1.
Nếu chúng ta đã xem áo dài là trang phục truyền thống thì không thể không có thái độ tri ân đối với “cha đẻ” của áo dài: họa sĩ Nguyễn Cát Tường, người gần một thế kỷ trước đã thao thức “Theo ý tôi, quần áo tuy dùng để che thân thể song nó có thể là tấm gương phản chiếu ra ngoài cái trình độ trí thức của một nước. Muốn biết nước nào có tiến bộ, có mỹ thuật hay không, cứ xem y phục của người nước họ cũng đủ hiểu…”.
Dĩ nhiên, trước khi có áo dài, người phụ nữ Việt Nam cũng có trang phục nghi lễ. Tuy nhiên, áo dài ra đời đã thực sự mở ra một trang sử khác cho nét duyên phụ nữ Việt Nam. So với sự xúng xính của áo tứ thân hay sự mộc mạc của áo bà ba, áo dài hiện đại và quyến rũ hơn rất nhiều. Vào đầu thập niên 30 của thế kỷ trước, khi bộ sườn xám mang lại sự kiêu hãnh cho người Trung Quốc, thì ở Hà Nội có một họa sĩ manh nha ý tưởng thiết kế một kiểu thời trang mới cho phụ nữ Việt Nam.
Trên chuyên đề Đẹp của báo Phong Hóa, vào năm 1934, họa sĩ Nguyễn Cát Tường giới thiệu bộ sưu tập “Hoa hồng giờ Tý”, gồm những mẫu áo được đặt tên là Le Mur. Theo tiếng Pháp, Le Mur có nghĩa là Tường. Dù tạo được tiếng vang lớn, nhưng áo Le Mur gặp phải sự chống đối khá kịch liệt từ phía những nhà nho hủ cựu. Để chứng minh cho tính khả thi của trang phục do mình vẽ, họa sĩ Nguyễn Cát Tường đã hợp tác với hiệu dệt Cự Chung ở phố Hàng Bông để tung ra thị trường những áo Le Mur đầu tiên.
Sau khi được họa sĩ Lê Phổ chỉnh chu thêm vài chi tiết, áo Le Mur đã thuyết phục phụ nữ từ Bắc đến Nam, mà những khách hàng nổi bật nhất lúc ấy phải kể đến nữ Luật sư Nguyễn Thị Hậu, Thứ phi Mộng Điệp và Nghệ sĩ cải lương Phùng Há. Từ cột mốc 1934 ấy, áo dài theo chân thiếu nữ đến trường, xuống phố, theo chân cụ bà viếng chùa…
Không chỉ là trang phục, áo dài còn trở thành biểu tượng của nét đẹp Việt Nam. Người nhen nhóm nét đẹp Việt Nam sao vẫn còn mờ ảo với chúng ta vậy nhỉ? Chúng tôi mang chút trăn trở ấy để đi tìm chân dung họa sĩ Nguyễn Cát Tường.
Chúng tôi hơn một lần về Sơn Tây - Hà Tây, nơi họa sĩ Nguyễn Cát Tường chào đời, nhưng hầu như không ai biết chút gì về ông. Chúng tôi đến số 14 Hàng Da - Hà Nội, nơi họa sĩ Nguyễn Cát Tường mở cửa hiệu bán áo Le Mur (ở đây, ông cũng mở một phòng trà đầu tiên của Hà Nội có tên Thiên Hương), nhưng cũng chẳng có tư liệu gì.
Chúng tôi chỉ may mắn đọc được bài viết “Y phục của phụ nữ” của họa sĩ Nguyễn Cát Tường trên báo Phong Hóa năm 1934, ông nêu quan điểm của mình ít nhiều liên quan đến việc ông thiết kế áo Le Mur: “Trước hết, nó phải phù hợp với khí hậu xứ ta, với thời tiết các mùa, với công việc, với khuôn khổ, với mực thước của thân mình mỗi bạn. Sau nữa, nó phải gọn gàng, giản dị, mạnh mẽ và có vẻ mỹ thuật và lịch sự. Nhưng dù thế nào, nó cũng phải có tính cách riêng của nước nhà mới được”.
