Bạo lực học đường: Bài học không của riêng ai

GD&TĐ - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hưng Yên, huyện Ân Thi và Ban Giám hiệu, giáo viên Trường THCS Phù Ủng - nơi đã xảy ra vụ việc một nhóm học sinh đánh bạn gây phẫn nộ dư luận những ngày qua.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trao đổi tại buổi làm việc đến hôm 31/3, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, ngay sau khi nắm được thông tin, Bộ trưởng đã trực tiếp gọi điện cho Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên và chỉ đạo đơn vị chức năng của Bộ có văn bản yêu cầu địa phương kiểm tra, xử lý kịp thời. Đây là vụ việc rất nghiêm trọng, đau lòng, ảnh hưởng đến niềm tin xã hội, phải có biện pháp xử lý nghiêm khắc.

Bộ trưởng cho rằng, qua sự việc cho thấy, hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm chưa ý thức hết chức trách, nhiệm vụ được giao, chưa chủ động nắm bắt tình hình, chưa sát sao với học sinh và các hoạt động của nhà trường. Lãnh đạo nhà trường đã buông lỏng quản lí, khi sự việc xảy ra chỉ nghe báo cáo, không có các giải pháp xử lý triệt để, kịp thời.

Với vai trò là hiệu trưởng, là giáo viên chủ nhiệm, các thầy cô phải có trách nhiệm sát sao nắm bắt tâm tư nguyện vọng của học sinh. Nếu có trường hợp học sinh cá biệt phải kịp thời có biện pháp hỗ trợ. Các thầy cô cần phải quan tâm hơn đến các em, khi thấy có dấu hiệu bất thường phải phối hợp với gia đình để có biện pháp giáo dục thích hợp.

Bộ trưởng cũng phê bình nhà trường khi để một học sinh nhút nhát, có hoàn cảnh khó khăn bị bạo hành mà không có biện pháp bảo vệ. Về việc xử lý của Hội đồng kỷ luật nhà trường sau khi sự việc xảy ra, Bộ trưởng cho rằng, hội đồng đã xử lý chưa thỏa đáng, có phần du di, xuê xoa, không đủ sức răn đe.

Bộ trưởng cho biết, bạo lực học đường đang có những diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Bộ GD&ĐT đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định 80 quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, phòng, chống bạo lực học đường cùng nhiều chính sách khác. Tuy nhiên, qua thực tế, cần xem xét việc quán triệt các văn bản này đã đến địa phương, đến giáo viên chưa, các cấp quản lí ở huyện, ở xã đã vào cuộc chưa, đã kiểm tra giám sát chưa?

“Tôi đề nghị, Hiệu trưởng, Ban Giám hiệu không hoàn thành nhiệm vụ thì xem xét cho thôi. Đây là bài học không chỉ cho ngành Giáo dục Hưng Yên mà là bài học chung cho cả nước” - Bộ trưởng nêu rõ.

Qua đây, Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo địa phương, các nhà trường nhận thức sâu sắc về trách nhiệm xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, phòng, chống bạo lực học đường, có các giải pháp quyết liệt để không tái diễn các trường hợp tương tự. Ban Giám hiệu, giáo viên các cơ sở giáo dục phải thực hiện nghiêm các quy định để xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, tạo niềm tin cho phụ huynh gửi con đến trường.

Bộ trưởng cũng đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Hưng Yên điều tra làm rõ sự việc, xử lý nghiêm sai phạm, sớm ổn định tình hình để các thầy cô chuyên tâm dạy dỗ, chăm lo cho học sinh. Đề nghị chính quyền địa phương, các thầy cô giáo quan tâm, thăm hỏi, động viên hỗ trợ tối đa để em Y -Nạn nhân trong vụ việc kể trên, ổn định tâm lý, sớm trở lại học tập bình thường.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Phóng thừa nhận, đây là sự việc rất đau lòng, làm ảnh hưởng không những là danh dự, uy tín ngành Giáo dục mà còn ảnh hưởng đến nhiệm vụ chính trị của tỉnh, của huyện, của xã.

Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên chỉ đạo: Đối với Hiệu trưởng, Ban Giám hiệu Trường THCS Phù Ủng, đề nghị xem xét làm quy trình xử lý cách chức, cách chức cả chi ủy nhà trường, cách chức tổng phụ trách Đội, xem xét kỷ luật Hội đồng kỷ luật nhà trường, vì bao che, nương nhẹ; xem xét trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm ở hình thức nặng hơn nữa vì không nắm được tâm tư nguyện vọng, tình cảm diễn biến của học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.