Nhiều lỗ hổng thất thoát thu phí đường bộ, cần minh bạch các trạm BOT

Kết quả kiểm tra, giám sát việc thu phí tại hàng loạt các trạm thu phí BOT trong cả nước thời gian qua cho thấy nhiều “lỗ hổng” thu phí gây thất thoát lớn, thiếu minh bạch.

Trạm thu phí tuyến đường Hà Nội - Bắc Giang.
Trạm thu phí tuyến đường Hà Nội - Bắc Giang.

Hàng loạt các dự án BOT (Xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) đường bộ đã đưa vào khai thác và thu phí hoàn vốn. Song, do triển khai thiếu hợp lý, quản lý không minh bạch, cùng mức phí cao đang khiến dư luận bức xúc.

Các chuyên gia đặt ra hai vấn đề trong quản lý các dự án BOT giao thông hiện nay, đó là có hay không chuyện thất thoát và thiếu minh bạch trong xây dựng, thu phí hoàn vốn.

Nhiều thất thoát trong thu phí

Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa báo cáo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về kết quả kiểm tra, giám sát việc thu phí tại hàng loạt các trạm thu phí BOT trong cả nước thời gian qua gây bức xúc dư luận do mức phí cao, vị trí trạm bất hợp lý. Kết quả giám sát cho thấy nhiều “lỗ hổng” thu phí gây thất thoát lớn, thiếu minh bạch.

Đơn cử, qua kiểm tra, giám sát công tác thu phí BOT quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang trong 10 ngày (từ 16 - 26/12/2016), Tổng cục Đường bộ Việt Nam phát hiện tổng số tiền thu phí sử dụng đường bộ đối với vé lượt trong thời gian giám sát gần 11 tỷ đồng, bình quân ngày giám sát (vé lượt) thu gần 1,1 tỷ đồng, cao hơn bình quân ngày của sáu tháng trước đó khoảng 84 triệu đồng/ngày.

Cụ thể, hệ thống vòng từ cửa trạm thu phí một dừng của dự án có lúc không nhận ra những xe container gầm cao và xe máy. Với lỗi này của hệ thống thu phí, có nguy cơ gây thất thoát trong doanh thu phí sử dụng BOT, vì hệ thống thu phí không nhận dạng được xe qua trạm, trong khi thực tế các loại phương tiện này vẫn phải nộp phí.

Tuy kết quả giám sát này chưa thể đại diện cho cả quá trình thu phí, việc chênh lệch có thể do nhiều nguyên nhân, nhưng đã khiến dư luận nghi ngờ việc thu phí BOT thiếu chính xác, minh bạch.

Giám sát đột xuất tại các trạm thu phí đường bộ trên tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng phát hiện nhiều sai phạm.

Kết quả số thu thực tế vé lượt trong 10 ngày lên tới 17,5 tỷ đồng (trung bình mỗi ngày 1,7 tỷ đồng), trong đó ngày cao nhất có số thu đạt hơn 1,9 tỷ đồng.

Như vậy, bình quân mỗi ngày, các trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ thu về gần hai tỷ đồng; trong khi phía Công ty BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ báo cáo chỉ đạt 1,2 tỷ đồng/ngày.

Từ thực tế trên cho thấy, tại các hợp đồng BOT, có điều khoản bảo mật thông tin, không được cung cấp một số thông tin của dự án, gây nghi ngờ lẫn nhau giữa các nhà đầu tư trong nội bộ doanh nghiệp dự án.

Bên cạnh đó, hợp đồng BOT dường như nghiêng về bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, chưa có cơ chế nào giải quyết bức xúc, rủi ro của người dân và xã hội.

Việc kiểm soát suất đầu tư không chặt chẽ do dự án thực hiện bằng vốn của nhà đầu tư, phần lớn tổng mức đầu tư dự án vượt quá giá trị thực. Cơ quan quản lý cần tạo cơ chế để người dân, doanh nghiệp vận tải có quyền tham gia trực tiếp vào việc giám sát các dự án BOT...

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trên các tuyến quốc lộ hiện nay có tới 32/88 trạm thu phí BOT không đảm bảo khoảng cách tối thiểu 70 km như quy định.

