Báo động học sinh bỏ học ở Quỳnh Lưu

Báo động học sinh bỏ học ở Quỳnh Lưu

(GD&TĐ) - Theo thống kê của Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An, so với năm ngoái, tỷ lệ học sinh bỏ học sau hè năm nay giảm hẳn, toàn tỉnh chỉ có 742 học sinh bỏ học (năm ngoái có 1.870 học sinh bỏ học). Song đáng chú ý là nhiều huyện miền núi không có học sinh bỏ học, hoặc số bỏ học không đáng kê thì ở các huyện miền xuôi, đặc biệt là vùng biển, số học sinh bỏ học lại tăng cao. 

Người dân Quỳnh Phương (Quỳnh Lưu) bao đời nay sống dựa vào nghề đi biển. Với họ, học cũng tốt, nhưng cũng chẳng bằng việc buông chài thả lưới, kiếm con cá, con tôm để nuôi sống gia đình. Và, vì thế mà họ không mặn mà với việc cho con đến trường. Việc học đối với người dân ở đây không phải là ưu tiên hàng đầu. Con cái lớn lên, chỉ cần biết đọc, biết viết, biết làm các phép tính cộng, trừ, nhân, chia là đủ; cái quan trọng hơn là “phải biết làm việc để nuôi sống bản thân ngay từ khi chúng có thể làm việc”. 

Vừa bế giảng năm học 2011-2012, nhiều em đã theo anh, theo cha đi đánh cá, câu mực tận các vùng biển Hà Tĩnh, Quảng Bình,… Trong buổi học đầu tiên của năm học 2012-2013 (22/8/2012), Trường THCS Quỳnh Phương vẫn còn 58 em chưa đi học.

Thầy Hồ Ngọc Liên, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Việc bỏ học sau hè của học sinh ở đây diễn ra theo kiểu “xuân thu nhị kỳ”, năm nào cũng có. Riêng năm nay, tỷ lệ học sinh bỏ học sau hè chiếm 6,26% (58/926 học sinh), nhiều hơn so với các năm học trước.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến học sinh bỏ học nhiều đó là do đặc thù nghề đi biển cần nhiều lao động, trong khi đó thu nhập từ nghề cũng tương đối khá, cha mẹ học sinh vì lợi ích kinh tế trước mắt nên đã cho con nghỉ học để đi biển kiếm tiền.

Đặc biệt năm nay, mới xuất hiện nghề lưới hồng, ngư dân câu mực nang tận cửa sông Gianh (Quảng Bình) cho thu nhập cao nên kéo học sinh bỏ học theo gia đình đi đánh bắt.

Trước tình trạng học sinh bỏ học sau hè gia tăng, nhà trường đã phân công giáo viên đến tận nhà vận động, tham mưu với chính quyền địa phương thành lập các đoàn đi tuyên truyền, thuyết phục nhưng cũng chẳng ăn thua.

Nể thầy cô giáo và lãnh đạo địa phương mất công đi lại, một số em quay trở lại trường. Nhưng chỉ ngày một, ngày hai lại tiếp tục bỏ học. Sỹ số học sinh ở các lớp luôn luôn biến động. Để “giữ chân” học sinh đi học chuyên cần, nhà trường đã đưa ra nhiều giải pháp: Huy động mọi nguồn lực hỗ trợ học sinh nghèo (đầu năm học 2012-2013 đã vận động được hơn 20 triệu đồng tặng 101 cặp sách cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn); mở các lớp phụ đạo học sinh yếu kém; khen thưởng giáo viên vận động nhiều học sinh trở lại trường. ... Từ sau ngày tựu trường đến nay, đã vận động được 15 em, nhưng cũng chưa dám chắc các em sẽ theo học hết năm nay.  

Lớp 9C, Trường THCS Sơn Hải (Quỳnh Lưu, Nghệ An), đến ngày 14/9 vẫn còn 03 học sinh chưa đến học.
Lớp 9C, Trường THCS Sơn Hải (Quỳnh Lưu, Nghệ An), đến ngày 14/9 vẫn còn 03 học sinh chưa đến học.

Chị Hồ Thị Luyến có con trai năm nay lên lớp 9 đã bỏ học để đi biển lý giải: “Học hết lớp 9 cũng đi biển, hết lớp 8 cũng đi biển. Năm nay nó đã 14, 15 tuổi, sức khỏe tốt nên ở nhà đi biển kiếm thêm thu nhập, đỡ phí thời gian một năm. Học hành rồi cũng vậy thôi, trong làng, trong xã đầy đứa học xong cấp 3 (THPT) rồi cũng phải bám biển, có thoát ly được đâu... Học xong đại học, chắc gì đã xin được việc làm, huống chi là chỉ học hết cấp 2 (THCS)”.  Với cách nghĩ của cha mẹ như vậy, đúng là rất khó để các thầy cô giáo vận động học sinh đến trường.

Còn đối với cán bộ, giáo viên Trường THCS Sơn Hải thì việc vận động học sinh bỏ học sau hè trở lại trường đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên của mỗi người. Sau ngày tựu trường năm nay, nhà trường phối hợp với chính quyền địa phương thành lập 8 đoàn, mở “chiến dịch” vận động. “Năm nào cũng vậy, trước kỳ nghỉ hè, trường đã tổ chức họp cha mẹ học sinh để làm công tác tư tưởng.

Ngày tựu trường, học sinh nghỉ học, giáo viên chủ nhiệm đến tận nhà tìm hiểu lý do, rồi thuyết phục học sinh, năn nỉ cha mẹ cho các em trở lại trường. Trong 46 giáo viên của Trường, chỉ có 4 người là dân Sơn Hải, còn lại đến từ các địa phương khác nên rất vất vả.

