Theo báo cáo của Viện nghiên cứu các tác động đến sức khỏe và Viện đánh giá và thống kê y tế, số người tử vong do ô nhiễm không khí tại Trung Quốc không tăng trong những năm gần đây, trong khi tỷ lệ này lại tăng đột biến ở Ấn Độ, nơi các chỉ số khói mù tại những thành phố lớn thường vượt quá ngưỡng an toàn.
Khói mù ô nhiễm bao phủ New Delhi, Ấn Độ. Ảnh:AP/TTXVN
Tỷ lệ tử vong sớm tại Trung Quốc do PM2,5 (các hạt bụi lơ lửng có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 2,5 micromet) duy trì ở mức khoảng 1,1 triệu người kể từ năm 2005. Tuy nhiên, tại Ấn Độ, con số này đã dần tăng từ khoảng 737.400 người/năm vào năm 1990 đến 1,09 triệu người vào năm 2015.
Báo cáo cũng cho thấy trong giai đoạn từ năm 1990-2015, Ấn Độ ghi nhận tỷ lệ tử vong sớm liên quan đến PM2,5 tăng gần 50%. Những hạt bụi cực nhỏ và nhẹ, lơ lửng trong không khí rồi thâm nhập vào phổi dẫn đến tỷ lệ mắc các bệnh ung thư phổi, viêm phế quản mãn tính và bệnh tim cao hơn. Theo báo cáo trên, hai nước châu Á này chiếm hơn 50% tổng số người tử vong trên toàn cầu do tiếp xúc với PM2,5.
Nền kinh tế Ấn Độ đạt tốc độ tăng trưởng cao trong 20 năm qua, song mức ô nhiễm tại nước này tăng đột biến, chủ yếu do đốt than để đáp ứng nhu cầu năng lượng. Mức độ ô nhiễm của Ấn Độ và nước láng giềng Bangladesh tăng nhanh nhất kể từ năm 2010 và hiện hai nước này có nồng độ PM2,5 cao nhất trên thế giới.
Tháng 11/2016, nhà chức trách Ấn Độ đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp y tế tại thủ đô New Delhi khi nồng độ PM2,5 lên đến mức nguy hiểm. Nhiều trường học và nhà máy nhiệt điện trong và gần New Delhi đã được lệnh đóng cửa, trong khi chính phủ nỗ lực khắc phục tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng này.