Bạo lực giữa học sinh - do đâu?

GD&TĐ - Trong nhiều năm trở lại đây, nhiều câu chuyện về bạo lực giữa học sinh với học sinh đã liên tục xảy ra khiến cho chúng ta không ít lần phải đau đầu. Nhiều người đặt câu hỏi: Vì đâu mà tình trạng bạo lực ngày càng nhiều lên như thế?

Bạo lực giữa học sinh - do đâu?

Ảnh hưởng từ gia đình

Việc một đứa trẻ có xu hướng bạo lực, nguyên nhân đầu tiên cần đề cập chính là gia đình với vai trò là”tế bào” của xã hội. Mỗi thái độ hay hành vi ứng xử trong gia đình đặc biệt là của bố và mẹ sẽ in dấu lên tâm lí của đứa trẻ. Phần lớn đứa trẻ lớn lên với những bố mẹ thường xuyên văng tục, chửi bậy, chắc chắn sẽ dùng những câu văng tục, chửi bậy một cách “như thói quen”.

Khi bố mẹ chúng hành xử bằng những hành vi bạo lực như đánh đập con cái, chửi rủa con cái thường xuyên, đập phá đồ đạc, thì đứa trẻ cũng sẽ ảnh hưởng nhiều từ tính cách đó. Có đứa bé có hiện tượng sợ sệt khi thường xuyên bị đánh, dẫn đến tự kỉ. Có đứa bé dùng những hành vi đó như phương tiện để thể hiện sức mạnh của mình vì học được điều đó khi bố (mẹ) mình ra oai trong gia đình. Một ngày với hơn nửa thời gian tiếp xúc với người thân, ảnh hưởng từ chính những người gần gũi ấy hẳn nhiên là ở vị trí số 1 đối với các em.

Ảnh hưởng từ những phương tiện thông tin

Xu hướng bạo lực ở trẻ em hiện nay còn xuất phát từ hiệu ứng tâm lí khi trẻ thường xuyên tiếp xúc với những trò chơi và phim ảnh có tính chất bạo lực. Nhiều trò chơi hoặc phim ảnh có nội dung đánh đấm, chém giết một cách dã man. Người tham gia chơi đóng vai những nhân vật trực tiếp tham gia chém giết, đánh nhau. Tuy là mạng nhưng về tinh thần đã cổ vũ tính hiếu thắng, thói ham chém giết và vẽ ra những cảnh tượng chết chóc, đánh đập khiến người xem, người chơi quen với chúng, coi đó là chuyện bình thường. Điều đó chẳng khác gì cho trẻ làm quen với việc hành xử dã man với đồng loại và coi việc làm đó là chuyện thường.

Mạng xã hội thời gian gần đây còn xuất hiện nhiều vi deo và những tài khoản face book có những phát ngôn lệch lạc, không chuẩn mực, cổ vũ những hành vi côn đồ, thiếu văn hóa khiến tư duy của một bộ phận không nhỏ các em học sinh bị ảnh hưởng. Ví dụ như: Hình ảnh Khá Bảnh trở thành hình ảnh “nổi tiếng” trên mạng xã hội, đến một số ca sĩ, bạn trẻ thu âm bài hát chế lời có ngôn ngữ kích động bạo lực hoặc hành vi thiếu chuẩn mực lại được các em tiếp nhận rồi truyền nhau nghe, học theo cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến gia tăng hành vi bạo lực tinh thần bằng ngôn ngữ và hành vi bạo lực thân thể.

Chúng ta dạy đạo đức như thế nào?

Nhiều năm nay, mặc dù có nhiều cải tiến hướng tới môn đạo đức, môn Công dân, hướng tới dạy văn hóa ứng xử cho học sinh, nhưng trên thực tế, việc giảng dạy những môn học này vẫn còn có nhiều hạn chế. Giáo dục đã cố gắng thay đổi nhằm làm cân bằng sự thiên lệch giữa các môn còn lại (trong đó có Công dân và Đạo đức) đối với môn Toán, Văn ( Tiếng Việt).

Chúng ta có bao nhiêu học sinh nắm được bộ luật dân sự, luật hình sự cơ bản trước khi bước vào tuổi 18, chính thức phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình trước pháp luật? Chúng ta có bao nhiêu đứa trẻ học chào hỏi lễ phép, học nói năng chuẩn mực mà áp dụng thực tế một cách tự nhiên thường ngày? Chúng ta có bao nhiêu đứa trẻ biết đi xe đúng luật giao thông và tham gia các hoạt động văn hóa xã hội một cách văn minh và tôn trọng quy tắc ứng xử?