Hàng ngày, tranh thủ sau mỗi buổi học, các thầy cô lại vội vã chạy xe đến tận nhà học sinh để vận động. Đến bữa đầu, phụ huynh còn miễn cưỡng rót nước, tiếp chuyện. Đến lần thứ hai, thứ ba thì học sinh trốn, phụ huynh từ chối gặp, có người gặp thì thẳng thừng tuyên bố con họ sẽ nghỉ học. Vậy nên, trung bình mỗi năm, tỷ lệ học sinh bỏ học chiếm 1,5-2%. "Cũng chính vì điều này mà nhà trường không được công nhận là Tập thể lao động tiên tiên, kéo theo lãnh đạo nhà trường không được công nhận là chiến sĩ thi đua các cấp, giáo viên chủ nhiệm lớp thì mất danh hiệu Lao động tiên tiến”. Cô giáo Phạm Thị Long, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Sơn Hải cho biết.

Nhận công tác ở Trường THCS Sơn Hải đã chục năm nay thì cũng chừng đó thời gian thầy giáo Nguyễn Tuấn Khang (Tổng phụ trách Đội của trường) gắn bó với nhiệm vụ vận động học sinh bỏ học trở lại trường. Năm nay, thầy được giao nhiệm vụ theo dõi công tác phổ cập giáo dục ở xóm 8. Xóm này có 04 học sinh bỏ học, sau hàng chục lượt đến nhà tiếp xúc, gặp gỡ; tìm đủ mọi cách thuyết phục thì thầy cũng chỉ vận động được 02 em trở lại trường, còn 02 em không sao vận động được.

Cô giáo Nguyễn Thị Ngân, Chủ nhiệm lớp 8B - lớp có đông học sinh bỏ học nhất (06 em), hàng ngày phải vượt hơn 20km từ Quỳnh Giang đến Sơn Hải dạy học.  Con còn nhỏ, nhưng sau mỗi buổi lên lớp, cô lại tất tả đến từng gia đình học sinh bỏ học để vận động. “Có phải lúc nào cha mẹ học sinh cũng ở nhà đâu. Và biết cô giáo đến để vận động con đi học tiếp nên họ trốn. Phải tranh thủ vào bữa ăn trưa, may ra mới gặp. Gia đình họ thản nhiên ngồi ăn, mình thì ngồi nói, nhiều lúc cũng ngại.... Kiên trì ròng rã cả gần tháng trời đi vận động, mới chỉ có 02 em đến lớp, 4 em còn lại vẫn chưa”.  

Hôm 09/9 vừa qua, chính quyền xã Sơn Hải phối hợp với nhà trường mở cuộc họp với cha mẹ học sinh bàn giải pháp vận động học sinh bỏ học trở lại trường và ngăn chặn học sinh bỏ học, duy trì sĩ số. Bằng nhiều giải pháp như: Đổi mới phương pháp và nâng cao chất lượng dạy học; ưu tiên hỗ trợ học sinh nghèo; đa dạng hóa các hoạt động ngoài giờ lên lớp,… nhằm thu hút học sinh đến trường.

Đến thời điểm hiện tại (14/9), nhà trường đã vận động được 20 em, còn 12 em chưa đến trường. Kéo được các em đến trường đã khó, để các em thường xuyên đi học cũng gian truân không kém. Học sinh ở đây phần lớn đi học một buổi, buổi còn lại ra biển bắt ốc, cào ngao hoặc ở bến cá phụ giúp gia đình. Gặp nước lớn, những ngày sóng to, biển động thì lớp đông, những hôm nước xuống, thời tiết thuận lợi thì số học sinh nghỉ tăng lên. Vắng nhiều ngày, không theo kịp chương trình là các em sẵn sàng nghỉ học luôn. 

Tính tại thời điểm 22/8, toàn huyện Quỳnh Lưu có 212 học sinh ở cả 3 cấp học chưa đến trường (tiểu học 02 em; THCS 191 em; THPT 19 em), hầu hết tập trung ở các xã vùng biển, đặc biệt là Quỳnh Phương (58 em), Sơn Hải (32 em).

Ông Lê Thanh Hiền, Phó Trưởng Phòng GD&ĐT Quỳnh Lưu cho biết: “Chúng tôi đang ra sức tìm mọi giải pháp trước mắt và lâu dài để hạn chế, đi đến chấm dứt tình trạng học sinh bỏ học. Trước mắt, chúng tôi chỉ đạo các trường phấn đấu giữ vững sĩ số, tăng cường phụ đạo đối với học sinh yếu kém để hạn chế việc các em chán nản mà bỏ học.

Đối với những học sinh bỏ học do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhà trường chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, với cộng đồng xã hội để có sự hỗ trợ về tinh thần lẫn vật chất, giúp các em trở lại trường. Đối với những học sinh thuộc diện phải kiểm tra lại, đã theo cha mẹ đi làm ăn xa trong hè nên không biết lịch kiểm tra, các trường tổ chức cho các em kiểm tra đợt 2, đảm bảo quyền lợi cho học sinh,… ”.

Để “ngăn dòng” học sinh bỏ học ở các địa phương vùng biển hiện nay, thiết nghĩ một mình nhà trường không thể làm được, mà rất cần sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền cơ sở; sự chung tay của các đoàn thể, nhất là Hội Khuyến học; Hội Cựu giáo chức, Hội Cựu chiến binh, Hội Phũ nữ và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

                                                                                          Đức Phúc

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.