Bao giờ thoát cảnh quốc gia “gia công”

GD&TĐ - Xuất 10 đồng thì nhập phải 9 đồng- TS Võ Chí Thành (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh) mới đây đã có chia sẻ về thực tế hoạt động của doanh nghiệp Việt (với chỉ 47% doanh nghiệp có lợi nhuận)- Sản xuất phụ thuộc rất nhiều cung ứng đầu vào, giá trị gia tăng thấp. Doanh nghiệp Việt đang đối diện với sự cạnh tranh gay gắt từ doanh nghiệp nước ngoài cũng như không ít bài toán hóc búa.

Một hình ảnh cho thấy sự phân phối sản phẩm kiểu nhỏ lẻ, thiếu chuyên nghiệp vẫn tồn tại phổ biến trong sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam
Một hình ảnh cho thấy sự phân phối sản phẩm kiểu nhỏ lẻ, thiếu chuyên nghiệp vẫn tồn tại phổ biến trong sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam

Sức cạnh tranh thấp

PGS.TS Nguyễn Văn Nam - Chủ tịch Hội đồng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, nhận định: “Việt Nam đã chuyển sang nền kinh tế thị trường hơn 30 năm. Chính sự chuyển hướng đó đã tạo ra một bước phát triển mới cho nền kinh tế. Nền kinh tế thị trường tạo ra những điều kiện mới cho sự phát triển kinh tế, cũng chính nền kinh tế thị trường tạo ra môi trường kinh doanh tốt hơn, thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Nền kinh tế thị trường cũng tạo ra một động lực mới mạnh mẽ hơn, lâu dài hơn cho sự phát triển kinh tế”.

Theo Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh: Việt Nam đã có quan hệ thương mại với hơn 180 nước, thu hút vốn đầu tư của hơn 100 quốc gia. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp Việt mới chỉ tham gia vào chuỗi cung ứng thứ cấp, nên giá trị gia tăng không cao. Hiện mới chỉ có 21% doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu (trong khi đó, ở Thái Lan tỷ lệ này là hơn 30%, Malaysia là 46%...). Do đó doanh nghiệp Việt ít được hiệu ứng lan tỏa từ doanh nghiệp FDI trong chuyển giao công nghệ, kiến thức và khả năng quản lý. 

Mặc dù nền kinh tế phát triển chưa đạt được mục tiêu như mong muốn, nhưng Việt Nam đã có những bước tiến mà thế giới đã công nhận. Tuy nhiên, nền kinh tế thị trường Việt Nam hiện nay vẫn đang ở một trình độ thấp, chưa đầy đủ và chưa toàn diện. Cơ chế thị trường đã hình thành nhưng chưa được xác lập đầy đủ và toàn diện trong mọi hoạt động sản xuất và kinh doanh.

“Chúng ta có thể thấy sức cạnh tranh của nền kinh tế vẫn còn rất thấp, sức cạnh tranh của doanh nghiệp, của hàng hóa Việt Nam cũng thấp. Đó là yếu kém. Một trong những yếu kém nổi bật và rõ ràng nhất chính là chuỗi cung ứng hàng hóa”- PGS.TS Nguyễn Văn Nam cho biết.

Doanh nghiệp Việt phụ thuộc rất nhiều cung ứng đầu vào

Doanh nghiệp Việt phụ thuộc rất nhiều cung ứng đầu vào

Ở Việt Nam, chuỗi cung ứng hàng hóa chưa hình thành một cách đồng bộ và đầy đủ, phát triển rời rạc, lạc hậu, vẫn còn mang dáng dấp của nền sản xuất nhỏ lẻ. Chính vì vậy khi hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu thì chuỗi cung ứng hàng hóa của Việt Nam không đáp ứng được yêu cầu, khiến cho sức cạnh tranh của nền kinh tế yếu kém. Qua phân tích của các cơ quan nghiên cứu quốc tế, có thể thấy họ chỉ ra rằng chi phí “logistics” ở Việt Nam rất cao, cao gấp đôi, gấp ba các nước có hoàn cảnh tương đồng.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Nam, Việt Nam cần phải làm sao hình thành được một chuỗi cung ứng hàng hóa không chỉ làm tốt vấn đề tiêu thụ hàng hóa trong nước mà còn phải làm tốt cho xuất khẩu. Để hiện đại hóa, tối ưu hóa chuỗi cung ứng, đặc biệt hiện nay là phải áp dụng được những yêu cầu của thời kỳ công nghiệp 4.0. Nếu tối ưu hóa được chuỗi cung ứng thì sẽ giảm được rất nhiều chi phí, tăng được năng lực cạnh tranh.