Đọc những tâm sự này, phần nào người đời sau cũng hiểu được nguồn cơn nào để họa sĩ Nguyễn Cát Tường vẽ nên kiểu áo dài trở thành di sản độc đáo cho Việt Nam.
Trình diễn áo dài tại Lễ hội Áo dài TPHCM 2018 |
2.
Dù không còn dấu vết gì của họa sĩ Nguyễn Cát Tường tại Việt Nam, nhưng một lần tình cờ, qua vài đồng nghiệp truyền thông, chúng tôi biết được 5 người con của ông đều đang sinh sống tại California - Hoa Kỳ.
Người con thứ hai của họa sĩ Nguyễn Cát Tường tên là Nguyễn Tất Đạt. Năm 2005, ông Nguyễn Tất Đạt, 64 tuổi, về nước thăm viếng một số bạn bè và thân quyến. Sau chuyến hồi hương ấy, ông Nguyễn Tất Đạt có viết một bài ký khá dài, trong đó nhắc lại vai trò của họa sĩ Nguyễn Cát Tường đối với chiếc áo dài như sau: “Bố tôi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và cộng tác với các tuần báo Phong Hóa. Trên các tờ báo này, bố tôi giới thiệu các kiểu áo dài đồng thời viết những bài chỉ dẫn phụ nữ cách ăn mặc, cách tô son điểm phấn cốt làm sao cho mình được đẹp hơn. Tôi đã được xem nhiều kiểu áo mà bố tôi vẽ vào cuối thập niên 30 nhưng cho tới ngày nay vẫn chưa có ai dám mặc, vì nó “tân tiến quá”: hở cổ, hở vai, hở ngực... ”.
Ông Nguyễn Tất Đạt cũng xác định, họa sĩ Nguyễn Cát Tường đã qua đời vào ngày 17/12/1946, khi vừa tròn 35 tuổi. Một người con khác của họa sĩ Nguyễn Cát Tường là cô Nguyễn Cát Minh Nguyệt. Qua hồi ức “Cha tôi trong tâm tưởng”, cô đã trích dẫn một lời khen tặng của dư luận thời bấy giờ về chiếc áo dài: “Kiểu quần áo Cát Tường đã làm cho chị em thêm diễm lệ ở nét mặt, thêm phần thướt tha, đầy đặn ở hình vóc, thêm vẻ yểu điệu và uyển chuyển cho dáng đi”.
Lời khen tặng ấy đến bây giờ vẫn còn nguyên giá trị, như thổ lộ của một gương mặt đại sứ tại Lễ hội Áo dài TPHCM 2018 là Nghệ sĩ Ưu tú Kim Xuân: “Tôi mê áo dài từ nhỏ. Thời trung học, có lúc tôi chỉ có 2 cái áo dài, mỗi chiều đi học về phải lật đật giặt và phơi cho mau khô để kịp thay đổi trong tuần. Tôi luôn kiên quyết mặc áo dài trong các buổi hội hè lớn và từng bị chê là cổ hủ. Hôm nay, tôi vô cùng hãnh diện vì áo dài đã trở thành trang phục thật đẹp của lễ hội áo dài hằng năm!”.
Đã đến lúc chúng ta phải có sự tôn vinh thỏa đáng dành cho họa sĩ Nguyễn Cát Tường. Bởi lẽ, từ nỗ lực đầu tiên của họa sĩ Nguyễn Cát Tường mà hôm nay người Việt Nam đã có một chiếc áo dài sánh ngang với kimono của Nhật Bản hay hanbok của Hàn Quốc, mà thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên đã cảm tác bốn câu thơ: “Tháng giêng em áo dài trang nhã/ Tỉnh lỵ còn nguyên nét Việt Nam/ Đài các chân ngà ai bước khẽ/ Quyện theo tà lụa cả phương Đông”.