Cố tình phạm luật
Đi lại trên đường người lớn vẫn dễ dàng bắt gặp những tốp học sinh mặc đồng phục trường THPT sử dụng xe máy phân khối lớn vượt mức cho phép. Các em đèo nhau đi học, đi chơi. Việc học sinh cố tình vi phạm luật giao thông như vậy diễn ra cả ở thành thị và nông thôn, miền núi. Song do điều kiện túi tiền của phụ huynh, học sinh có thể được trang bị những chiếc xe máy phân khối lớn với nhiều loại khác nhau.
Dạo quanh các bãi gửi xe ngoài trường học, đa số học sinh đang đi các loại xe số như Dreem, Wei A, Honda Wave Alpha 100, Jupitov Yamaha. Nguyên do loại xe số dễ tăng tốc, dễ bốc đầu. Đồng thời, tuổi thọ bền hơn và cũng đỡ tốn xăng hơn xe ga.
Có mặt tại cổng Trường THPT Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội vào tầm đầu giờ học sinh đến trường và tan học, sẽ mục sở thị cảnh hàng trăm học sinh gửi xe máy tại các nhà dân ven trường. Khi hỏi một chị chủ quán nhận trông xe mới biết, do nhà trường cấm học sinh đi xe máy phân khối lớn nên các em gửi xe ở ngoài trường để lách luật.
Do đó, trong bãi giữ xe dành cho học sinh của nhà trường chủ yếu là xe đạp điện, xe máy điện và xe đạp. Tịnh không có bóng một xe máy phân khối lớn. Một nhóm học sinh lớp 11, 12 cả gái và trai ngồi trong quán trà đá còn hỏi nhau: Tao đổ dầu đấy cho mày đi thế nào, có bốc đầu không…
Học sinh sử dụng xe máy không đúng quy định, không đội mũ bảo hiểm trên đường Nguyễn Phong Sắc |
Tương tự, để hợp pháp việc sử dụng xe máy không đúng quy định đến trường, nhiều học sinh Trường THPT Cầu Giấy cũng chọn giải pháp gửi xe quanh khu vực trường.
Chị Lương Thu Hằng ở phố Đỗ Ngọc Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội chuyên nhận trông xe cho học sinh cho biết: Gần 10 năm qua gia đình chị nhận trông giữ xe cho học sinh. Chủ yếu là học sinh đang học ở Trường THPT Trần Nhân Tông.
Số ít học sinh muốn gửi xe ngoài trường để khi lấy xe nhanh hơn. Thế nhưng, số đông học sinh chọn cách này là vì do sử dụng xe máy không đúng quy định của luật giao thông. Nhà trường cấm học sinh sử dụng xe máy phân khối lớn nhưng các em vẫn cố tình vi phạm.
Điều đáng báo động là theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, tính riêng Thủ đô Hà Nội, trong những năm gần đây tai nạn giao thông có liên quan đến trẻ em gia tăng. Trong đó, số vụ việc liên quan đến học sinh THPT chiếm nhiều nhất. Năm 2016, học sinh THPT thiệt mạng do tai nạn giao thông ở Hà Nội có mức 7,39/100 nghìn học sinh. Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành khác cũng ở mức cao. Tất cả là do học sinh sử dụng xe máy đi lại ngày càng nhiều, dễ gây tai nạn.
Cần có biện pháp mạnh
Dẫu biết con chưa đủ tuổi cấp bằng lái xe máy phân khối lớn, nhưng một số phụ huynh đã tậu xe đẹp, phân khối lớn để cho con đi học. Mục đích của một số gia đình là vừa giúp con tự đi học, không phải đưa đón mất thời gian. Nhiều học sinh tham gia đua xe, đánh võng, lạng lách, vi phạm lỗi chở quá mức cho phép, không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Hải Đăng, nhà ở N02, Dịch Vọng, Cầu Giấy cho biết: Từ khi học lớp 10 mẹ đã cho sử dụng xe máy phân khối 110 cm3 để đi học. Bởi mẹ và bố bận công việc, không thể đưa con đi học thêm quá nhiều nơi.
Nhằm giảm thiểu tai nạn cho lứa tuổi học đường, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cũng như các ngành đã phối hợp với ngành Giáo dục trong việc tuyên truyền, phòng chống tai nạn giao thông cho học sinh, cấm học sinh sử dụng xe máy phân khối lớn đến trường. Tuy nhiên, việc cấm thì vẫn cấm, nhưng một số học sinh vẫn sử dụng xe máy làm phương tiện đi học. Đặc biệt, có sự “ủng hộ ngầm” của chính phụ huynh..
Bãi gửi xe của học sinh Trường THPT Đại Mỗ |
Từ năm học 2009 - 2010, Bộ GD&ĐT đã có văn bản chỉ đạo Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố triển khai “Tháng An toàn giao thông” và công tác giáo dục pháp luật An toàn giao thông cho học sinh. Mục tiêu đề ra là tạo bước chuyển biến về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật giao thông cho học trò. Căn cứ vào từng lứa tuổi và bậc học, các trường học địa phương chủ động tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật và hướng dẫn xây dựng các tiêu chí “Văn hoá giao thông” trong trường học.
Nội dung tuyên truyền, phổ biến đối với học sinh phổ thông có nhiều chủ đề.
Đối với học sinh THPT thì tập trung tuyên truyền quy định về độ tuổi của người lái xe. Đồng thời, phổ biến quy định của Luật Giao thông đường bộ đối với độ tuổi của người lái xe: Đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích dưới 50 cm3; đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô 2 bánh, xe mô tô 3 bánh có dung tích từ 50 cm3 trở lên; phổ biến quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đối với các lỗi vi phạm học sinh thường mắc phải.
Theo ông Nguyễn Hữu Đang, Phó Trưởng Công an quận Hoàn Kiếm, Hà Nội: Các giải pháp ngăn chặn học sinh sử dụng xe máy phân khối lớn, vượt mức cho phép đến trường đến nay vẫn chưa hiệu quả. Các nhà trường vẫn buông lỏng quản lý học sinh. Nếu quản lý chặt, thường xuyên phối hợp với lực lượng công an, kiểm tra, giám sát học sinh, các điểm gửi xe quanh trường, chắc chắn, học sinh sẽ không có cơ hội sử dụng xe máy phân khối lớn tùy tiện như hiện nay.
Vì thế, ngoài công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành luật giao thông, nhà trường, phụ huynh và cả xã hội cần có biện pháp mạnh tay, xử lý nghiêm trường hợp học sinh vi phạm.