Đằng sau “cuộc chiến” thương mại Mỹ - Trung

GD&TĐ - Cái gọi là “cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung” bắt đầu được manh nha nhắc đến từ ngay giai đoạn tranh cử Tổng thống Mỹ của ông Donald Trump, hồi cuối năm 2016.

Đằng sau “cuộc chiến” thương mại Mỹ - Trung

Sau rất nhiều đồn đoán cũng như những diễn biến phức tạp khác, từ đầu thán Xem trướcg 7/2018, Mỹ chính thức áp thuế 25% vào một số mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Trung Quốc vào Mỹ, với trị giá ước tính khoảng 50 tỷ USD.

Hòn đất ném đi hòn chì ném lại

Để trả đũa, gần như ngay lập tức, Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ áp thuế 25% đối với 659 mặt hàng xuất khẩu của Mỹ. Tổng trị giá của gói thuế này rơi vào đúng khoảng 50 tỷ USD, tương đương với mức áp thuế của Mỹ đối với một số mặt hàng của Trung Quốc.

Kèm theo biểu thuế cho một số nhóm hàng hóa trọng yếu của Mỹ nhập vào Trung Quốc, Bộ Ngoại giao nước này cũng chỉ trích Mỹ thực hiện biện pháp bảo hộ đơn phương, đi ngược với tinh thần toàn cầu hóa hiện nay, đồng thời làm tổn hại nền kinh tế Trung Quốc nói riêng và nền kinh tế thế giới nói chung, trong đó có cả nền kinh tế Mỹ. Đó là điều Bắc Kinh không thể chấp nhận và sẵn sàng có thêm những chế tài cần thiết, kịp thời để đáp trả bất cứ động thái nào của Mỹ làm tổn hại tới lợi ích hợp pháp của Trung Quốc.

Không cần nói thì ai cũng biết, tác giả của quyết định áp thuế đối với một số mặt hàng trọng yếu nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ là ông chủ Nhà Trắng,

Donald Trump. Ngay từ giai đoạn tranh cử, với cái nhìn của một nhà tài phiệt, ông đã chỉ trích gay gắt việc để xảy ra chênh lệch cán cân thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như với một số quốc gia phương Tây khác.

Sở dĩ Trung Quốc bị “chỉ mặt đặt tên”, bởi lẽ đây là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, rất có tiềm năng phát triển, đặc biệt là tiềm năng về việc sẽ vượt qua nền kinh tế Mỹ trong tương lai. Trung Quốc vừa là công xưởng, cũng vừa là trung tâm xuất khẩu của thế giới, nói cách khác, đó là đối trọng thực sự của nền kinh tế Mỹ.

Không chỉ bị chỉ trích là đã cố tình tạo ra sự chênh lệch trong cán cân thương mại với những mặt hàng xuất khẩu giá rẻ hơn thực tế, Trung Quốc còn bị ông Trump tuyên bố đã “cướp” việc làm của người Mỹ, bằng việc duy trì chế độ nhân công giá rẻ, khiến các tập đoàn sản xuất đổ xô sang đặt nhà máy chế tạo tại đây, khiến hàng loạt lao động Mỹ mất việc làm.

Vậy nên, khi chọn Trung Quốc là mục tiêu trọng tâm để chỉ trích, ông Trump đã hoàn toàn tính toán trước các mặt lợi hại, cũng như ông đã tính toán trước sự phản ứng tất yếu của Trung Quốc khi bị áp thuế. Bởi vậy, ngay khi Bắc Kinh tuyên bố áp thuế trả đũa Mỹ, ông Trump cũng lập tức đưa ra thông điệp: Bất cứ động thái nào của Trung Quốc cũng sẽ dẫn đến việc Mỹ bổ sung ngay các biện pháp áp thuế, thậm chí là gia tăng chế tài trừng phạt kinh tế.

Mỹ sẽ “tất tay”?

Đối với những nền kinh tế khổng lồ như Mỹ và Trung Quốc, số tiền áp thuế trị giá 50 tỷ USD không phải là quá lớn. Có chăng, nó chỉ làm khó cho các doanh nghiệp xuất khẩu hoặc những nhà sản xuất nhỏ, chứ ít có khả năng ảnh hưởng tới toàn bộ nền kinh tế. Tuy vậy, các biện pháp bảo vệ người lao động trực tiếp, trong đó có cả những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, là điều bất kỳ chính trị gia nào cũng phải tính đến, nếu không muốn hứng chịu sự phẫn nộ của cử tri.

Xuất thân là nhà kinh doanh, ông Trump biết quá rõ về sự tác động của thị trường đối với lợi nhuận. Ngay khi các biểu thuế mới của Trung Quốc có hiệu lực được vài ngày (từ 6/7) thì Nhà Trắng đã triển khai kế hoạch hỗ trợ khẩn cấp cho nông dân ở các bang sản xuất nông nghiệp trọng điểm, để ứng phó với tác động từ trả đũa thuế của Trung Quốc.

Gói hỗ trợ này được triển khai chính thức từ giữa tuần trước, trị giá khoảng 12 tỷ USD. Song song với đó, Nhà Trắng cũng công bố một danh sách mới những hàng hóa Trung Quốc bị áp thuế 10%, trị giá lên tới 200 tỷ USD. Trung Quốc phản ứng quyết liệt; các tổ chức kinh tế, những nhà kinh doanh và doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ cũng phải bày tỏ sự lo ngại. Đáp lại, ông Trump đe dọa biểu thuế quan có thể sẽ còn được áp cho hàng loạt nhóm hàng hóa khác của Trung Quốc, với trị giá lên tới 500 tỷ USD, nếu Bắc Kinh vẫn cương quyết không tuân theo “luật chơi” mới của Mỹ.

Hiện dư luận quốc tế cũng khá ngạc nhiên trước sự im ắng khác thường của Bắc Kinh trước những tuyên bố cứng rắn mới nhất từ ông Trump. Liệu nước này đã “hết bài” để đối phó, hay họ đang chờ đợi những bước tiếp theo rồi mới hành động, để tránh rơi vào “bẫy” kinh tế của ông Trump – một nhà tài phiệt lọc lõi; hoặc tiếp tục thăm dò để xem thực sự ông Trump muốn gì: Lấy lòng người dân Mỹ trước sự cứng rắn để bảo vệ nền kinh tế quốc gia, hay thực sự muốn thiết lập lại trật tự kinh tế thế giới, theo cách ông mong muốn? Đó có lẽ là câu hỏi không chỉ của riêng Bắc Kinh trong giai đoạn này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