Ukraine có thể dùng vũ khí Mỹ nhắm vào các mục tiêu của Nga ở vùng Belgorod sau khi Washington nới lỏng các hạn chế về nơi chúng có thể được sử dụng - báo chí phương Tây đã xác nhận.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định để tránh Thế chiến thứ 3, vũ khí Mỹ gửi tới Ukraine không thể nhắm vào những gì Mỹ coi là lãnh thổ của Nga.
Sự thay đổi chính sách của ông Biden cho phép Kiev tấn công riêng các mục tiêu quân sự gây ra mối đe dọa trực tiếp cho vùng Kharkov, giáp ranh với vùng Belgorod của Nga vốn đã chứng kiến giao tranh dữ dội trong tháng này. Quân đội Nga đã kiểm soát được những lãnh thổ đáng kể trong khu vực trên.
“Đây là một thực tế mới”, một quan chức cấp cao của Mỹ nói với tờ New York Times (NYT), “và có lẽ là một kỷ nguyên mới” trong cuộc xung đột Ukraine.
NYT lưu ý rằng ông Biden dường như là tổng thống Mỹ đầu tiên cho phép tấn công một quốc gia có vũ khí hạt nhân.
Báo cáo của NYT cung cấp thông tin chi tiết về việc quan điểm của ông Biden đã bị ảnh hưởng như thế nào trước áp lực nước ngoài và các thành viên trong chính quyền của ông.
Các nguồn tin cho biết, nhà lãnh đạo Mỹ lần đầu tiên bày tỏ ý định thực hiện thay đổi ngày 15/5, khi cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan đưa ra khuyến nghị chính thức về vấn đề này.
Quyết định cuối cùng được đưa ra vào cuối tuần trước, sau khi ông Biden gặp những ‘người đứng đầu’ an ninh quốc gia để thảo luận về những rủi ro của động thái trên.
Các quan chức Mỹ nói với NYT rằng việc thay đổi chính sách rất hạn chế và được thúc đẩy bởi đặc thù chiến trường ở vùng Kharkov. Tuy nhiên, “các hạn chế của tổng thống có thể được nới lỏng hơn nữa”, theo NYT.
Sau động thái của Tổng thống Mỹ, Na Uy và Phần Lan cho biết Ukraine cũng có thể thực hiện các cuộc tấn công tầm xa chống lại Nga bằng cách sử dụng vũ khí phương Tây do NATO cung cấp.
Moscow cho biết họ đã tấn công vùng Kharkov để đáp trả các cuộc pháo kích và tấn công bằng UAV liên tục của Ukraine vào vùng Belgorod, gồm cả thủ phủ của tỉnh này.
Tổng thống Vladimir Putin nói rằng phương Tây đã bỏ qua phần này khi mô tả tình hình.
Hôm 28/5, ông Putin cho rằng chính Ukraine gây ra điều này và xung đột gia tăng tương tự có thể xảy ra sau các cuộc tấn công bằng vũ khí phương Tây vào sâu bên trong nước Nga.
“Sự leo thang liên tục này có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Nếu những hậu quả đó xảy ra ở châu Âu, Mỹ sẽ hành động thế nào, xét đến sự ngang bằng về vũ khí chiến lược của chúng ta?” - ông Putin đặt câu hỏi.