Bảo đảm quyền lợi cho thí sính thi tốt nghiệp THPT đợt 2

GD&TĐ - Các thí sinh thi tốt nghiệp THPT đợt 2 nhận được sự quan tâm, đồng hành hết sức trách nhiệm của thầy cô, nhà trường và ngành Giáo dục địa phương.     

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT đợt 1 tại điểm thi Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT đợt 1 tại điểm thi Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội.

Ôn tập cho thí sinh thi đợt 2 miễn phí

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, đợt 2, An Giang là địa phương có số lượng thí sinh dự thi nhiều nhất.

Tại Trường THPT Võ Thị Sáu (TP Châu Đốc) có tổng số 488 học sinh khối 12 thi đợt 2 - tất cả đều thuộc vùng phong tỏa theo Chỉ thị 16.

Cô Trương Thị Nguyện, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, để tránh bị động trong ôn tập, lãnh đạo nhà trường luôn quan tâm, động viên HS giữ thái độ bình tĩnh, suy nghĩ tích cực, lạc quan và không ngừng cố gắng với tinh thần học tập thật tốt, phương pháp ôn tập hiệu quả, giữ gìn sức khỏe để chuẩn bị tham gia đợt thi thứ 2.

”Quan điểm của lãnh đạo trường và các thầy cô là “tạm dừng thi, tạm dừng đến trường nhưng không ngừng việc ôn tập và chuẩn bị tư thế sẵng sàng, hào hứng trước kỳ thi đợt 2”. Vì thế, nhà trường thành lập Ban chỉ đạo, phân công các lực lượng hỗ trợ để cùng đồng hành, giúp đỡ kịp thời HS. Tiếp tục tổ chức ôn tập trực tuyến miễn phí cho tất cả học sinh thi đợt 2 và bằng nhiều hình thức dạy học khác... phù hợp với năng lực của học sinh nhất, là học sinh có nguy cơ, khó khăn về điều kiện học tập” – cô Trương Thị Nguyện chia sẻ.

Dự thi tốt nghiệp THPT đợt 2, Trường THPT Trần Văn Thành (An Giang) có 394 thí sinh. Hầu hết các thí sinh này thuộc huyện Châu Phú - địa bàn thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15, một số khu vực thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

“Thực hiện tinh thần chỉ đạo của Sở GD&ĐT, cộng đồng trách nhiệm trong thời gian dịch bệnh, 100% số tiết dạy của trường sẽ không thu học phí. Bên cạnh đó, nhà trường cũng sẵn sàng chuẩn bị những hoạt động hỗ trợ thí sinh trong những ngày thi đợt 2. Như thành lập đội tiếp sức mùa thi do Đoàn Thanh niên phụ trách; học sinh có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ suất cơm trưa; bố trí nơi nghỉ trưa cho học sinh có nhu cầu; 1.000 chai nước đóng chai miễn phí cho thí sinh trong các ngày thi; phát học bổng cho học sinh nghèo nghèo tham gia kỳ thi với tổng số tiền là 5 triệu đồng” - thầy Huỳnh Ngọc Bảy cho biết.

Chia của của thầy hiệu trưởng Huỳnh Ngọc Bảy, nắm bắt tâm lý lo lắng của học sinh và gia đình, nhà trường chủ động liên hệ, động viên, chia sẻ các thông tin giúp thí sinh yên tâm. Trong đó có thông tin đã được Bộ GD&ĐT công bố như mức độ đề thi giữa hai đợt là như nhau; quyền lợi thí sinh giữa đợt 1 và đợt 2 được Bộ GD&ĐT bảo đảm ngang nhau…

Trước mắt, trong tình hình toàn huyện Châu Phú thực hiện giãn các theo Chỉ thị 15, một số khu vực thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, Trường THPT Trần Văn Thành đang tiếp tục tổ chức ôn tập trực tuyến, giúp học sinh duy trì kiến thức. Sau khi kết thúc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15, Trường sẽ tổ chức ôn tập kết hợp giữa online và trực tiếp.

Trường THPT Minh Châu (Hưng Yên) có 235 thí sinh dự thi đợt 2. Theo thầy Nguyễn Đức Hồng, hiệu trưởng nhà trường, các học sinh này được nhà trường bố trí giáo viên ôn tập trực tuyến để việc học không gián đoạn. Thầy cô cũng thường xuyên động viên phụ huynh, học sinh giữ gìn sức khỏe, hạn chế tối đa ra ngoài (chỉ ra ngoài và gặp gỡ người khác khi thật cần thiết, luôn bảo đảm nguyên tắc 5K).

“Trong những ngày thi sắp tới, nhà trường tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch, bảo đảm an toàn cho cán bộ coi thi và thí sinh dự thi,như: phun khử khuẩn khu vực thi, đo thân nhiệt, thực hiện tốt quy định 5K, phân luồng thí sinh lúc đến điểm thi và lúc ra về; rửa tay, sát khuẩn khi đến điểm thi. Đồng thời, cùng với Ban chỉ đạo thi và Ban chỉ đạo phòng chống dịch của địa phương xây dựng các phương án ứng phó với tình huông xảy ra trong quá trình thi, với phương châm luôn bảo đảm quyền lợi cho thí sinh” - thầy Nguyễn Đức Hồng chia sẻ.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Chăm lo, hỗ trợ tốt nhất cho thí sinh thi đợt 2

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, tỉnh Bắc Ninh có 8 thí sinh do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 không tham dự kỳ thi đợt 1, đã làm đơn xin dự thi đợt thứ 2. Trong đó có 2 thí sinh F0; 3 thí sinh F1; 1 thí sinh F2; 2 thí sinh đang trong vùng phong tỏa, cách ly y tế.

