Báo GD&TĐ kết nối những tấm lòng đến với bà con vùng lũ Hà Tĩnh

GD&TĐ - Ngay khi lũ rút, Văn phòng Báo GD&TĐ khu vực Bắc Trung Bộ đã kêu gọi được hàng trăm triệu đồng từ các cá nhân, đơn vị hảo tâm trong và ngoài tỉnh để hỗ trợ bà con gượng dậy sau lũ.

Đại diện Văn phòng Báo GD&TĐ, nhà báo Văn Dũng cứu trợ bà con vùng lũ tại Hà Tĩnh.
Đại diện Văn phòng Báo GD&TĐ, nhà báo Văn Dũng cứu trợ bà con vùng lũ tại Hà Tĩnh.

Cứu trợ nhu yếu phẩm đến tận người dân vùng lũ Hà Tĩnh

Liên tiếp mấy ngày qua, Báo GD&TĐ đã đồng hành cùng các nhà tài trợ trao hàng trăm suất quà đến bà con nhân dân vùng ngập lũ tỉnh Hà Tĩnh. Đây là số hàng cứu trợ được Văn phòng Báo GD&TĐ khu vực Bắc Trung Bộ đứng ra kêu gọi ủng hộ người dân Hà Tĩnh sau trận lũ lịch sử. Sau gần 1 tuần, văn phòng Báo đã nhận được hơn 100 triệu đồng gồm: tiền và hiện vật của cá nhân, tập thể.

Ngày 25/10, Báo GD&TĐ cùng các nhà hảo tâm xuất phát về với bà con vùng lũ 2 huyện Thạch Hà và Cẩm Xuyên. Điểm dừng chân đầu tiên của đoàn cứu trợ là thôn Tiền Thượng (xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà).

Bí thư Huyện ủy Thạch Hà ông Trần Nhật Tân động viên, chia sẻ cùng bà con vùng lũ xã Tân Lâm Hương.
Bí thư Huyện ủy Thạch Hà ông Trần Nhật Tân động viên, chia sẻ cùng bà con vùng lũ xã Tân Lâm Hương.

Thôn Tiền Thượng là một trong 3 thôn ngập nặng nhất tại xã Tân Lâm Hương – là điểm tâm lũ của đợt lũ vừa qua. Khi nước lũ tràn về 185 hộ dân đầu bị chìm trong biển nước. Nhiều hộ gia đình nước lũ dâng cao gần 4m, các hộ còn lại đều ngập sâu từ 1,5m – 3,2m. Gần như toàn bộ thiết bị điện tử, vật nuôi, thóc lúa… của các hộ dân đều thất thoát sau lũ. Toàn bộ thôn có 56 con trâu bò, sau lũ chỉ có hơn 18 con được tìm thấy.

Trong những ngày qua, bà con đang chạy đôn chạy đáo xuống các vùng dưới để tìm kiếm. Bà Trần Thị Tâm (62 tuổi) rùng mình khi nhớ lại: “Nước vô nhanh lắm, vợ chồng tôi con cái ở xa, chỉ kịp vơ vội cái điện thoại rồi trèo lên mái tôn để gọi cứu trợ. Đừng trên mái nhà nhìn xung quanh toàn là nước mà kinh hoàng”.

Ngôi nhà của bà nước vào gần 3m, toàn bộ 43 bao lúa và gạo không kịp cất đều ngâm trong nước lũ. Chia sẻ với khó khăn của bà con, tại đây đoàn cứu trợ đã trao 100 suất quà gồm tiền mặt và các nhu yếu phẩm như: gạo, mắm muối, thực phẩm khô…

Các đơn vị tài trợ đồng hành cùng Báo GD&TĐ trong chuyến cứu trợ bà con vùng lũ Hà Tĩnh.
Các đơn vị tài trợ đồng hành cùng Báo GD&TĐ trong chuyến cứu trợ bà con vùng lũ Hà Tĩnh.

Đón nhận tấm lòng của đoàn cứu trợ, ông Trịnh Đức Hùng, Bí thư chi bộ thôn Tiền Thượng, xúc động: “Chúng tôi rất cám ơn quý Báo cùng các nhà tài trợ đã đến chia sẻ với bà con ở đây. Ở thôn Tiền Thượng ngày thường đời sống bà con đã khó khăn, lũ lụt khiến đời sống bà con thêm chật vật. Giờ có chút tiền, bà con có thể sắm sửa một ít để tiếp tục bám trụ trong nhiều ngày tới”.

Cũng trong sáng 25/10, tại thôn Ngụ Phúc (xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên), đoàn đã trao hơn 2.000 bánh bao và 200 phần gà đến bà con trong thôn. Số hàng này do chị Đậu Thị Thu Hương (TP. Vinh, Nghệ An) kêu gọi bạn bè ủng hộ.

