Nhà báo Triệu Ngọc Lâm – Tổng biên tập nhấn mạnh tại Lễ kỷ niệm 65 năm Báo Giáo dục và Thời đại xuất bản số báo đầu tiên (5/12/1959 - 5/12/2024).
Diễn đàn toàn xã hội vì sự nghiệp giáo dục, đào tạo
65 năm qua, Báo đã trở thành người bạn đồng hành thân thiết của nhà giáo, các thế hệ HSSV, bạn đọc trên mọi miền Tổ quốc. Báo là cầu nối giữa giáo dục với xã hội và là diễn đàn toàn xã hội vì sự nghiệp GD-ĐT.
Tổng biên tập ôn lại, ngày 5/12/1959, Báo Người giáo viên Nhân dân ra mắt bạn đọc số báo đầu tiên. Đây là tờ báo ngành đầu tiên của cả nước khi miền Bắc bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tổng biên tập đầu tiên (thời đó gọi là Chủ nhiệm) là giáo sư Nguyễn Khánh Toàn - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng, Bí thư Đảng Đoàn Bộ Giáo dục (nay là Bộ GD&ĐT).
Ngay từ những năm đầu thành lập, Báo nhanh chóng hòa mình và trở thành trợ thủ đắc lực của phong trào thi đua Hai tốt (Dạy tốt - Học tốt) do Bác Hồ phát động. Đây là phong trào thi đua trong toàn ngành Giáo dục, có sức lôi cuốn và bền vững cho đến tận ngày nay.
Sự ra đời của Báo Người giáo viên Nhân dân là nguồn cổ vũ mạnh mẽ, đóng góp vào việc phát hiện, bồi dưỡng và nhân lên các điển hình tiên tiến trong ngành Giáo dục.
Đầu những năm 60 của thế kỷ trước, lá cờ đầu ngành Giáo dục là Trường Cấp 2 Bắc Lý (Hà Nam) xuất hiện, phong trào thi đua Hai tốt do Bác Hồ phát động nhận được sự hưởng ứng trong toàn xã hội.
Các mô hình giáo dục tiên tiến như: Bắc Lý, Hải Nhân, Cẩm Bình… trở thành những chuẩn mực cho các nơi phấn đấu, làm theo. Theo đó, Báo Người giáo viên Nhân dân đã bám sát, phản ánh các mô hình này, phản ánh toàn diện các mặt, vì thế các nhà trường háo hức tìm đọc để học hỏi kinh nghiệm. Từ đó Bộ Giáo dục và Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã có chỉ thị phát động phong trào thi đua như vậy.
Bước ngoặt mới
Hòa nhịp cùng quá trình đổi mới của đất nước, năm 1991, Báo được đổi tên thành Báo Giáo dục & Thời đại. Sự đổi mới của tờ báo thể hiện qua việc mở rộng nội dung, giới thiệu cách làm giáo dục mới phù hợp với yêu cầu của đất nước, của xu thế thời đại.
Năm 1993, Báo Giáo dục và Thời đại xin thành lập doanh nghiệp nhà nước, được Chính phủ và Bộ GD& ĐT chấp thuận. Đây là doanh nghiệp báo chí đầu tiên và duy nhất của cả nước hoạt động trong suốt hơn 10 năm (từ 1993 đến 2004).
Năm 1998, Báo được UBND Thành phố Hà Nội tặng danh hiệu Doanh nghiệp giỏi Thủ đô. Năm 1999 được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba và năm 2004 được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì.
Báo luôn là người bạn đường đáng tin cậy của nhà giáo Việt Nam và các thế hệ học sinh, sinh viên. Trong hành trình ấy, Báo đã được Nhà nước tặng thưởng 1 Huân chương Lao động hạng Nhất, 1 Huân chương Lao động hạng Nhì.
Trong suốt quá trình đổi mới và hội nhập của đất nước, Báo luôn bám sát tôn chỉ mục đích, thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền cho sự nghiệp phát triển GD-ĐT; phản ánh các sự kiện chính trị lớn và những vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội có liên quan đến GD-ĐT.
