Ở đảo Bạch Long Vĩ đã quan trắc được gió mạnh 19 m/s (cấp 8), giật 29m/s (cấp 11), ở đảo Cô Tô có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8.
Hồi 4h sáng nay (14/10), vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,7 độ Vĩ Bắc; 108,2 độ Kinh Đông, ngay trên Vịnh Bắc Bộ, cách đảo Bạch Long Vĩ khoảng 70 km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 180km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi vào đất liền các tỉnh từ Thái Bình đến Nghệ An với sức gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10 sau đó suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Đến 16h, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 19,7 độ Vĩ Bắc; 105,5 độ Kinh Đông, trên đất liền ven biển các tỉnh từ Thái Bình đến Nghệ An. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 80km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.
Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km, tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực thượng Lào.
Vùng nguy hiểm do bão trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): Phía Bắc Vịnh Bắc Bộ, từ vĩ tuyến 17,5 đến vĩ tuyến 21,0 độ Vĩ Bắc. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 7, ở vùng biển Vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả huyện đảo Bạch Long Vỹ) có gió mạnh cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9, giật cấp 11; biển động rất mạnh. Sóng biển cao từ 3-5m. Khu vực ven biển các tỉnh từ Hải Phòng đến Thanh Hóa nước dâng do bão có thể cao 0,5m.
Từ sáng nay, trên đất liền ven biển các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ (từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh) có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; riêng đất liền ven biển các tỉnh từ Nam Định đến Nghệ An có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10.
Do ảnh hưởng của bão số 7 kết hợp với không khí lạnh nên từ nay đến ngày 16/10 ở khu vực đồng bằng và ven biển Bắc Bộ, Hòa Bình, Nam Sơn La, Phú Thọ, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến khoảng 200-350mm/đợt, có nơi trên 400mm/đợt; các nơi khác ở Bắc Bộ và Hà Tĩnh khoảng 50-150mm/đợt.
Áp thấp khả năng thành bão khi vào Biển Đông
Về áp thấp nhiệt đới gần Biển Đông, lúc 4h, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 12,0 độ Vĩ Bắc; 125,2 độ Kinh Đông, trên bờ biển phía Đông miền Trung Philippines. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.
Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km, đi vào Biển Đông và có khả năng mạnh thêm.
Đến 4h ngày mai, vị trí trung tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 13,0 độ Vĩ Bắc; 119,9 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 600km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và có khả năng mạnh lên thành bão.
Tới sáng ngày 16/10, vị trí tâm bão ở khoảng 14,0 độ Vĩ Bắc; 116,0 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 340km về phía Bắc Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km.