Ngày đầu tiên đến cơ quan sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, vừa nhận phong bao lì xì của sếp cùng những lời chúc mừng đầu năm mới của đồng nghiệp, chuẩn bị bắt tay vào công việc đang còn bề bộn thì điện thoại trong túi xách của cô bạn cùng phòng tôi rung lên bần bật: “Dẹp giấy tờ sổ sách qua một bên. Đi “nối mạng” ngày đầu năm. Đúng mười lăm phút nữa anh cho xe đến đón…”.
Sau khi năn nỉ tôi đi cùng với lí do đây là một “đối tác quan trọng”, nếu từ chối ngày đầu năm mới e không tiện, mà đi một mình thì không yên tâm vì “phận nữ nhi thường tình”, cô bạn đồng nghiệp nhảy bổ vào phòng thay đồ, “tút tát” lại dung nhan.
Y hẹn, khi chúng tôi vừa chỉnh tề áo mũ, một chiếc ôtô bốn chỗ trờ đến, cậu tài xế của “đối tác quan trọng” giục chúng tôi lên xe, chở ra một “trung tâm đặc sản” cỡ lớn với các món dê ré nức tiếng trên đường Nguyễn Chí Thanh (quận Đống Đa, Hà Nội), nghe nói ông chủ là một nam ca sĩ nổi danh chuyên về dòng “nhạc đỏ”.
Ở đó, trên một chiếc bàn kê sát cửa sổ, đã có hơn chục người chờ sẵn. Giữa không khí náo nhiệt, ồn ào với hàng loạt tiếng “dô”, sau vài phút “ổn định tổ chức”, vị đối tác của cô bạn đồng nghiệp đứng lên giới thiệu mọi người với nhau rồi tuyên bố: “Hôm nay không say không về! Tiệc “nối mạng” khai xuân thì phải cho ra trò…”.
Lựa lúc chủ tiệc đang “mào đầu”, tôi nhìn sang các bàn bên cạnh, thấy không khí khai xuân vô cùng xôm tụ. Bàn nào cũng rộn ràng những câu chúc mừng năm mới cùng những tiếng cụng ly chan chát…
Trong câu chuyện rôm rả tại bàn tiệc, tôi được biết, không chỉ riêng các nhà hàng sang trọng mà ngay cả quán cóc ven đường ở Hà Nội những ngày này cũng trở thành “bãi đáp” của rất nhiều hội nhậu đầu xuân mới.
Anh Hồ Văn Lâm - Trưởng phòng hành chính thuộc doanh nghiệp Nhà nước nơi vị đối tác cô bạn tôi làm giám đốc, một thành viên của bàn nhậu - cho biết:
“Riêng sáng hôm nay, tôi nhận được tới cả chục cuộc mời nhậu khai xuân. Từ chối thì không tiện vì toàn anh em thân quen. Chính vì thế, tôi chọn giải pháp “chạy sô”, nghĩa là ngồi đây hết “màn chào hỏi” thì nói khó với sếp rằng do đặc thù công việc nên phải “phi” sớm.
Tôi chỉ lo không đủ sức vì chỗ nào cũng phải “hết mình” dăm, bảy chén. Năm ngoái, cũng vào ngày “nối mạng” khai xuân, say quá, tôi gục luôn tại quán, may có người đưa về nếu không chẳng biết thế nào”.
Còn anh Lê Gia Hoàng - “Chiến hữu” khác trong bàn tiệc, hiện đang công tác tại một cơ quan Nhà nước trên địa bàn quận Hoàn Kiếm - nói rằng, những ngày này, dân công sở, cơ quan Nhà nước thường tự cho mình cái quyền đủng đỉnh du xuân và gặp mặt nhau để cùng nhau chuyện trò, ăn uống.
Đoạn, Hoàng kết luận: “Nếu như trước tết, các cơ quan đoàn thể ăn nhậu liên miên, nào là tổng kết, nào là chào năm mới, hội nghị nọ kia đủ cả, thì ra xuân, “công tác nhậu” - dù ở nhiều hình thức khác - nhưng cũng đã trở thành phong trào.
Có lẽ do các nhà hàng, quán nhậu đã nắm bắt kịp thời nhu cầu này nên dịp đầu năm họ sẵn sàng chuẩn bị tâm thế để phục vụ thượng đế.
Mặc dù giá cả của hầu hết các nhà hàng quán nhậu dịp đầu năm đều tăng chóng mặt nhưng vẫn không làm “chùn bước” những “hội nhậu” đầu xuân…”.
Một bữa tiệc khai xuân như thế này có giá trị bằng cả tháng làm thuê của người lao động nghèo. |
Phía sau những bàn tiệc ê hề
Với một lý do “chính đáng đặc biệt”, chúng tôi được vị “đối tác” của cô bạn đồng nghiệp đồng ý cho về trước sau khi đã “chào bàn” liền lúc mỗi người 3 li rượu ngoại có giá cả chục triệu đồng/chai, để lại sau lưng những gương mặt đỏ gay bên bàn tiệc ê hề hầu như chưa có ai động đũa.
