Không khí trong nhà cực nguy hại
Ngày 27/8, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội phối hợp với ĐH Xây dựng, Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (Green ID) tổ chức hội thảo “Chất lượng không khí Hà Nội, thực trạng và định hướng giải pháp”.
Hội thảo công bố kết quả nghiên cứu về thực trạng chất lượng không khí Hà Nội năm 2018 nhằm đề ra các chính sách, giải pháp kiểm soát và quản lý chất lượng không khí. Nghiên cứu về nồng độ bụi siêu mịn tại các nhà ở trên địa bàn Hà Nội, PGS.TS Trần Ngọc Quang, Bộ môn Vi khí hậu - Môi trường xây dựng, Trường ĐH Xây dựng cho biết, có rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra tác động xấu của bụi đến sức khỏe nhưng hiện chưa có công bố nào về bụi siêu mịn liên quan đến nhà ở tại Việt Nam.
Bụi siêu mịn có tác động rất xấu đến sức khỏe. Nếu như bụi mịn khi vào cơ thể chỉ nằm lại ở cuống phổi thì bụi siêu mịn đi vào sâu trong túi phổi, chuyển từhệ tiêu hóa sang hệ tuần hoàn, gây ra các bệnh tim mạch. Nhiều trường hợp phát hiện trong túi phổi có muội khói xe, chứng tỏ mức độ nguy hiểm của ô nhiễm bụi siêu mịn.
Để xác định nồng độ bụi siêu mịn trong nhà, PGS.TS Trần Ngọc Quang cùng các đồng sự đã chọn 6 địa điểm đo ở Hà Nội là Linh Đàm (2 điểm), Nguyễn Khoái, Bưởi, Pháp Vân và Dương Nội. Tác giả sử dụng thiết bị nano tracer đo bụi hạt có dải đo từ 10 - 30nm, phần lớn số lượng bụi tính bằng hạt nằm trong dải siêu mịn. Kết quả về nồng độ bụi siêu mịn bên trong và ngoài nhà (hạt/cm3) trung bình là 27.000 - 31.000 hạt/cm3. Con số này tương đương với kết quả quan trắc ở Bắc Kinh (Trung Quốc) là 30.000 hạt/cm3. Trong các địa điểm đo này thì khu vực Linh Đàm có mức độ ô nhiễm cao hơn các điểm còn lại.
Nồng độ ô nhiễm bụi siêu mịn này ở Hà Nội so với các quốc gia khác cao hơn nhiều. Nguồn gây ô nhiễm không khí trong nhà gồm rất nhiều, từ các hoạt động nấu ăn, sử dụng bếp gas, lò vi sóng và việc mở cửa để thông gió tự nhiên cũng khiến bụi siêu mịn xâm nhập vào gia đình. “Kết quả đo cho thấy, khi trong gia đình có các hoạt động nấu ăn bằng lò vi sóng, rang lạc bằng tay... thì nồng độ bụi siêu mịn tăng cao đột biến. Nhà càng nhiều thiết bị điện tử và đồ cơ điện thì ô nhiễm bụi siêu mịn càng cao”, PGS.TS Trần Ngọc Quang cho biết.
|
“Thủ phạm” chính là khói xe
Ô nhiễm không khí trong nhà báo động, ô nhiễm không khí bên ngoài nhà cũng liên tục tăng cao. Báo cáo chất lượng không khí Hà Nội 2018, bà Nguyễn Thị Anh Thư, cán bộ nghiên cứu Trung tâm Phát triển sáng tạo Xanh cho biết, dựa trên báo cáo tập trung phân tích dữ liệu AQI và PM 2.5 tại trạm đo của Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội, kết quả phân tích các trạm đo tại Hà Nội của Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc và dữ liệu quan trắc từ các máy đo chất lượng không khí của Công ty Puritrak cho thấy, trong năm 2018, Hà Nội có 88 ngày nồng độ bụi PM 2.5 vượt quá quy chuẩn Việt Nam (QCVN) và 232 ngày vượt quá khuyến nghị của WHO.
Trong đó, những “điểm đen” về ô nhiễm không khí đáng báo động nhất có số ngày PM 2.5 trung bình 24 giờ vượt quá QCVN là Phạm Văn Đồng (109 ngày/năm), Minh Khai (129 ngày/năm) hay 556 Nguyễn Văn Cừ (88 ngày/năm)...
Các chất ô nhiễm không khí có từ đâu? Nguồn gốc nào phát sinh? Theo nghiên cứu của TS Nghiêm Trung Dũng, ĐH Bách khoa Hà Nội và TS Nguyễn Thị Yến Liên, ĐH Giao thông Vận tải thì 40% bụi PM 2.5 đến từ giao thông vận tải, trong đó 10% là từ xe chạy dầu diezel. Xe máy là “thủ phạm” phát thải nhiên liệu lớn nhất nhưng lại không được kiểm soát khí thải. Những chiếc xe máy xả khói đen xì ngoài đường không phải là hình ảnh hiếm gặp. Ngoài ra, tình trạng tắc đường, các xe di chuyển chậm, tốc độ không ổn định cũng làm phát thải ô nhiễm cao hơn.
Bằng chứng là vào thời điểm cuối tuần, ô nhiễm luôn thấp hơn các ngày trong tuần. So sánh với các nước trong khu vực thì mức độ ô nhiễm không khí ở Việt Nam luôn cao hơn. Theo các chuyên gia, đã đến lúc phải chuyển đổi nhiên liệu từ chạy xăng dầu sang khí nén thiên nhiên, thắt chặt tiêu chí phát thải, tăng cường phương tiện công cộng, cải thiện vận tốc trung bình, quản lý vào giờ cao điểm...
Hạn chế mở cửa khi không khí ô nhiễm
TS Hoàng Dương Tùng, Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam cho biết, hiện nay, cơ quan chuyên môn đưa ra ô nhiễm giao thông chiếm khoảng 70% tổng lượng phát thải của cả Hà Nội. TP đang có những giải pháp để hạn chế phương tiện cá nhân nhằm tránh ùn tắc và cải thiện chất lượng môi trường.
Song, khi vẫn chưa hạn chế hay cấm triệt để được thì chúng ta cần phải có biện pháp kiểm soát lượng khí ô nhiễm phát thải từ phương tiện. Ví dụ như chúng ta vẫn chưa kiểm soát được nguồn khí phát thải từ xe máy. Chúng ta có thực hiện nhưng thiếu chặt chẽ, thiếu chế tài nên xe quá niên hạn sử dụng, xe không bảo đảm chất lượng về khí thải vẫn tồn tại không kiểm soát.
Nhiều người có thói quen hay mở cửa thông gió để đón khí tươi vào phòng. Điều này là cần thiết, nhưng nếu mở cửa đúng lúc không khí đang ô nhiễm nặng thì lại “lợi bất cập hại”. Đóng kín cửa thì không khí lưu cữu, bụi bẩn không thoát ra được. Nhưng mở cửa thì không khí ô nhiễm bên ngoài tràn vào.