“Qua báo đài, tôi thấy bà con trong vùng lũ Hà Tĩnh hết sức cơ cực. Tôi đã cùng một số bạn bè tại TP. Hồ Chí Minh lựa chọn những thực phẩm sạch để chuyển tới bà con tại đây. Đây là những món quà hỗ trợ trước mắt, sau chuyến đi này, chúng tôi sẽ tiếp tục ủng hộ sách vở, đồ dùng cho các trường học ngập lũ tại Hà Tĩnh”, chị Hương chia sẻ.

Người dân hồ hởi đến nhận quà cứu trợ của Báo GD&TĐ.
Người dân hồ hởi đến nhận quà cứu trợ của Báo GD&TĐ.

Rời xã Cẩm Vịnh, đoàn cứu trợ di chuyển đến thôn Na Trung, xã Cẩm Thành (huyện Cẩm Xuyên). Đây là thôn trũng nhất nhì của huyện Cẩm Xuyên. Trong những ngày tác nghiệp ở vùng lũ, PV Báo GD&TĐ đã vào thôn khi nước lũ còn bao vây toàn bộ. Mặc dù phương tiện hạn chế nhưng cán bộ, bà con trong thôn vẫn cố gắng tận dụng các phương tiện để hỗ trợ, nương tựa lẫn nhau trong cơn hoạn nạn.

Được tin Báo GD&TĐ cùng đoàn cứu trợ đến trao quà, bà con trong thôn ai cùng phấn khởi, đến chung tay phụ giúp. Đàn ông phụ bốc dỡ hàng xuống xe, đàn bà phụ chia các loại mắm, muối, gạo, cá hộp, gia vị ra từng phần để chia sẻ cho nhau.

Sau khi nghe chị Ngô Thị Bảy, Bí thư kiêm Trưởng ban công tác mặt trận thôn, đọc tên, hơn 200 hộ dân có mặt xếp hàng ngay ngắn lên nhận quà. Sau lũ ai cũng khó khăn, nhưng các hộ dân không chen lấn, tranh giành mà họ sẵn sàng nhường cho những người già và em bé dù đến sau mình.

Những phần quà được các nhà tài trợ cùng Báo GD&TĐ đưa đến tận tay người dân vùng lũ.
Những phần quà được các nhà tài trợ cùng Báo GD&TĐ đưa đến tận tay người dân vùng lũ.

Bà Nguyễn Thị Huệ, 68 tuổi, bước vào và ngay lập tức được những người trẻ hơn đẩy lên phía trên nhận quà. Mang bịch gạo và một số nhu yếu phẩm ra chiếc xe đạp để giữa sân, bà Huệ cảm ơn những người hàng xóm và đoàn cứu trợ.

Được biết, toàn thôn Na Trung có 272 hộ dân đều bị ngập sâu trong nước lũ gần 4 ngày. Ngay khi nước rút, nhiều hộ dân rơi vào cảnh tay trắng do mất hết tư liệu sản xuất.

Sửa miễn phí hàng trăm chiếc xe máy ngập lụt

Ngay trong đêm 19/10, mưa to cùng hồ Kẻ Gỗ xả lũ với lưu lượng lớn, nhiều hộ dân tại Hà Tĩnh không kịp chạy lũ đã nước lũ bao vây, cô lập trong các mái nhà. Nhiều hộ dân, trong những ngày qua, chỉ có mì tôm sống thậm chí phải nhịn đói vì không kịp chuẩn bị lương thực trước khi lũ về.

Thấu hiểu tình cảnh đó, phóng viên Báo GD&TĐ tại Hà Tĩnh bằng nhiều hình thức đã kêu gọi các mạnh thường quân chuẩn bị các suất ăn cứu trợ bà con vùng lũ tại khu vực huyện Cẩm Xuyên. Ngay trong đêm 19/10 và 20/10, hàng trăm suất ăn đã được phóng viên cùng các tình nguyện viên tiếp tế đến tận tay người dân mắc kẹt trong lũ.

Báo GD&TĐ cùng các nhà hảo tâm tổ chức sửa xe miễn phí cho bà con vùng lũ huyện Cẩm Xuyên.
Báo GD&TĐ cùng các nhà hảo tâm tổ chức sửa xe miễn phí cho bà con vùng lũ huyện Cẩm Xuyên.

Tiếp nối các hoạt động chung tay giúp đỡ người dân vùng lũ, Văn phòng Báo GD&TĐ đã tổ chức chương trình “Sửa xe miễn phí” tại 2 điểm trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên.

