Bão sau trận bão

GD&TĐ - Để đứng vững hai chân trên Trái đất này, con người phải luôn luôn chiến đấu chống lại bao thảm họa, hòng cướp đi mạng sống từng phút từng giờ.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Trằn mình trong cơn đau

Biển trời thăm thẳm

Sóng nức nở, nức nở bờ cát trắng

Xóa dấu chân nhang đưa khói lên trời…

Phận cát nào còn lạc giữa mù khơi

Xin vào bờ đừng hóa thành bọt trắng

Biển nhân từ cho cát về tổ ấm

Để bờ em không đỏ những chân nhang

Để biển đêm không thành nỗi kinh hoàng

Ngày biển động cát bay cùng cánh sóng

Xin đừng tắt những đợi chờ hy vọng

Những bó nhang đừng đưa khói lên trời

Những con thuyền xin cứ ra khơi

Những cánh hải âu cứ đùa trên sóng

Ngày lại ngày, cát trắng vành tang trắng

Nắng đỏ trời, cát đỏ chờ mong!

Đinh Thị Hằng

(Rút trong tập thơ “Những bó nhang trên cát”)

Lời bình của Trần Thanh Xuân

Bên cạnh những thế lực xã hội đen tối, luôn tìm mọi thủ đoạn để hất bàn chân ta khỏi mảnh đất mà ta yêu ta quý, là thế lực hung bạo của thiên nhiên như lũ lụt, bão tố, động đất, núi lửa, sóng thần, dã thú… sẵn sàng vùi dập cuộc sống của ta.

Chẳng thế mà trận bão Chan Chu đổ bộ vào miền Trung, tháng 6/2006, đã gây ra bao cảnh tang tóc cho những xóm làng, đặc biệt là những làng chài ven biển như làng cát Bình Minh thuộc tỉnh Quảng Nam đã bị quét sạch. Những người đàn ông đi biển, sau cơn bão không thấy về, nên dẫn đến tình cảnh tang thương:

“Cả làng chài vắng bóng đàn ông

Vợ chẳng có chồng, con không có bố…”

(Sóng vẫn ru bờ - Đinh Thị Hằng).

Cảm thương cho số phận của những người phụ nữ, phải sống trong cảnh mất mát đớn đau, nữ thi sĩ Đinh Thị Hằng đã gửi tới họ lời cảm thông, chia sẻ.

Mở đầu bài thơ, tác giả đưa ta đến với một vùng trời biển lồng lộng sau khi bão tan. Biển cứ xanh rười rượi, chân trời cứ một màu tím ngắt, với bầu trời cao xanh thăm thăm ở trên đầu, như quá vô tình với cuộc sống con người.

Trong khi đó trên bãi cát trắng là những bó nhang tỏa khói lên trời, đang nghiêng ngả vì sóng xô, gió cuốn. Ai mà chẳng biết: Sau trận bão trời là trận bão đời. Bằng nghệ thuật “tả chủ hình khách”, mặc dù tác giả không miêu tả con người, nhưng ta vẫn như thấy được những thiếu phụ áo trắng vải xô, khăn trắng một màu tang tóc, vừa hướng về phía biển xa, vừa cắm những bó nhang trên cát, khói tỏa mịt mù, vừa gào khóc, đợi trông… Tất cả đất trời và con người như đang chìm trong cơn đau thương tang tóc, do trận bão hung dữ gây ra.

“Trằn mình trong cơn đau

Biển trời thăm thẳm

Sóng nức nở, nức nở bờ cát vắng

Xóa dấu chân nhang đưa khói lên trời…”

Mấy câu thơ mở đầu đã mang đến cho người đọc những cách hiểu khác nhau. Có người sẽ hiểu đây là hình thức nhân hóa, nói lên nỗi đau của kiếp con người, làm đau đến cả biển trời thăm thẳm.

Cho đến cả những con sóng vô tri cũng nức nở khóc cùng người. Nhưng cũng có thể hiểu: Con người đang trằn mình trong cơn đau, giữa cảnh biển trời thăm thẳm, không biết kêu vào đâu được.

Kêu trời thì trời ở xa, dửng dưng vô tình, còn cái ác và nỗi đau thì ở ngay trên mặt đất, ở ngay trong bể khổ này. Đặc biệt là hình ảnh sóng “xóa dấu chân nhang đưa khói lên trời” đã mở ra trong tâm cảm của người đọc biết bao suy tưởng.

Nói đến hương khói là nói đến tín hiệu mang tính chất tâm linh, mà người sống gửi đến với những người đã khuất lời an ủi, lòng yêu thương, nội dung cần thông báo về cuộc sống đang diễn ra cùng những lời cầu khẩn, mong được phù trợ.

Có lẽ vì thế mà khi trở lại thăm gia đình cơ sở cách mạng ở huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa, nhà thơ Tố Hữu đã thắp hương cầu khấn mẹ Tơm, người mẹ đã từng nuôi dưỡng, bảo vệ cho mình thời hoạt động bí mật, hiện không còn nữa:

“Đốt nén hương thơm mát dạ người

Hãy về vui chút mẹ Tơm ơi!