Báo Giáo dục và Thời đại được đánh giá là đi đầu trong một số hoạt động xã hội hóa giáo dục. Điều này vẫn được duy trì, tiếp bước cho đến ngày nay.
Được sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Báo đã xây dựng và ra mắt báo điện tử góp phần tuyên truyền cho ngành Giáo dục trên nền tảng truyền thông mới, tạo sức lan tỏa rộng hơn, đa dạng hơn đến với nhiều đối tượng bạn đọc trong và ngoài ngành.
Đứng trước nhiệm vụ, yêu cầu về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, Báo Giáo dục & Thời đại đã chủ động hòa cùng dòng chảy ấy. Báo thực hiện tăng trang, tăng kỳ ấn phẩm chính, ra mắt bạn đọc một số phụ san.
Báo đã thể hiện vai trò là đơn vị truyền thông chủ lực của ngành Giáo dục. Nhiều diễn đàn, thảo luận, tiếp nhận ý kiến nhân dân mà lãnh đạo Bộ GD&ĐT tin cậy giao phó đã được cán bộ, phóng viên của Báo triển khai đạt kết quả tốt.
Hằng năm, vào ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), Báo Giáo dục và Thời đại cũng phát hành 1 số dày 200 trang, in 4 màu với nội dung tôn vinh nhà giáo. Có thể nói, đây là ấn phẩm dày trang nhất trong làng báo chí Việt Nam được dùng làm quà tặng các nhà giáo nhân ngày 20/11.
Nhà báo Triệu Ngọc Lâm cho hay, hiện Báo phát triển, mở rộng quy mô với việc thành lập nhiều văn phòng đại diện tại các vùng miền như: Văn phòng Tây Bắc, Văn phòng Việt Bắc, Văn phòng miền Trung Tây Nguyên, CQTT TP Hồ Chí Minh, Văn phòng Cần Thơ…; đồng thời xây dựng hệ thống phóng viên, cộng tác viên thường trú ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Bên cạnh các hoạt động chuyên môn, Báo đã tổ chức thành công các giải thể thao và nhiều cuộc thi có sức lan tỏa sâu rộng trong xã hội. Nổi bật trong số đó phải kể đến các cuộc thi viết với chủ đề: Trường học thân thiện, học sinh tích cực; Cô giáo của tôi; Ký ức thời đi học; Giải bóng bàn Người giáo viên nhân dân...
Đặc biệt, từ nhiều năm nay, Báo Giáo dục và Thời đại vinh dự được lãnh đạo Bộ GD&ĐT tin tưởng giao cho là đơn vị thường trực tổ chức một số cuộc thi, chương trình, sự kiện lớn như: Giải Báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam; Chương trình “Thay lời tri ân”, Cuộc thi “Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học theo lời Bác”, “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường”, Chương trình gặp mặt - tuyên dương học sinh đoạt giải Olympic và Khoa học kỹ thuật quốc tế…
Các cuộc thi, chương trình đã để lại ấn tượng tốt đẹp và tạo được tiếng vang lớn trong xã hội. Qua đó góp phần nâng cao vị thế của Báo trong lòng bạn đọc; Đồng thời thay đổi cách nhìn, cách đánh giá của xã hội đối với giáo dục. Từ đó tiếp tục củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự nghiệp GD-ĐT của nước nhà.
Cải tiến nội dung và hình thức
Song song với việc thực hiện, cải tiến nâng cao chất lượng nội dung, hình thức, Báo đã bước đầu thực hiện cơ chế liên thông, hội tụ giữa các ấn phẩm báo in và báo điện tử.
Cán bộ, phóng viên của Báo Giáo dục và Thời đại luôn có bản lĩnh chính trị vững vàng, trách nhiệm với công việc, có lòng tự trọng nghề nghiệp và khả năng viết chuyên sâu nhiều thể tài báo chí khác nhau: từ phản ánh, phóng sự, điều tra, tường thuật… cho đến bình luận, chính luận, ký… Các bài viết được lãnh đạo Bộ GD&ĐT tin cậy, bạn đọc ghi nhận và đánh giá cao.