Chia sẻ về ý tưởng này, nhà báo Nguyễn Văn Dũng, Văn phòng Báo GD&TĐ khu vực Bắc Trung Bộ, cho biết: “Xe máy là những phương tiện rất cần thiết để đi lại của mọi người dân. Tuy nhiên, sau khi nước lũ rút, phần lớn các phương tiện này của người dân vùng lũ đều bị hỏng hóc sau nhiều ngày ngâm trong nước. Nhiều người phải bỏ số tiền từ vài trăm đến vài triệu đồng để sửa chữa. Với bà con vùng lũ số tiền đó ở thời điểm này thực sự rất khó khăn vì sau lũ nhiều hộ dân đã gần như trắng tay do mất tài sản, trâu bò, vật nuôi… Cũng chính vì vậy chúng tôi đã tổ chức chương trình này”.

Sau khi kêu gọi, nhiều mạnh thường quân và nhiều thợ sửa xe chuyên nghiệp đến các giáo viên trường dạy nghề đã không ngại đường xa đồng hành cùng với văn phòng. Mỗi ngày, “tiệm sửa xe miễn phí” sẽ mở cửa vào lúc 7h30 đến 17h hàng ngày.

Đại diện Báo GD&TĐ nhà báo Văn Dũng (bên tay trái) nhận quà từ các nhà tài trợ.
Đại diện Báo GD&TĐ nhà báo Văn Dũng (bên tay trái) nhận quà từ các nhà tài trợ.

Tuy nhiên, có những lúc dù trời đã tối các tốp thợ vẫn còn miệt mài với công việc. Vừa sửa xe, anh Cao Đình Giáp, giáo viên Trường cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh, vui vẻ nói: “Xe đa phần bị ẩm bugi, lọc gió, cũng có một số xe hư hỏng nặng hơn. Mỗi chiếc nhẹ thì mất chừng 15 phút vệ sinh là nổ máy bình thường, hỏng nặng có khi gần cả giờ đồng hồ. Dù rất mệt nhưng tôi cảm thấy rất vui vì bản thân mình đã góp phần chung thay chia sẻ bớt gánh nặng của bà con sau khi lũ đi qua”.

Chỉ trong 2 ngày (từ 22 - 23/10), “tiệm sửa xe” của Văn phòng Báo GD&TĐ đã tiếp nhận hơn 1.000 chiếc xe của người dân đến sửa chữa. Phần lớn các xe máy đều bị chết máy do nước lũ hoặc khô dầu, gỉ sét do ngâm trong nước. Sau khi sửa chữa, các thợ sửa xe còn tra thêm dầu nhớt miễn phí cho toàn bộ xe máy.

Những chiếc xe ngập nước đã được các thợ chuyên nghiệp sửa miễn phí cho bà con.
Những chiếc xe ngập nước đã được các thợ chuyên nghiệp sửa miễn phí cho bà con.

Đón nhận chiếc xe vừa được sửa, ông Lê Văn Vĩnh (xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Xuyên) xúc động: “Mấy hôm ngập nước, xe tôi ngâm trong nước lũ gần nửa xe. Sáng nay lấy ra thì không thấy nổ nữa. Dắt bộ cả người với xe ra các tiệm thì ở đâu cũng chật kín, mà giá cũng từ 40 – 50 nghìn chỉ riêng việc sấy bugi. May mà đi qua đây được các anh sửa miễn phí, lại rất chất lượng nữa".

Trước sự hỗ trợ kịp thời, nhanh chóng trong lúc hoạn nạn, thân nhân các nạn nhân bị tử nạn vô cùng xúc động, nói lời biết ơn đến quý Báo và bạn đọc của Báo GD&TĐ.

Trong những ngày tới, Báo GD&TĐ khu vực Bắc Trung Bộ tiếp tục đến thăm hỏi, động viên và trao tiền hỗ trợ gia đình có người tử nạn do mưa lũ cũng như ủng hộ các đồ dùng thiết yếu đối với các trường học chịu ảnh hưởng của mưa lũ tại các tỉnh miền Trung.

Trước những thiệt hại nặng nề do lũ lụt gây ra ở Hà Tĩnh, với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, trong những ngày qua, các tiểu thương ở chợ Bình Hương (TP. Hà Tĩnh) đã tiến hành đóng góp, ủng hộ để chia sẻ những khó khăn với đồng bào miền Trung vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Đại diện các tiểu thương chợ Bình Hương (TP. Hà Tĩnh) trực tiếp gửi những món quà đến bà con vùng lũ.
Đại diện các tiểu thương chợ Bình Hương (TP. Hà Tĩnh) trực tiếp gửi những món quà đến bà con vùng lũ.

Đại diện Ban quản lý chợ cho biết: Ban quản lý chợ đã đưa ra nhiều giải pháp, kêu gọi tiểu thương trong chợ cùng chung tay đóng góp ủng hộ đồng bào quê hương khắc phục những khó khăn do thiên tai gây ra. Kết quả đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các tiểu thương cũng như người dân đi chợ, tất cả đều mong muốn số tiền nhỏ của mình nhanh chóng đến tay người dân trong vùng lũ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.