Bạo lực học đường: Đừng chỉ đổ lỗi cho ngành Giáo dục

GD&TĐ - Bạo lực học đường (BLHĐ) đang diễn ra với số lượng tăng lên, tính chất phức tạp hơn. Bên cạnh sự nỗ lực của ngành GD thì vai trò, trách nhiệm, sự chung tay của gia đình, xã hội cũng vô cùng quan trọng. TS chuyên ngành Khoa học giáo dục Vũ Việt Anh - Tổng Giám đốc Học viện Thành Công (Hà Nội) đã trao đổi về vấn đề trên.

TS Vũ Việt Anh nói chuyện cùng HS về phòng chống BLHĐ
TS Vũ Việt Anh nói chuyện cùng HS về phòng chống BLHĐ

- Xin ông cho biết vai trò của gia đình và xã hội đối với việc hình thành, giáo dục nhân cách, hành vi của con người.

- Người Việt có nhiều câu ca dao, tục ngữ nói về yếu tố ảnh hưởng của môi trường đến hành vi của con người như: “Giỏ nhà ai, quai nhà nấy”; “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”; “Cha nào, con nấy”; “Rau nào, sâu nấy”… để nói đến yếu tố môi trường ảnh hưởng rất lớn đến hành vi, tính cách, văn hóa của một con người. Đặc biệt những hành vi xấu rất dễ hấp thụ tiếp thu.

Vì vậy, việc hành xử bạo lực trong gia đình và xã hội hàng ngày dễ dàng ảnh hưởng đến giới trẻ và lan cả vào môi trường rất nhân văn là trường học. Bạo lực học đường ngày nay thực sự rất đáng báo động.

Báo cáo của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho thấy, bình quân cứ 5.260 HS thì xảy ra một vụ đánh nhau; cứ 9 trường thì xảy ra một vụ HS đánh nhau; cứ 10.000 HS thì có một HS bị kỷ luật khiển trách, cứ 5.555 HS thì có một HS bị kỷ luật cảnh cáo vì đánh nhau; cứ 11.111 HS thì có một HS bị buộc thôi học có thời hạn vì đánh nhau. (Báo cáo 417/BC-UBVHGDTTN13).

- Khi xảy ra BLHĐ, dư luận xã hội quy trách nhiệm cho nhà trường và ngành Giáo dục. Nhìn nhận một cách khách quan thì điều đó đã đúng chưa thưa ông?

- Số liệu thống kê của Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C64), Bộ Công an cho thấy trong hai năm (2014 - 2015), toàn quốc xảy ra hơn 17.000 vụ vi phạm pháp luật do hơn 25.000 trẻ em và người chưa thành niên gây ra.

Trong số 15.736 vụ án hình sự do người chưa thành niên gây ra thì có tới 85% các em vi phạm pháp luật là do bản thân thiếu tu dưỡng, rèn luyện, ham chơi bời, hưởng thụ… Có tới 34,4% các em sống trong hoàn cảnh thiếu hẳn sự chăm sóc của bố mẹ đẻ. Có 80% trong số 7.861 vụ phạm tội ở lứa tuổi chưa thành niên rơi vào hoàn cảnh gia đình khó khăn, gia đình thường xảy ra bạo lực… thiếu sự quan tâm đến trẻ em, sự giáo dục chưa phù hợp.

Trung tá, TS Trần Chiến Thắng, Phó Trưởng khoa Nghiệp vụ Cảnh sát vũ trang Trường ĐH Cảnh sát nhân dân, người từng nghiên cứu dấu hiệu tiền phạm tội của người chưa thành niên, cho biết: “Có đến 96,7% các em kết bạn với thành phần bất hảo và đối tượng lớn tuổi hơn; khả năng bị lôi kéo vào con đường phạm tội là rất cao. Đa số các em đều có biểu hiện hỗn láo với ông bà, cha mẹ và thầy cô. Hơn 60% đều có chơi game bạo lực”.

Như vậy, khách quan đánh giá BLHĐ bị ảnh hưởng bởi 3 yếu tố: Trường học và ngành GD; cách hành xử và GD trong gia đình; ảnh hưởng bởi các hành xử của môi trường ngoài xã hội.