Xóm tươi ngói mới tường vôi mới

Phấp phới cờ dong nắng biển khơi”.

(Mẹ Tơm)

Còn hương khói nhang trong trường hợp thắp cho người đi biển, sau trận bão không về, mà cũng có thể là chưa kịp về, lại mang một thông điệp khác gửi vào cõi vô hình. Nếu như người thân đã bị sóng lấp vùi, thì làn khói ấy là nỗi lòng đau đớn của người thân gửi đến người đã khuất, lời xót thương vĩnh biệt và cầu mong cho linh hồn siêu thoát… Nếu là người thân bị trôi dạt vào đâu đó, chưa kịp về, thì làn khói nhang là lời cầu xin, gửi vào thế giới siêu hình, mong được các đấng linh thiêng phù trợ, cho người trở về sum họp:

“Phận cát nào còn lạc giữa mù khơi

Xin vào bờ, đừng thành bọt trắng

Biển nhân từ cho cát về tổ ấm

Để bờ em không đỏ những chân nhang”.

“Phận cát” là hình ảnh ẩn dụ, thể hiện thân phận con người. Đứng trước cảnh không gian mênh mông, vô cùng, vô tận, trước thời gian vĩnh hằng, con người cảm thấy mình bé bỏng, mong manh, vô nghĩa.

Do đấy, đã có quan niệm là mình “sinh ra từ cát bụi” và rồi sẽ “trở về cát bụi”, như người nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã tự hỏi về mình: “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi?”. Hình ảnh “Bọt trắng” cũng vậy, đó là hình thức ẩn dụ, nhằm nói tránh về sự mất mát, phù hợp với tình cảnh của những người suốt đời gắn mình với biển khơi, sóng nước.

Người thân đi biển không hóa thành “bọt trắng”, thì “bờ em không đỏ những chân nhang”. “Chân nhang” đây lại là hình ảnh hoán dụ, biểu trưng cho nỗi đau thương tang tóc, sẽ không xảy ra với những người thiếu phụ. Biển động, âu cũng là một quy luật tất yếu của tự nhiên, không thể nào tránh khỏi. Chỉ cầu mong cho con người đi biển có đủ sức mạnh siêu phàm, vượt lên sóng to gió cả mà trở về:

“Để biển đêm không thành nỗi kinh hoàng

Ngày biển động cát bay cùng cánh sóng”.

Để trên bờ biển trắng một màu cát trắng bình yên, sẽ không còn cái cảnh những nàng tô phụ ngày, đêm bồng con, vò võ đứng đợi chồng về.

Niềm mơ ước được đón đợi người thân trở về tổ ấm cũng là khát vọng chung của tất cả mọi người thân trong gia đình, đặc biệt với phụ nữ miền biển có chồng làm nghề chài lưới. Bởi những lúc biển động, sóng to, gió cả thì người đàn ông chính là cột trụ trong gia đình, vững tay chèo lái con thuyền vượt sóng ra khơi. Cuộc sống của làng chài, nếu thiếu vắng người đàn ông, sẽ dẫn đến cảnh điêu tàn:

“Thuyền vặn mình trên cát chơ vơ

Thân rạn vỡ tay chèo gẫy nát

Cánh buồm nâu tả tơi gió cát

Mặc cột buồm xơ xác chung chiêng…”

(Sóng vẫn ru bờ - Đinh Thị Hằng).

Cho nên gửi theo làn khói nhang là những lời thỉnh cầu tha thiết:

“Xin đừng tắt những đợi chờ hy vong

Những bó nhang đừng đưa khói lên trời”.

Những từ “xin”, kết hợp với các từ “vào bờ”, “đừng thành”, “đừng tắt”, “đừng đưa”, rồi “để… không” và “xin cứ”, thành từng cặp, được láy đi láy lại trong những câu thơ như một điệp khúc của nỗi lòng đang chìm trong cơn đau, bối rối, thiết tha và hy vọng của những người vợ, người mẹ mãi không thôi.

Nhất là hiện tại phải sống trong cái cảnh tang thương bao trùm lên tất cả: “Ngày lại ngày, cát trắng vành tang trắng”, thì nỗi khắc khoải đợi trông ngày càng mãnh liệt.

Câu thơ kết thúc, khép lại bài thơ nhưng ý thơ không khép mà vẫn mở ra với một màu đỏ rực rỡ của trời hy vọng:

“Nắng đỏ trời, cát đỏ chờ mong!”

Dưới cái ánh nắng đỏ trời hy vọng là lòng cát, phận cát ở trên bờ cũng đỏ một niềm đợi trông. Đáp lại lời cầu mong, người đàn ông đi biển sẽ trở về, nhưng trước hết là:

“Những người đàn ông sẽ về trong mơ

Cho con trẻ biết cười, đàn bà biết khóc

Làng chài thêm dạn dày gan góc

Thuyền lại ra khơi sóng vẫn ru bờ…”

(Sóng vẫn ru bờ - Đinh Thị Hằng). 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