảy ra trên địa bàn; phổ biến, tuyên truyền tới giáo viên, học sinh, phụ huynh về tình hình cơn bão số 9 và mưa lũ để đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên cả trong và ngoài giờ lên lớp.

Đặc biệt chú ý nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu khi mưa lớn.

Đảm bảo các hoạt động dạy và học an toàn trong các trường học; thực hiện phương châm “4 tại chỗ” trong các trường học. Không tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho học sinh trong và sau khi thiên tai xảy ra.

Thực hiện các phương án đảm bảo an toàn tài sản, cơ sở vật chất các công trình trường, lớp học. Ở những nơi có nguy cơ ngập lụt, cần di dời máy móc, trang thiết bị dạy học, tài liệu thư viện lên tầng cao hoặc chuyển đến nơi không có nguy cơ ngập lụt để đảm bảo an toàn tài sản…

Đường đi của bão số 9
Đường đi của bão số 9 

Bến Tre: Tất cả học sinh đã nghỉ học tránh bão

Để đảm bảo an toàn cho học sinh, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bến Tre và Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường cho học sinh các cấp, sinh viên được nghỉ học kể từ 13 giờ 24/11/2018 cho đến khi có thông báo mới để tránh bão.

Ông Nguyễn Hữu Lập - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, Phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cho hay: Ngày 24/11 đã ký công văn thông báo yêu cầu Sở GD&ĐT cho học sinh toàn tỉnh nghỉ học từ lúc 13 giờ ngày 24/11 để đảm bảo an toàn trước bão số 9 đang có nguy cơ đổ bộ vào.

Ban Chỉ đạo cũng ban hành công văn yêu cầu các khu dịch vụ, vui chơi giải trí, nơi tập trung đông người tại các khu vực ven sông, ven biển… phải tạm ngưng để đảm bảo an toàn.

Trà Vinh: Gia cố nhà cửa, trường học, đảm bảo an toàn cho người dân

Để ứng phó với bão số 9, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh yêu cầu các địa phương phải rà soát, kiểm tra hướng dẫn người dân gia cố nhà cửa, trường học, các công trình công cộng và chuẩn bị lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Nghiêm cấm các hoạt động vui chơi, du lịch ven sông, ven biển nếu bão ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn tỉnh...

Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh đã có Công điện hỏa tốc yêu cầu Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban ngành tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24, thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin, diễn biến của cơn bão.

Bên cạnh đó, tập trung kiểm điểm, nắm chặt số lượng tàu thuyền đang neo đậu, kêu gọi tất cả các tàu đang hoạt động trên biển vào nơi neo đậu an toàn, cấm tàu thuyền ra khơi khi đang có bão. Kết hợp công tác kiểm tra, rà soát lại hệ thống đê bao, công trình đê biển, kè biển và lên các phương án hộ đê.

Đặc biệt, sẵn sàng sơ tán, di dời người dân ở các khu vực ven biển, ven sông lớn và cù lao để đảm bảo an toàn. Chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu ở các nơi có nguy cơ bị chia cắt; chuẩn bị vật tư, phương tiện để khắc phục các sự cố có thể xảy ra để đảm bảo an toàn giao thông.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.