GD trong nhà trường đóng vai trò quan trọng trong việc tạo dựng tương lai của trẻ, tuy nhiên không thể phó mặc hoàn toàn trách nhiệm này cho nhà trường. Tam giác GD ASK (Kỹ năng, Thái độ, Kiến thức) cho ta thấy vai trò của nhà trường chủ yếu là cung cấp kiến thức cho HS, còn thái độ và kỹ năng rất cần sự chung tay của gia đình và xã hội. 

 
TS Vũ Việt Anh

Còn trên thực tế, ngành GD đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực để ngăn ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em như: Phong trào xây dựng “trường học thân thiện, HS tích cực” giai đoạn 2008 - 2013; cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”; tổ chức sinh hoạt chuyên đề “Học sinh, sinh viên nói không với hành vi bạo lực” trong nhà trường... Đối với GDMN, ngành đã có một số giải pháp bước đầu nhằm chấn chỉnh việc quản lý và tổ chức hoạt động tại các cơ sở GDMN có nguy cơ gây bạo lực, xâm hại trẻ em.

Thế giới trẻ thơ. Ảnh minh họa
Thế giới trẻ thơ. Ảnh minh họa

Như vậy, sự nỗ lực của các nhà trường và ngành GD trong vấn đề ngăn chặn, đẩy lùi… BLHĐ rất đáng được ghi nhận.

- Gia đình, xã hội, nhà trường là 3 chân kiềng không thể thiếu trong GD nhân cách đạo đức con người. Nếu chỉ có một chân kiềng nhà trường thì việc đẩy lùi loại bỏ BLHĐ có giải quyết được gốc rễ?

- Không thể giải quyết BLHĐ nếu chỉ trông chờ vào hệ thống GD mà cần cả sự chung tay của gia đình và toàn xã hội. Cha mẹ, gia đình chính là người thầy, là ngôi trường đầu tiên ảnh hưởng đến nhân cách của một con người “Trẻ em là tấm gương phản chiếu cách sống của người lớn”.

Yếu tố môi trường sống cũng ảnh hưởng lớn đến con trẻ, nếu suốt ngày trẻ được sống trong môi trường bạo lực, xem phim bạo lực, chơi game bạo lực… thì chắc chắn sẽ trở thành một con người có hành vi bạo lực. (Children see, Children do - Trẻ em nhìn thấy điều gì, trẻ em sẽ làm theo điều đó).

- Vậy theo ông, gia đình, xã hội cần tăng cường những giải pháp nào để tình trạng BLHĐ được đẩy lùi?

- Dưới góc nhìn của một nhà GD, tôi cho rằng cần: Nâng cao vai trò, trách nhiệm của GD gia đình; Tạo dựng môi trường an toàn, lành mạnh trong đó ông bà, cha mẹ làm gương trong hành xử văn minh, thanh lịch, sẵn sàng đấu tranh với những hành vi bạo lực, tiêu cực.

Công tác GD tuyên truyền về phòng chống bạo lực, xâm hại cần được đẩy mạnh. Phủ rộng trên các kênh thông tin, truyền thông, thay đổi phương pháp giáo dục tuyên truyền đa dạng, phong phú, hấp dẫn, gần gũi với thực tế. Cùng đó cũng cần đổi mới GD đạo đức trong nhà trường. Cần sự vào cuộc của các ban ngành đoàn thể trong công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ.

Đặc biệt, củng cố chính sách pháp luật rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn liên quan đến lĩnh vực phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em; nghiên cứu ban hành quy chế phối hợp trong chỉ đạo, điều hành, tạo điều kiện để mọi trẻ em được thực hiện đầy đủ các nhóm quyền cơ bản của mình và để bảo vệ trẻ em khỏi bị bạo lực, xâm hại, tạo hành lang pháp lý cần thiết cho việc triển khai, thực hiện nhiệm vụ của các Bộ, ngành Trung ương và chính quyền địa phương trong lĩnh vực này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.