Quyền lợi đi liền với trách nhiệm
Để chiếc “phao cứu sinh” - bảo hiểm y tế (BHYT) xuất hiện đúng lúc đúng chỗ, trước đó người dân phải thực hiện trách nhiệm của mình là đóng góp kinh phí. Với những người có điều kiện, có thể mua nhiều loại bảo hiểm khác nhau nhưng loại bảo hiểm mang tính cộng đồng, chia sẻ hơn cả là BHYT.
Thông qua việc đóng góp của các thành viên trong cộng đồng, quỹ bảo hiểm sẽ chi trả tiền khám chữa bệnh cho những ai không may bị bệnh phải vào viện khám và điều trị. Tùy theo mức độ bệnh nặng nhẹ khác nhau và tùy vào thời gian đóng bảo hiểm của mỗi người sẽ có mức thanh toán khác nhau.
Sự chênh lệch trong quá trình thanh toán bảo hiểm là cách để cho mọi người thấy ai đóng nhiều, tham gia lâu dài hưởng nhiều, ai mới đóng góp sẽ hưởng ít. Điều này hoàn toàn phù hợp bởi quyền lợi gắn liền với trách nhiệm của mỗi người.
Lợi ích của việc tham gia bảo hiểm rõ ràng nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều người chưa thiết tha với loại hình này. Nguyên nhân thì có nhiều, trong đó một phần liên quan đến kinh tế, sự hiểu biết và cả mức độ tin tưởng. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, BHYT toàn dân là việc bắt buộc phải làm.
Việc vận động số người dân chưa tham gia bảo hiểm hiện nay không dễ do liên quan đến nhiều yếu tố. Ngoài những lý do khách quan, đòi hỏi phải có thời gian thì về phía ngành, với tư cách là đơn vị cung cấp dịch vụ đang chuyển mình với mong muốn ngày càng đem lại sự hài lòng cho người bệnh hơn.
Theo đó, Bộ Y tế đã điểm danh những việc cần làm. Đó là tăng cường chất lượng dịch vụ y tế, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở; Thiết kế gói quyền lợi BHYT đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe phù hợp với khả năng chi trả của Quỹ Bảo hiểm. Thực hiện đổi mới phương thức thanh toán chi phí khám chữa bệnh bằng BHYT; Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám chữa bệnh, thanh toán bảo hiểm và tăng cường năng lực trong xây dựng và ban hành chính sách BHYT.
Tạo điểm nhấn
Gói dịch vụ y tế cơ bản do bảo hiểm chi trả được coi là điểm nhấn để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cũng như đảm bảo quyền lợi của người dân khi tham gia bảo hiểm.
Dự án trên do JICA tài trợ với số tiền 3 triệu USD thực hiện trong 2 năm. Dự án hướng tới việc xây dựng các chính sách mang tính chiến lược và tăng cường quản lý hệ thống phương thức chi trả và gói dịch vụ y tế cơ bản do Quỹ BHYT chi trả, gồm các hoạt động chính như xác định phương thức chi trả tối ưu dựa vào bằng chứng, lộ trình xây dựng phương thức chi trả được điều chỉnh tương ứng để tăng cường hệ thống bảo hiểm.
Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện gói quyền lợi dựa vào bằng chứng do Quỹ Bảo hiểm chi trả để thiết kế, xây dựng chính sách và áp dụng gói quyền lợi đã được chọn phù hợp nhất nhằm củng cố hệ thống bảo hiểm. Hoàn thiện chức năng và tăng cường năng lực của Hội đồng Tư vấn quốc gia về chính sách bảo hiểm; Cải thiện Hệ thống thông tin giám định và mở rộng bao phủ BHYT…
Phó tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Phạm Lương Sơn cho rằng, đổi mới phương thức chi trả cũng như xây dựng được gói dịch vụ y tế cơ bản là một trong những vấn đề được Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội đặc biệt quan tâm. Hai vấn đề này có tác động rất lớn đến việc đảm bảo quyền lợi của người dân tham gia bảo hiểm y tế ở Việt Nam cũng như đảm bảo hiệu quả việc sử dụng nguồn tài chính BHYT.
Nói cách khác, việc thực hiện gói y tế cơ bản cũng như tăng cường quản lý phương thức chi trả được kỳ vọng như luồng gió mới trong thực hiện chính sách BHYT, góp phần tạo bước đột phá trong thực hiện chính sách này ở Việt Nam.