Ngăn chặn tai nạn thương tích trẻ em

GD&TĐ - Những năm qua, mặc dù các cấp các ngành, địa phương ở nước ta đã có nhiều nỗ lực phòng, chống tai nạn thương tích (TNTT) cho trẻ em. 

Ngăn chặn tai nạn thương tích trẻ em

Tuy nhiên, hàng ngày chúng ta vẫn phải chứng kiến biết bao TNTT xảy ra đối với trẻ em, không chỉ gây tổn thất trực tiếp về con người, vật chất, cướp đi tiềm năng lao động, mà còn để lại những hậu quả nặng nề ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước

Thống kê của UNICEF cho biết, mỗi năm ở nước ta có tới hơn 7.300 em tử vong do TNTT. Trung bình mỗi ngày có khoảng 580 trẻ em bị TNTT, làm 20 trẻ tử vong.

Một trong những tai nạn nhiều nhất là đuối nước mỗi năm lên tới trên 2.800 trẻ em bị tử vong. Con số này cao nhất khu vực Đông Nam Á và gấp 8 lần so với các nước có thu nhập cao.

Đúng là những con số thật giật mình! Như vậy mỗi ngày có hàng chục gia đình chịu mất mát, đau thương vì sự ra đi mãi mãi của các em nhỏ do TNTT.

Không những thế TNTT cũng là nguyên nhân hàng đầu gây nên khuyết tật cho trẻ em và có thể kéo dài suốt cuộc đời, để lại những hậu quả nặng nề; gây tổn thất trực tiếp về con người, vật chất, cướp đi tiềm năng lao động, tiềm năng cuộc sống trước mắt và lâu dài, gây ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày cũng như các nguồn lực đầu tư cho phát triển của đất nước.

Phân tích từ những nơi thường để xảy ra TNTT trẻ em cho thấy, vấn đề gốc rễ của thực trạng này là do các cấp chính quyền địa phương vẫn chưa thật sự coi trọng việc phòng ngừa TNTT cho trẻ em, để cho môi trường sống và môi trường xã hội tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây TNTT. Bên cạnh đó phải kể đến việc thiếu quan tâm tới các em từ chính người thân trong gia đình.

Để trẻ em có một môi trường sống an toàn, lành mạnh cần có một kế hoạch hành động cụ thể, thiết thực và phải coi đây là trách nhiệm không phải của riêng cá nhân gia đình có trẻ em, mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội.

Ngày 5/2/2016 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 234/QĐ-TTg về “Chương trình phòng chống TNTT cho trẻ em, giai đoạn 2016 - 2020”.

Đây là sự chỉ đạo đang tạo ra rất nhiều thuận lợi cho mỗi địa phương, tổ chức, cá nhân trong tổ chức triển khai thực hiện. Chính vì thế hơn ai hết việc rất cần được bắt đầu triển khai ngay lúc này là việc nâng cao ý thức của mỗi gia đình, người dân trong bảo vệ con, em mình trước những nguy cơ tai nạn.

Cùng với đó là mỗi nhà trường cần tăng cường các hoạt động tổ chức giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng phòng chống TNTT trong nhà trường; chủ động lồng ghép các nội dung giáo dục kỹ năng sống gắn liền với giáo dục pháp luật đạo đức, lối sống lành mạnh.

Đặc biệt triển khai chỉ thị của Bộ GD&ĐT trong việc tiến hành rà soát lại nội dung chương trình giáo dục thể chất trong nhà trường, trong đó chú ý hướng dẫn kỹ năng bơi lội, kỹ năng phòng, tránh, ứng phó các trường hợp tai nạn, gây thương tích, như: Cháy nổ, hỏa hoạn, bão, lũ…

Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương rà soát lại cơ sở vật chất, điều kiện rèn luyện sức khỏe, thể chất cho học sinh, trẻ em; nhất là điều kiện về hướng dẫn tập luyện kỹ năng bơi lội phù hợp với điều kiện của địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