Ông Trịnh Khôi, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Ninh, cho biết: Các cơ sở giáo dục nơi thí sinh đăng ký dự thi đã phối hợp với gia đình, chính quyền địa phương tuyên truyền, thông tin về việc bảo đảm quyền lợi cho thi sính tham dự kỳ thi đợt 2 theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT để các em ổn định tâm lý và tiếp tục ôn tập.

Với 2 thí sinh thuộc đối tượng F0, Hội đồng thi Sở GD&ĐT Bắc Ninh, căn cứ Quyết định số 2289/QĐ-BGDĐTcủa Bộ GD&ĐT, đã hướng dẫn các cơ sở giáo dục có học sinh F0 và các điểm thi nơi thí sinh dự thi hoàn thiện hồ sơ đặc cách xét công nhận tốt nghiệp cho các em; đồng thời thông báo đến các thí sinh tham dự kỳ thi đợt 2 (nếu có nguyện vọng thi để lấy điểm xét tuyển đại học).

Cùng với đó, Sở GD&ĐT cũng đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục tiếp tục phân công giáo viên hướng dẫn ôn tập cho các học sinh thuộc đối tượng trên bằng nhiều hình thức như: giao đề ôn tập, dạy học trực tuyến…

Đoàn thanh niêm Trường THPT Võ Thị Sáu (An Giang) đồng hành tiếp sức mùa thi.
Đoàn thanh niêm Trường THPT Võ Thị Sáu (An Giang) đồng hành tiếp sức mùa thi.

Tại An Giang, hoạt động hỗ trợ, đồng hành cùng thí sinh đã được An Giang triển khai rất hiệu quả ở đợt 1 Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Khẳng định của ông Trần Tuấn Khanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang: Tinh thần này sẽ được tiếp tục phát huy ở đợt thi thứ 2 tới đây.

Bên cạnh có công văn chỉ đạo các nhà trường về công tác ôn tập cho thí sinh thi đợt 2 hoàn toàn miễn phí, Sở GD&ĐT đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc phối hợp cùng huyện, thị, thành Đoàn, chỉ đạo Đoàn trường tích cực, chủ động thực hiện tốt hoạt động tiếp sức mùa thi tại đơn vị. Phân công đoàn viên giáo viên, cùng đoàn viên học sinh (khối 10, 11), khảo sát, nắm chắc tình hình của những học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhằm hỗ trợ kịp thời phương tiện đi lại, nơi ăn, nghỉ trong các buổi thi, ngày thi.

Cùng với đó, có phương án tổ chức tốt việc hỗ trợ giữ vật dụng cá nhân hoặc cho mượn đồ dùng học tập… (không nằm trong danh mục đồ dùng cấm mang vào phòng thi, không vi phạm quy chế thi) cho các thí sinh tham gia kỳ thi. Nhắc nhở thí sinh khi đi thi không mang theo vật dụng có giá trị hoặc nhiều tiền mặt để tránh mất cắp, ảnh hưởng đến tâm lý thi.

Hoạt động tình nguyện, tiếp sức mùa thi cần đảm bảo an toàn về sức khỏe, vệ sinh an toàn thực phẩm, công tác an ninh, giao thông, công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cho thí sinh và cả đoàn viên, thanh niên tình nguyện.

Tùy điều kiện thực tế tại địa phương, có thể huy động, vận động sự tham gia của đoàn viên thanh niên, mạnh thường quân, các tổ chức chính trị - xã hội, Ban đại diện Cha mẹ học sinh, phụ huynh học sinh, lực lượng an ninh,… tham gia vào hoạt động tiếp sức mùa thi..

“Đợt thi 1, đa số các điểm thi đều có bố trí điểm “tiếp sức” cho thí sinh ở gần điểm thi, hỗ trợ thí sinh và phụ huynh giải quyết các tình huống xảy ra ở bên ngoài điểm thi; vận động các nguồn lực hỗ trợ nước rửa tay sát khuẩn, đo thân nhiệt, phát khẩu trang miễn phí cho thí sinh và cán bộ coi thi. Hoạt động này sẽ tiếp tục được phát huy ở đợt thi thứ 2 tới” - ông Trần Tuấn Khanh cho hay.
Ngành Giáo dục triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam đã có bước phát triển đáng kể những năm gần đây. Ảnh minh họa: INT

Tích hợp hệ thống năng lượng hỗn hợp

GD&TĐ - Kết hợp năng lượng mặt trời và gió giúp hệ thống điện ổn định hơn, hiệu suất cao hơn. Hệ thống phù hợp để ứng dụng vào điện mặt trời mái nhà.