Bao giờ Hà Nội hết nhà siêu mỏng, siêu méo?

Bao giờ Hà Nội hết nhà siêu mỏng, siêu méo?

(GD&TĐ) - Hôm nay 9/12, phiên chất vấn tại kỳ họp 22 , HĐND TP. HN đã được hâm nóng bởi một vấn đề không phải là mới, nhưng chưa bao giờ hết nhức nhối, đó là tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo.

bao giờ Hà Nội hết nhà siêu mỏng, siêu méo?
Bao giờ Hà Nội hết nhà siêu mỏng, siêu méo? (nguồn Internet)

Mở đầu phiên chất vấn sáng nay, đại biểu Ngô Văn Ny bày tỏ thắc mắc đối với việc thực hiện Nghị quyết 09 về giải phóng mặt bằng, quy hoạch tuyến phố hai bên đường mới mở.

Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Nguyễn Văn Hải cho hay, với Nghị quyết 09, thành phố đã mở được nhiều tuyến đường mới, nhiều nút giao thông, đồng thời với kết hợp xây cảnh quan hai bên ở các khu đô thị mới như đường Lê Văn Lương kéo dài, Nguyễn Phong Sắc kéo dài, Hoàng Đạo Thúy...

Ông Nguyễn Văn Hải, GĐ Sở QH - KT trả lời chất vấn
Ông Nguyễn Văn Hải, GĐ Sở QH - KT trả lời chất vấn

Song kết quả vẫn chưa được như mong muốn. Nguyên nhân chủ yếu là không đủ nguồn lực đầu tư giải phóng mặt bằng vì chủ yếu trông vào ngân sách của TP; không lựa chọn được các nhà đầu tư đủ mạnh, đủ lớn; việc thu hồi đất ở, đất kinh doanh rất phức tạp, đặc biệt là khung giá đất đền bù cho người dân nhiều lúc, nhiều nơi chưa sát giá thị trường. Điều quan trọng đó là chưa đạt được sự đồng thuận của người dân trong việc phối hợp với chính quyền trong giải phóng mặt bằng (GPMB).

Theo ông Hải, cần tiếp tục chỉ đạo việc mở đường với việc quy hoạch hai bên tuyến đường đó, ban hành quy định quản lý kiến trúc, những ô đất nhỏ lẻ, siêu mỏng, siêu méo cần sử dụng ngân sách để giải tỏa thu hồi dùng vào mục đích công cộng như bến xe bus, điểm bán bảo, khu vực trồng khu cây xanh...

Nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, Sở Quy hoạch và Kiến trúc chủ yếu đề cập đến sự đồng thuận của dân trong việc GPMB, vậy cần đặt ra câu hỏi vì sao dân lại không đồng thuận?

Đại biểu Vũ Đức Tân cho rằng, muốn dân đồng thuận thì chính quyền phải đảm bảo lời hứa của mình, bên cạnh việc người dân phải tuân thủ pháp;  Nhiều đại biểu bày tỏ không đồng tình với nội dung giải trình của phía sở QHKT, và cho rằng, nhiều giải pháp thiếu đồng bộ khiến cho việc đầu tư xây dựng hạ tầng quá đắt, trong khi diện mạo đô thị vẫn chưa đâu vào đâu nếu không muốn nói là nhôm nhoam, xập xệ.

Vấn đề bức xúc nhất được các đại biểu chất vấn là vấn đề nhà siêu mỏng, siêu méo, ĐB Ngô Văn Ny đã nhắc lại câu hỏi: Xóa nhà siêu mỏng, siêu méo, Đà Nẵng làm được, liệu Hà Nội có làm được không? và dẫn giải câu trả lời của một lãnh đạo Sở QH-KT khi cho rằng "Hà Nội không thể xoá bỏ nhà siêu mỏng, siêu méo".

Theo ông Phí Thái Bình, Phó chủ tịch UBND thành phố, hiện trên địa bàn Hà Nội còn 87 nhà siêu mỏng tồn tại trước năm 2005, còn lại 86 trường hợp khác vi phạm.

Vấn đề đặt ra bây giờ là liệu Sở Quy hoạch kiến trúc, cũng như lãnh đạo thành phố có thực hiện và khắc phục triệt để được những tồn tại trên không và có dám quyết tâm làm không, hay sẽ như lời một phó giám đốc sở nói là Hà Nội không thể làm được?

Cả ông Nguyễn Văn Hải và ông Phí Thái Bình đều khẳng định Hà Nội sẽ làm được, dù là rất khó. Cụ thể, theo ông Bình, trước hết 86 trường hợp vi phạm trên, các quận huyện phải kiên quyết xử lý.

Ông Bình chia sẻ, cái khó của Hà Nội không giống như những thành phố khác hay Đà Nẵng là mật độ dân cư đông, giá đền bù lại rất cao trong khi Đà Nẵng mật độ dân thấp hơn, giá đền bù thấp hơn nên việc xóa nhà siêu mỏng, siêu méo để làm đường cũng dễ dàng hơn.

Về vấn đề quy hoạch, GPMB và giải quyết tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo, một số đại biểu có ý kiến rằng nếu việc công khai quy hoạch và quản lý chặt chẽ việc quy hoạch, minh bạch trong công tác đền bù GPMB thì chắc sẽ không có chuyện người dân không đồng thuận. UBND TP cần thể hiện rõ là bao giờ giải quyết triệt để nhà siêu mỏng, siêu méo, và giải quyết bằng cách thức nào chứ không thể chỉ nói chung chung.

Kiên Hưng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