Tối ưu hóa chuỗi cung ứng để tăng giá trị hàng hóa

“Việt Nam hội nhập rất mạnh với việc tham gia 16 hiệp định thương mại tự do, bao gồm 2 hiệp định tự do cho đến thời điểm này xếp vào loại “chất lượng cao”. Quan trọng là 16 hiệp định thương mại tự do này phủ lên trên 50 quốc gia, những thị trường lớn nhất trên thế giới và thị trường lớn nhất trong xuất khẩu của Việt Nam, những đối tác chiến lược quan trọng nhất của Việt Nam”- TS Võ Chí Thành (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh) phân tích về lợi thế của doanh nghiệp Việt.

Kiểm soát hàng tồn kho ở doanh nghiệp
Kiểm soát hàng tồn kho ở doanh nghiệp

Theo TS Võ Chí Thành, ai cũng có thể nói rằng Việt Nam có thuận lợi về địa chính trị, dân số trẻ, chi phí lao động còn tương đối cạnh tranh, đặc biệt Việt Nam trở thành điểm hấp dẫn đầu tư. Nhưng có rất nhiều thách thức với doanh nghiệp trong vấn đề cạnh tranh, chi phí điều chỉnh… nhất là việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Một bài toán hóc búa nhất hiện nay, một thực tế buồn là hiện số doanh nghiệp Việt Nam có lợi nhuận chỉ 47%, đấy là còn tăng hơn nhiều so với con số 30% trước đây.

Một trong những khía cạnh khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa có lợi nhuận đó là “logistics” chi phí rất cao, chi phí tài chính cũng rất cao. Thế nhưng câu hỏi còn lớn hơn, là Việt Nam chẳng lẽ cứ là nước “gia công” mãi như hiện nay sao? Vấn đề lớn nhất vẫn là tạo giá trị gia tăng cao hơn cho hàng hóa. Đặc trưng có thể thấy từ ngành dệt may, da giầy, điện tử… là nhiều lao động, xuất khẩu rất mạnh, nhập khẩu cũng rất lớn. “Xuất” 10 đồng thì “nhập” phải 9 đồng. Sản xuất phụ thuộc rất nhiều cung ứng đầu vào, giá trị gia tăng thấp, FDI chi phối... Doanh nghiệp Việt đang đối diện với sự cạnh tranh gay gắt từ doanh nghiệp nước ngoài.

Tối ưu hóa chuỗi cung ứng là cách tối ưu để tạo giá trị gia tăng, giảm chi phí, tăng giá trị hàng hóa.
Tối ưu hóa chuỗi cung ứng là cách tối ưu để tạo giá trị gia tăng, giảm chi phí, tăng giá trị hàng hóa. 

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh nêu một vấn đề nữa là trong sản xuất có “thượng nguồn” và “hạ nguồn”. Chẳng hạn, dệt may có “thượng nguồn” là dệt, “hạ nguồn” là may, nếu chưa có dệt thì phải đầu tư vào dệt để đáp ứng lĩnh vực may. Trong khi Việt Nam cũng chưa có điều kiện để đáp ứng những vấn đề về công nghệ. Thêm nữa là về công nghiệp hỗ trợ, chúng ta nói rất nhiều, nhưng trên thực tế nếu đi một vòng các khu công nghiệp thì thấy rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài làm công nghiệp hỗ trợ.

“Việt Nam cần phải làm sao hình thành được một chuỗi cung ứng hàng hóa không chỉ làm tốt vấn đề tiêu thụ hàng hóa trong nước, mà còn phải làm tốt cho xuất khẩu. Để hiện đại hóa, tối ưu hóa chuỗi cung ứng, đặc biệt hiện nay là phải áp dụng được những yêu cầu của thời kỳ công nghiệp 4.0. Nếu tối ưu hóa được chuỗi cung ứng thì sẽ giảm được rất nhiều chi phí, tăng được năng lực cạnh tranh”. PGS.TS Nguyễn Văn Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