Bắt taxi về cơ quan, qua các đường Huỳnh Thúc Kháng, Lê Văn Lương, Trần Duy Hưng, Nguyên Hồng (quận Đống Đa)…, đâu đâu chúng tôi cũng thấy các nhà hàng, quán nhậu với số lượng khách đông nghịt.
Lấy xe máy tranh thủ dạo một vòng quanh các con phố nổi tiếng là “trung tâm ăn nhậu” ở khu vực các quận Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm như Mai Hắc Đế, Tăng Bạt Hổ, tình trạng tương tự cũng diễn ra.
Anh Lê Văn Trường - Chủ một quán nhậu trên đường Mai Hắc Đế - cho biết: “Đầu năm Bính Thân này, tôi phải thuê thêm 20 nhân viên phục vụ nhưng vẫn không xuể vì số lượng khách tăng hơn nhiều so với ngày thường. Có những thời điểm phải từ chối bớt, không nhận đặt bàn vì khách quá đông…”.
Anh Trường còn cho biết, khác với những ngày trong năm, các buổi liên hoan, gặp gỡ bạn bè, đối tác dịp đầu xuân thường rất hoành tráng. Thức ăn bày ra rất nhiều, bia rượu cũng không thiếu.
Có nhiều “hội nhậu”, người được mời vắng nhiều do phải… chạy sô, bàn sẽ trống. Để lấp các khoảng trống đó, không cách nào khác là phải “huy động sức người” bằng cách gọi thêm các chiến hữu khác đến để tiếp tục... nhậu.
Trao đổi với tôi, anh Hoàng Xuân Toản - Quản lý một nhà hàng trên đường Tăng Bạt Hổ - chia sẻ, biết rõ thời gian ra tết, dân công sở, văn phòng thường ùn ùn kéo nhau đi du hí, gặp gỡ đầu xuân nên các cơ sở kinh doanh ẩm thực đã chuẩn bị những món ăn mà các “thượng đế” thuộc hàng sành điệu này gọi là “hàng độc”, “hàng lạ” theo tiêu chí ngon, mát nhằm chống ngán sau những ngày tết với bánh chưng, thịt đông và tiệc tùng liên miên.
Tại trung tâm thành phố, bún chả, bún ốc, bún thang, phở chấm, nem rán… là những món được khách hàng ưa chuộng. Còn nếu muốn “độc” và “lạ” hơn, thì đến những nhà hàng đặc sản nằm rải rác trên phố Bát Đàn, Cầu Đất, Lê Phụng Hiểu, Lê Văn Hưu, Nguyễn Du với các món chuyên biệt Âu, Á, hải sản 3 miền Trung - Nam - Bắc hay các món chay… Đặc biệt, xa hơn chút nữa, sang bên Lệ Mật sẽ có các món rắn “danh bất hư truyền”.
Cũng theo anh Toản, qua “hóng” các câu chuyện rôm rả tại các bàn tiệc đầu năm, có thể thấy, ra xuân, sau khi tổ chức gặp mặt vào đầu giờ sáng, tại nhiều công sở, hầu hết mọi người tản đi lễ chùa hoặc chúc tết, sau đó rủ nhau “nối mạng” để bù khú, chúc tụng nhau.
Thậm chí, nhiều cơ quan còn rồng rắn ngựa xe đến nhà hàng liên hoan sau tết một cách linh đình với lý do “chúc mừng năm mới”. “Vì vậy, không lấy làm khó hiểu khi những cơ sở phục vụ dịch vụ ăn uống, trong đó có nhà hàng do tôi quản lý lại tấp nập, đông nghẹt thực khách vào những ngày đầu xuân, mặc dù, vì nhiều lý do, giá cả trong những ngày này khá “chát”…” - Anh Toản cho biết.
Những gì mắt thấy, tai nghe sau khi “vi hành” một vòng các nhà hàng, quán nhậu ở thủ đô đã cho tôi thấy, tình trạng “cắt xén” giờ hành chính, trốn việc để liên hoan sa đà của một bộ phận công chức đang diễn ra khá phổ biến vào dịp đầu xuân.
Và câu ca dao “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” dường như không còn nguyên nghĩa vì nó còn được giới viên chức Nhà nước áp dụng triệt để, cho dù Chính phủ đã có “trát” nhắc nhở cán bộ, công chức thực hiện nghiêm kỉ luật hành chính sau tết.
Tôi cũng nghiệm ra một điều rằng, phía sau những cuộc nhậu khai xuân hoành tráng đầy ắp tiếng cụng ly, reo hò tán tụng với mâm cao cỗ đầy, vẫn còn quá nhiều người phải còng lưng cho những nỗi lo cơm - áo - gạo - tiền đầu năm mới.
Xin kết thúc bài viết này bằng lời tâm sự của một người phụ nữ quê ở Thái Bình, chị phải từ giã chồng con sớm lên Hà Nội làm nghề rửa bát thuê tại một nhà hàng trên phố Tăng Bạt Hổ. Chị nói: “Họ khui một chai rượu có giá tiền bằng chúng tôi rửa bát thuê mấy tháng trời...”.