'Báo động đỏ' tai nạn thương tích trẻ em tại Điện Biên

GD&TĐ - Chỉ vài ngày đầu tháng 4 này, tại Điện Biên đã liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn thương tích, cướp đi sinh mạng của 4 đứa trẻ.

Hiện trường vụ đuối nước khiến 2 chị em trong cùng gia đình tử vong tại phường Nam Thanh, TP Điện Biên Phủ.
Hiện trường vụ đuối nước khiến 2 chị em trong cùng gia đình tử vong tại phường Nam Thanh, TP Điện Biên Phủ.

Những tai nạn thương tâm

Sớm tinh mơ ngày 6/4, vợ chồng anh Giàng A Chu, dân tộc Mông, ở bản Huổi Va B, xã Háng Lìa, huyện Điện Biên Đông vội vã lên nương trồng sắn. Nhà có 3 đứa con, đáng lẽ đều đi học. Nhưng hôm đó đứa út là Giàng Thị D. (sinh năm 2020) quấy khóc nên anh Chu cho theo cùng.

Khi mặt trời đứng bóng, vợ chồng anh Chu đưa con về lán nấu ăn, nghỉ ngơi. Đến khoảng 14 giờ, cả 2 tiếp tục đi làm và để con ngủ lại lán. Một lúc sau, anh Chu phát hiện căn lán bùng cháy dữ dội. Chột dạ nghĩ đến đứa nhỏ đang trong cơn ngủ say, anh chị tất tưởi chạy về cứu con thì đã quá muộn.

Nhớ lại sự việc đau lòng, anh Chu vẫn không cầm được nước mắt. Anh kể: Dù vợ chồng đã cố gắng bằng đủ mọi cách, rồi hô hoán mọi người cứu giúp. nhưng vì gió trên nương thổi mạnh, lại thiếu dụng cụ chữa cháy nên đành bất lực nhìn ngọn lửa…

“Tại chúng tôi chủ quan, bếp đun chưa tắt hẳn nên than vẫn còn âm ỉ cháy. Gặp gió thổi là lửa bùng lên. Làm bố mẹ, biết con ở trong đó mà bất lực không cứu được, xót xa lắm. Từ hôm ấy, vợ chồng tôi hối hận, vợ thì khóc suốt”, anh Chu dằn vặt.

Chỉ vài giờ sau sự việc đau lòng trên thì ở một địa bàn khác của Điện Biên lại thêm 1 đứa trẻ bỏ mạng vì đuối nước. Nạn nhân là em Quàng Văn Kh. (SN 2013), trú tại bản Pháy Váng, xã Xuân Lao, huyện Mường Ảng.

Theo chính quyền địa phương cho biết, địa bàn xảy ra vụ việc có con suối nhỏ chạy qua (Nậm Húa). Như thường lệ, sau buổi tan học, Kh. cùng bạn rủ nhau đi tắm suối. Trong quá trình này, em không may bị đuối nước. Người bạn đi cùng vì quá hoảng sợ nên bỏ chạy về nhà. Lâu không thấy Kh. về, gia đình em đi tìm thì phát hiện sự việc đau lòng.

Trước đó vài ngày, Điện Biên cũng ghi nhận 2 chị em trong cùng một gia đình tử vong vì đuối nước. Nạn nhân là cháu Trần Doãn Quỳnh A. (SN 2017) và Trần Doãn Quỳnh T. (SN 2020), tạm trú tại bản Pom Loi, phường Nam Thanh, TP Điện Biên Phủ.

Theo đó, vào khoảng 16 giờ, ngày 1/4, trong lúc người dân đi lấy nước tưới rau đã phát hiện hai cháu dưới kênh tả Đại Thủy nông Nậm Rốm. Sau khi cứu vớt, tiến hành sơ cứu, bà con đưa các cháu đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên. Tuy nhiên, bác sĩ xác định các nạn nhân đã tử vong trước đó.

Chính quyền địa phương thăm hỏi, động viên gia đình anh Giàng A Chu, bản Huổi Va B, xã Háng Lìa, huyện Điện Biên Đông.

Chính quyền địa phương thăm hỏi, động viên gia đình anh Giàng A Chu, bản Huổi Va B, xã Háng Lìa, huyện Điện Biên Đông.

Những câu hỏi day dứt

Những đứa trẻ tử vong, dù là nguyên nhân gì thì cũng để lại nỗi xót xa, ám ảnh cho các gia đình. Tuy nhiên, cả 3 sự việc đau lòng trên xảy ra đều do bất cẩn và thiếu đi sự giám sát của người lớn.

Với trường hợp 2 chị em cùng bị đuối nước tại Nam Thanh, theo ông Lường Văn Toản, Chủ tịch UBND phường thông tin thì các cháu gặp nạn khi tự chở nhau bằng xe đạp trên đường kênh. Tuy nhiên, điều đáng nói là cả 2 đều còn rất nhỏ. Trong đó, người chị mới 6 tuổi, còn em nhỏ chỉ 3 tuổi.

Còn trường hợp em Kh., theo điều tra ban đầu của chính quyền địa phương, gia đình biết em đi tắm suối. Tuy nhiên, do chủ quan nên không có người lớn đi cùng. Việc trẻ tự do tắm suối như trên cũng thường xuyên diễn ra trên địa bàn.

Vụ việc xảy ra tại xã Háng Lìa, theo ông Vàng A Dia, Chủ tịch UBND xã nhận định thì là sự cố không may. Song nguyên nhân sâu xa lại xuất phát từ chính sự chủ quan, bất cẩn của người lớn.

Toàn xã có hơn 2.000 dân, bà con sống chủ yếu bằng canh tác trên nương và chăn nuôi. Do kinh tế khó khăn, nên các bậc cha mẹ thường chủ yếu tập trung mưu sinh mà ít quan tâm, chăm sóc cho con cái. Bọn trẻ, ngoài giờ đến trường thường tự chơi tại nhà, quanh khu vực hoặc có lên nương cùng bố mẹ thì cũng thiếu sự giám sát.

Hiện đang thời gian cao điểm vào mùa nên người dân dành phần lớn thời gian trên nương. Ngoài giờ canh tác, bà con thường chủ yếu nghỉ trưa, nấu ăn luôn tại lán nương. Trong khi đó, thời tiết hanh khô, thường xuyên có gió mạnh nên nguy cơ xảy ra cháy là rất cao.

“Vụ việc vừa rồi xảy ra với cháu bé là quá đau lòng và đáng tiếc. Nhưng đây cũng là lời cảnh báo thiết thực nhất đối với các hộ dân khác. Sắp vào Hè rồi, các cháu nghỉ học ở nhà nhiều nên chúng tôi sẽ tăng cường các giải pháp. Trong đó trọng tâm là tuyên truyền. Nhưng mong rằng phụ huynh - những người ở gần trẻ nhất thì hãy quan tâm, giám sát con mình nhiều hơn. Đừng để xảy ra sự việc thương tâm rồi hối hận thì đã muộn”, ông Dia nói.

Theo ông Vàng A Dia, chính quyền địa phương đã nhiều lần tuyên truyền để nâng cao nhận thức người dân. Đặc biệt, là việc nhắc nhở bà con đi nương cẩn trọng củi, lửa. Song đa phần vẫn rất chủ quan. Khi sự cố xảy ra thì rất khó để ứng cứu vì đa phần nương xa, thiếu nước, dụng cụ chữa cháy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.