Để tránh sự kiểm tra, giám sát của giám thị nhà trường học sinh thường gửi xe ở nhà của người dân xung quanh các trường học rồi sau đó rồi đi bộ đến trường. Tan học thì ra lấy xe ra về.
Qua thống kê của Đội CSGT (CATP Huế) từ đầu năm đến nay, trên địa bàn TP Huế đã xảy ra gần 30 vụ TNGT liên quan đến xe máy, xe đạp điện,nhiều học sinh bị thương nặng phải đi cấp cứu”.
Phụ huynh "tiếp tay" cho con em đi xe máy
11 giờ 30 ngày 12/11, tại cổng Trường THPT Đặng Trần Côn học sinh ào ra như bầy ong vỡ tổ. Bên cạnh những học sinh đi xe đạp, xe đạp điện, nhiều học sinh vẫn sử dụng xe máy phân khối lớn (dung tích xi lanh trên 50 cm3) mang nhãn hiệu: Exciter, Air Blade, Sirius.
Cá biệt, một số học sinh còn không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy. Sau tan học, các em điều khiển xe máy một cách vô tư, đùa giỡn nói chuyện khi tham gia giao thông.
Cùng giờ này hôm sau 13/11, có mặt tại cổng Trường THPT Nguyễn Trường Tộ (đường Nguyễn Tri Phương), phóng viên cũng nhận thấy tình trạng học sinh sử dụng xe máy phân khối lớn khá phổ biến.
Trên đường Nguyễn Tri Phương cách cổng Trường THPT Nguyễn Trường Tộ chưa đến 100 m có một điểm chuyên giữ xe cho học sinh. Theo quan sát của chúng tôi, tại điểm giữ xe này, xe máy phân khối lớn được “giấu” trong nhà, xe đạp và xe đạp điện được để phía ngoài.
Theo quy định hiện hành, người đủ 16 tuổi trở lên được điều khiển xe gắn máy có dung tích xi lanh dưới 50 cm3; Người đủ 18 tuổi trở lên được điều khiển xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi lanh từ 50 cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự, với điều kiện phải có giấy phép lái xe.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tình trạng học sinh ở Huế (dưới 18 tuổi) sử dụng xe máy trên 50 cm3 để đến trường vẫn khá phổ biến. Nhiều học sinh còn nhiều lúc "quên" đội mũ bảo hiểm, đi dàn hàng, chở quá số người quy định...
Không chỉ Trường THPT Đặng Trần Côn, Trường THPT Nguyễn Trường Tộ ở đường Nguyễn Tri Phương có học sinh đến trường bằng xe máy, các trường THPT khác đóng trên địa bàn TP Huế, như Cao Thắng ở đường Đống Đa, Bùi Thị Xuân trên số lượng học sinh điều khiển xe máy có phân khối lớn đến trường có chiều hướng gia tăng.
Tại Trường THPT Cao Thắng các em học sinh thường gửi xe máy tại nhà giữ xe Trường Đại học Khoa học đối diện trường và một số hộ dân trong khu vực đường Lê Hồng Phong khiến việc kiểm soát của nhà trường hết sức khó khăn.
Một em học sinh đi xe đạp điện ở trường THPT Cao Thắng vô tư nói. "Xe đạp điện mấy chú CSGT ít bắt lắm, bọn em đi hoài ngoài đường có khi nào bị dừng xe, xử phạt đâu".
Qua câu nói của em học sinh THPT, "hình như" các em học sinh chưa được tuyên truyền về việc tham gia giao thông bằng xe máy, xe đạp điện phải đội mũ bảo hiểm.
Bao giờ chấm dứt “vấn nạn” học sinh đi xe máy đến trường?
Trước nguy cơ tai nạn do xe máy, xe đạp điện gây ra, các trường cũng đã có nhiều hình thức quản lý học sinh sử dụng loại phương tiện này.
Hiệu trưởng một trường THPT trên địa bàn TP Huế xin được giấu tên cho biết: Trong các buổi sinh hoạt chào cờ đầu tuần, nhà trường đều tổ chức tuyên truyền, nhắc nhở học sinh về quy định bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp điện và tuân thủ các quy tắc khi tham gia giao thông.
Những trường hợp học sinh không chấp hành sẽ nhắc nhở. Nếu vi phạm đến lần thứ hai thì sẽ nêu tên trước lớp, đến lần thứ ba thì nêu tên trước toàn trường, gửi thông báo về cho gia đình...
Bên cạnh điều khiển xe đạp điện không mũ bảo hiểm, tình trạng học sinh điều khiển xe đạp điện đi hàng ba, đùa cợt khi tham gia giao thông vẫn diễn ra thường xuyên gây mất an toàn giao thông cho người đi đường.
Trung tá Lê Viết Phương - Phó Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Thừa Thiên Huế - thông tin: Thời gian tới, đơn vị chỉ đạo lực lượng tăng cường phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo tuyên truyền sâu về ATGT trong các buổi chào cờ, sinh hoạt và hoạt động ngoại khóa.
Cùng với đó, sẽ tiến hành mở các đợt tuần tra, kiểm soát chuyên đề, tập trung nhắc nhở và kiên quyết xử lý các trường hợp học sinh đi xe máy, đi xe đạp điện - xe điện không đội mũ bảo hiểm, không chấp hành tín hiệu đèn giao thông.
“Cần có tổ tự quản để kịp thời nhắc nhở phụ huynh, học sinh chấp hành các quy định về ATGT cũng như điều tiết, sắp xếp khu vực dừng, đỗ xe hợp lý, tránh ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm; các bậc phụ huynh phải thường xuyên nhắc nhở con em mình thực hiện các quy định của Luật Giao thông đường bộ và tự giác chấp hành để làm gương. Như vậy mới tác động mạnh mẽ vào ý thức của học sinh, ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông” - Trung tá Lê Viết Phương khẳng định.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết ngay từ đầu năm học 2014, Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phối hợp với Ban ATGT tỉnh triển khai nhiều biện pháp thiết thực nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật ATGT, từng bước hạn chế TNGT cho học sinh.
Đầu năm học, các trường trên địa bàn đã mời công an địa phương đến quán triệt công tác đảm bảo ATGT; tổ chức cho từng học sinh ký cam kết không vi phạm pháp luật ATGT.
Trong và ngoài khuôn viên trường còn trưng bày các khẩu hiệu, hình ảnh cảnh báo về TNGT; xây dựng góc chơi giao thông ở sân trường...
Vấn đề giáo dục ATGT luôn được lãnh đạo, giáo viên nhà trường chú trọng, nhắc nhở dưới cờ; đưa vào trong một số tiết học chính khóa.
Đồng thời, tổ chức nhiều cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật ATGT” dưới hình thức đố vui để học, tiểu phẩm, hùng biện, vẽ tranh. Hằng tháng, một số trường còn mời đại diện các phụ huynh đến trường cùng phối hợp khuyên răn học sinh không vi phạm ATGT; áp dụng biện pháp răn đe hạ hạnh kiểm những học sinh vi phạm ATGT...
Tuy nhiên, cho đến nay hiệu quả của công tác bảo đảm trật tự ATGT đối với học sinh vẫn chưa đạt hiệu quả cao.