Trong thông báo đưa ra ngày 17/3, Viện Khí tượng và hải dương quốc gia Mỹ (NOAA) cho biết trận bão Mặt trời này được xếp ở cấp độ G4 trong thang cấp độ từ G1 - G5 với G5 là cấp độ mạnh nhất. Đây là kết quả của hai vụ nổ lớn trên lớp bề mặt ngoài cùng của Mặt Trời, hay còn gọi là nhật hoa (corona) hoặc lửa Mặt Trời, xảy ra hôm 15/3 vừa qua.
Những vụ nổ này đã dẫn đến hiện tượng phun trào nhật hoa, đồng thời làm bùng phát các đám mây điện tích khổng lồ cực nóng vào không gian. Những đám mây này gây ra bão từ với cường độ cao, đủ sức xuyên qua lớp từ trường bảo vệ Trái Đất, đồng thời đưa một lượng hạt mang điện không nhỏ vào trong khí quyển.
Bão Mặt trời hình thành từ một vụ nổ trên bề mặt hành tinh này (hay còn gọi là lửa mặt trời), phóng ra các tia X và tia cực tím xuống Trái Đất với tốc độ ánh sáng.
Theo NOAA, trận bão Mặt Trời có thể ảnh hưởng đến việc kiểm soát điện thế trên diện rộng hay hệ thống bảo vệ của mạng lưới điện. Do ảnh hưởng của bão từ, sóng phát thanh cao tần trên Trái Đất cũng sẽ bị chập chờn hoặc bị mất tín hiệu trong vài giờ đồng hồ, trong khi hoạt động của hệ thống vệ tinh theo dõi cũng có nguy cơ bị gián đoạn.
Tại Mỹ, người dân ở các khu vực như Alaska, Minnesota, Wisconsin, Washington, Bắc và Nam Dakota cho biết đã thấy các cực quang phát ra do bão từ. Dự kiến, người dân châu Âu cũng sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng cảnh tượng này trong ngày 17/3.
Bão Mặt trời hình thành từ một vụ nổ trên bề mặt hành tinh này (hay còn gọi là lửa mặt trời), phóng ra các tia X và tia cực tím xuống Trái Đất với tốc độ ánh sáng.
Vài giờ sau, các phần tử chứa năng lượng chảy theo, các hạt electron và proton này có thể gây nhiễm điện cho các vệ tinh, đồng thời làm chập các thiết bị điện tử gắn kèm. Tiếp đó, những đám mây nặng tỷ tấn chứa plasma từ tính sẽ từ Mặt Trời "đáp" xuống Trái Đất sau một ngày hoặc lâu hơn.
Theo giới chuyên gia, các vụ nổ trên Mặt Trời hiếm khi xảy ra, nhưng đây vẫn là mối nguy cơ đe dọa các vệ tinh, hệ thống định vị toàn cầu và các đường dây tải điện.
Nếu xảy ra, bão Mặt trời có thể gây thiệt hại trên diện rộng, làm tê liệt các hệ thống thiết yếu như điện, sóng phát thanh, hệ thống định vị GPS, hệ thống cung cấp nước hoạt động bằng bơm điện.