Ông Tony Gallagher, Tổng biên tập của The Sun, một trong những tờ báo lá cải có sức ảnh hưởng lớn nhất ở Anh, luôn nhìn chính phủ ở vị thế từ trên xuống đúng theo nghĩa đen. Từ tòa soạn nằm trên tầng 12 nhìn xuống, Điện Westminster chỉ còn như một lâu đài đồ chơi hay thứ gì đó có thể lờ đi nếu muốn.
Mặc dù số ấn bản lưu hành và danh tiếng bị sụt giảm nhưng khi nước Anh dự định và quyết định rời Liên minh châu Âu (Brexit), quyền lực của những tờ báo lá cải ngày càng tăng.
Theo The New York Times, nguyên nhân là bởi trong thời điểm nhạy cảm này, những chính trị gia hàng đầu không chỉ muốn “lấy lòng” các tờ báo lá cải mà còn lo sợ sẽ khiến họ nổi giận. Thậm chí, các đài phát thanh cũng đưa tin theo các tờ báo lá cải, thậm chí bắt chước cả giọng điệu của họ.
Hơn nữa, độc giả của báo lá cải, nhiều người đã ngoài 50 tuổi, thuộc tầng lớp lao động và sống ở ngoại ô London. Phần nhiều trong số họ là những người ủng hộ Brexit. Do đó, các tờ báo lá cải được xem là đại diện của những công dân Brexit ngay trong trái tim của những người có tư tưởng ngược lại.
Nhớ lại hồi năm ngoái, khi cuộc trưng cầu dân ý diễn ra vào ngày 8/6, hầu hết các tờ báo lá cải đều được xem là những “người hùng”, những người có thể hành động để bảo vệ Brexit. Theo một nghiên cứu của Đại học Loughborough, ba tờ báo gồm The Daily Telegraph, Daily Mail và The Sun là những lực lượng chính khiến lượng tin bài về cuộc trưng cầu dân ý nghiêng hẳn về ủng hộ Brexit với tỉ lệ 80%-20%.
Trong loạt tin bài đó có nhiều bài nói về những mặt trái khi nước Anh ở trong Liên minh châu Âu, đặc biệt là tình trạng nhập cư. Nhiều tin tức bị cho là giả mạo như nước Anh phải nộp cho Liên minh châu Âu khoảng 350 triệu bảng Anh mỗi tuần và nguy cơ hàng triệu người Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tràn sang Anh nếu nước Anh ở lại EU trong khi Thổ Nhĩ Kỳ còn chưa gia nhập EU.
Từ lâu, Liên Hợp Quốc đã hối thúc Anh xử lý những thông tin báo chí có giọng điệu cực đoan. Liên Hợp Quốc còn nêu rõ trường hợp The Sun đã so sánh những người nhập cư với loài gián và virus gây bệnh.
The Sun được cho là một trong những tờ báo lá cải có sức ảnh hưởng lớn nhất ở Anh.
Trong khi đó, các tờ báo lá cải vẫn biện minh rằng họ chỉ phản ánh đúng những mối lo lắng và lo sợ của độc giả. Tuy nhiên, các nhà phê bình lại cáo buộc rằng nhiều tờ báo lá cải đã can thiệp xấu vào cuộc trưng cầu dân ý bằng cách đánh vào những bản năng và định kiến tồi tệ nhất của con người, làm méo mó sự thật và tạo ra một hình thức tuyên truyền chống lại EU cũng như định hình chính sách.
Phóng viên Katrin Bennhold của The New York Times cho biết anh đã gửi thư cho Gallagher để đề nghị được phỏng vấn vào ngày 29/3, cùng ngày nước Anh gửi thư cho các lãnh đạo Liên minh châu Âu ở Brussels để chính thức bắt đầu các cuộc đàm phán về Brexit dự định kéo dài trong hai năm. Khi Bennhold nói, sẽ rất khó hiểu được nước Anh ngày nay nếu không hiểu về những tờ báo lá cải. Ông Gallagher đã đồng tình.
Khi được hỏi về Brexit, ông Gallagher nói: “Chúng tôi đã vận động cho Brexit nhưng tôi không nghĩ chúng tôi đã khiến Brexit xảy ra”.
Tuy nhiên, nghiên cứu của một cựu nhà báo của tờ Times, Liz Gerard, cho thấy các tờ báo lá cải đã liên tục nhắm vào vấn đề nhập cư. Chỉ trong vòng 6 tháng trước khi cuộc trưng cầu dân ý diễn ra, tờ Daily Mail đã có ít nhất 30 trang nhất thể hiện sự thù địch đối với EU, trong khi The Sun cũng có ít nhất 15 bài. Các bài viết có những tiêu đề rất tiêu cực như: “Biên giới mở tung của nước Anh”. Tờ The Sun còn có bài viết ám chỉ rằng nhiều trẻ em tỵ nạn đến Anh đã khai gian tuổi và đề xuất phải cho các em đi chụp X-quang răng để phát hiện gian lận.
Ông Gallagher biện minh: “Không có gì phải nghi ngờ, chúng tôi sống dựa trên sự nhiệt tình của người dân. Tuy nhiên, thật sai lầm khi nghĩ rằng chúng tôi có thể lôi kéo những độc giả đi theo quan điểm khác hẳn với quan điểm của họ”.
Trong khi đó, ông Roy Greenslade, một cựu biên tập viên tại The Sun lại không đồng tình. Ông cho biết, năm 1975, lần gần đây nhất nước Anh tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về quan hệ thành viên với Cộng đồng Kinh tế châu Âu, cũng là thời điểm các cuộc thăm dò dư luận cho thấy hầu hết mọi người ủng hộ rời đi, nhưng tất cả các tờ báo (trừ tờ Morning Star) lại vận động cho việc ở lại. Và người dân đã bỏ phiếu ở lại.
Ông nói: “Họ nói với bạn rằng: ‘Chúng tôi chỉ đơn thuần phản ánh và làm rõ quan điểm của công chúng. Nhưng họ đang đăng tải những thông tin không chính xác và bóp méo sự thật. Điều đó tác động đến cách cảm nhận của mọi người”.