Câu trả lời là rất ít. Phần nhiều các em được học nhưng không nhớ. Phần nhiều các em được học nhưng khi đem áp dụng thực tế lại không đi cùng với số đông. Phần nhiều các em đã học các luật trong môn Công dân nhưng thực tế đó chỉ là cưỡi ngựa xem hoa, và nhiều thầy cô đã coi nó là môn phụ để rồi dạy một cách quấy quá và thiếu trách nhiệm với các em, hoặc ngược lại, chính các em bị tư tưởng môn phụ để học nó với thái độ đối phó khi có kì thi.

Từ sự vô tâm của chúng ta

Người lớn biết mà không nói, người lớn thấy mà không ngăn chặn, thậm chí cổ vũ là nguyên nhân khiến cho những hành vi bạo lực trở nên nghiêm trọng. Hiện tượng “va chạm” giữa các em học sinh xảy ra khá nhiều nhưng ban đầu chỉ ở mức độ nhẹ. Có khi nó chỉ là lời nói thiếu chuẩn mực, chưa đến mức độ hành xử côn đồ với nhau. Lâu dần, những va chạm đó ngày một nhiều thêm, tích tụ thành những xô xát lớn khiến các em dùng đến những hành động côn đồ để giải quyết.

Nhiều bậc cha mẹ biết chuyện nhưng không ngăn cản, thậm chí còn buông câu vô tâm vào giữa những câu chuyện đó khiến con có nhận thức lệch lạch.

Một số giáo viên biết nhưng vì thiếu trách nhiệm nên bỏ qua mà không có biện pháp giải quyết triệt để thấu đáo khiến cho học sinh đem nhau ra ngoài đường để “tự giải quyết ân oán”.

Mạng xã hội kết nối nên học sinh có nhiều cơ hội để cùng nhau lập hội nhóm mà thầy cô không kiểm soát được, thế nên những trận đánh nhau hội đồng xảy ra nhiều hơn, những hình thức bạo lực trở nên nghiêm trọng hơn mà chính học sinh của chúng ta lại không ý thức được hết sự nghiêm trọng của nó đối với mình, với bạn và với xã hội.

Ứng xử thế nào

Vấn nạn bạo lực trở thành mối quan tâm của toàn xã hội cho thấy tính chất nghiêm trọng của vấn đề này. Giải quyết tình trạng này cần một sự thay đổi của cả xã hội, nhà trường và gia đình.

Thay vì kêu gào để than vãn về tình trạng bạo lực, mỗi cha mẹ hãy trở thành một tấm gương sáng trong gia đình mình. Hãy cư xử thương yêu và trân trọng lẫn nhau, tôn trọng con cái và hành xử có văn hóa khi ra đường.

Quản lí các kênh thông tin tràn lan trên mạng xã hội ngày nay. Nên có quy định rõ ràng về từng kênh phù hợp với lứa tuổi các em. Vẫn biết quản lí các tài khoản thật khó, nhưng trước mắt, cách từng gia đình quản lí con em mình cũng là một cách cần thiết.

Nhà trường nên có những hình thức mạnh tay hơn giữ gìn văn hóa ứng xử chuẩn mực giữa thầy với trò, trò với trò, trò với thầy. Thanh lọc môi trường giáo dục để luôn luôn đảm bảo môi trường giáo dục trong sạch, thân ái, góp phần giúp học sinh nuôi dưỡng tình cảm yêu thương, quý mến chân thành với nhau.

Là một giáo viên đứng lớp, tôi nghĩ rằng, không chỉ giáo viên chủ nhiệm hàng ngày phải quan tâm đến học sinh mà tất cả giáo viên bộ môn cũng nên là người bạn đồng hành cùng các em. Khi nắm bắt một thông tin có nguy cơ xuất hiện hành động bạo lực, giáo viên nên khéo léo xử lí một cách nhẹ nhàng, phù hợp với đặc điểm tâm lí lứa tuổi.

Không nên dùng lí lẽ làm thầy để đe nẹt, nhắc nhở các em ( đặc biệt với học sinh lớn), hãy dùng thái độ ôn hòa, khoan dung, dùng lòng nhiệt tình để tìm hiểu nguyên nhân một cách kĩ càng và xử lí một cách thấu đáo để các em tâm phục, khẩu phục mà thoát ra khỏi những hiềm khích mà xây dựng tình bạn trong sáng tốt đẹp. Nên tổ chức nhiều hoạt động để học sinh có cơ hội giao lưu, hiểu bạn, từ đó bồi đắp tình thương yêu và gắn bó.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