Mặc dù các biên tập viên, phóng viên của Báo Giáo dục và Thời đại trước khi đến với nghề có xuất phát điểm khác nhau nhưng tất cả đều có điểm chung là tình yêu giáo dục, sẵn sàng dấn thân với nghề để có được những bài báo hay, chất lượng mang đến cho bạn đọc những sản phẩm tinh thần có giá trị, nhân lên lòng trắc ẩn trong mỗi người.
Bên cạnh phẩm chất chung của một nhà báo, phóng viên Báo Giáo dục và Thời đại còn có chất riêng trong quá trình tiếp nhận, xử lý thông tin, đó là sự cẩn trọng, đúng mực và đặc biệt, mang đậm tính mô phạm của nhà giáo. Do đó, các bài viết trên báo mang đậm hơi thở cuộc sống, phản ánh chân thực đời sống giáo dục, đặc biệt là giáo dục vùng khó.
Những bài báo từ thực tiễn sinh động đã có sức lan tỏa sâu rộng và tạo hiệu ứng tích cực trong xã hội. Từ kênh Báo Giáo dục và Thời đại, lãnh đạo Bộ GD&ĐT có thêm thông tin, phản hồi hữu ích khi đưa ra các quyết định, chỉ đạo sâu sát đến cơ sở.
Có thể nói, với nỗ lực không ngừng, Báo Giáo dục và Thời đại không chỉ làm tốt chức năng tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội, mà còn là món ăn tinh thần của nhà giáo, các thế hệ học sinh, sinh viên và tất cả những ai quan tâm đến giáo dục, từng bước khẳng định vị thế trong hệ thống báo chí cách mạng hiện nay.
Song song với các nhiệm vụ chính trị, Báo Giáo dục và Thời đại sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế báo chí, trọng tâm là đổi mới công tác phát hành, mở rộng phạm vi khai thác và tổ chức hoạt động như: kinh doanh, tổ chức sự kiện, hội thảo, giải thưởng; triển khai các chương trình hợp tác truyền thông, khảo sát, tư vấn cho các đơn vị… Qua đó, tiếp tục củng cố niềm tin, uy tín thương hiệu của Báo Giáo dục và Thời đại với xã hội.
“Ban biên tập và tập thể Báo Giáo dục và Thời đại luôn nhận thức và cảm nhận sâu sắc rằng, thành quả ngày hôm nay có đóng góp to lớn của các thế hệ đi trước. Các vị tiền bối đã tiếp thêm niềm tin, tình yêu nghề nghiệp, nghị lực và ý chí cho chúng tôi hoàn thành sứ mệnh của mình. Đó cũng là truyền thống đoàn kết, nhất trí, luôn thương yêu giúp đỡ nhau của đại gia đình Báo Giáo dục và Thời đại” – nhà báo Triệu Ngọc Lâm bày tỏ.
Tập thể lãnh đạo và cán bộ, viên chức Báo sẽ tiếp tục nỗ lực, phấn đấu không ngừng để “tiếp lửa” truyền thống của các thế hệ tiền bối. Theo đó, bên cạnh những ấn phẩm hiện có, Báo sẽ xem xét đầu tư, liên kết phát triển thêm những ấn phẩm mới. Qua đó, tạo thêm các kênh truyền thông mới, từng bước hoàn thiện tổ hợp truyền thông Giáo dục & Thời đại.
Nhân dịp này, thay mặt tập thể Báo Giáo dục và Thời đại, Tổng biên tập Triệu Ngọc Lâm gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các thế hệ lãnh đạo Bộ GD&ĐT và biết ơn, tri ân đến các bậc tiền bối, các bạn đồng nghiệp đã có những đóng góp vào quá trình xây dựng thương hiệu, tạo nên những mốc son trong quá trình đổi mới và phát triển Báo Giáo dục & Thời đại.
Đồng thời, gửi lời cảm ơn chân thành nhất, lời tri ân sâu sắc đến bạn đọc trên cả nước; trong đó có đội ngũ nhà giáo, học sinh, sinh viên đã luôn tin yêu, dành những tình cảm thân thiết cho tờ báo Báo Giáo dục và Thời đại.