Cá biệt, có trường hợp khoảng cách giữa hai trạm thu phí chỉ cách nhau 15 km, như trạm thu phí Hầm đèo Ngang. Có những tuyến đường, trạm thu phí dày đặc như Hà Nội - Thái Bình chỉ khoảng 110 km nhưng có tới 4 trạm thu phí. Riêng trên quốc lộ 1 có đến 45 trạm thu phí...

Tại buổi làm việc với Bộ GTVT mới đây, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đã đề xuất Bộ GTVT xây dựng bộ quy trình về nghiệm thu, quyết toán dự án BOT giao thông sau khi công trình đi vào khai thác. Bộ quy trình này sẽ giúp công tác quản lý nhà nước của Bộ GTVT, cũng như nhà đầu tư thuận lợi và hiệu quả, tạo đồng thuận trong dư luận.

Các trạm BOT quá nhiều khiến phí cầu đường tăng, giá thành vận tải tăng, chi phí xã hội vì thế tăng theo. Đặc biệt, nhiều dự án BOT được lập trên các tuyến đường huyết mạch, độc đạo và khi trạm thu phí mọc lên, người tham gia lưu thông không còn sự lựa chọn nào khác là muốn đi thì phải mua phí.

Nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, các dự án BOT đường bộ là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong bối cảnh ngân sách hạn chế và hạ tầng giao thông phải đi trước mở đường để phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều dự án giao thông BOT đầu tư tràn lan, mà chưa được thẩm định kỹ giá thành đầu tư, nên suất đầu tư quá cao.

Nhiều doanh nghiệp bằng cách này hay cách khác dù không đảm bảo nguồn vốn chủ sở hữu, nhưng vẫn xin được dự án rồi vay vốn ngân hàng để thực hiện có thể đang đi ngược với chủ trương.

Quyết toán 54 dự án BOT

Bộ GTVT đang khẩn trương kiểm tra, rà soát công tác thu phí tại tất cả các trạm thu phí BOT đã đi vào vận hành, để hoàn thành quyết toán.

Dự kiến, Bộ GTVT sẽ hoàn thành quyết toán 54 dự án BOT trước ngày 30/6 tới để làm cơ sở công khai, minh bạch công tác thu phí hoàn vốn tất cả các trạm thu phí đang hoạt động; đồng thời làm tiêu chí để đánh giá năng lực của các chủ đầu tư dự án.

Theo ông Đỗ Văn Quốc - Vụ trưởng Vụ Tài chính (Bộ GTVT), công tác quyết toán các dự án BOT hoàn thành đang được các cơ quan chức năng thuộc Bộ GTVT thực hiện quyết liệt, vì đây là khâu bắt buộc của quá trình quản lý dự án đầu tư.

Thông qua quyết toán sẽ xác định được chi phí đầu tư thực tế, hợp pháp của công trình. Đặc biệt, đối với các công trình BOT giao thông, giá trị quyết toán còn là một trong những cơ sở để xem xét, điều chỉnh phương án tài chính, thời gian thu phí của dự án.

TS. Nguyễn Ngọc Long, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ huật Cầu đường Việt Nam (Bộ GTVT) cho hay: Giống như các dự án ngân sách, quyết toán các dự án BOT giao thông bao gồm hai phần:

Quyết toán xây lắp và quyết toán giải phóng mặt bằng. Riêng phần giải phóng mặt bằng được tách ra thành tiểu dự án và giao cho địa phương thực hiện.

Việc thực hiện quyết toán các dự án không đơn giản, vì đây là khâu cuối của hợp đồng xây dựng BOT và các bên cần phải rà soát lại. Nếu dự án càng dài thì càng khó khăn.

“Trong quá trình triển khai, nhà đầu tư nào tuân thủ đúng các quy định về quản lý đầu tư xây dựng sẽ căn bản không gặp khó khăn trong việc quyết toán.

Ngược lại, những nhà đầu tư quản lý không tốt, nhất là những vấn đề bổ sung, phát sinh không đầy đủ thủ tục, hồ sơ chứng từ, phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực và chất lượng của hồ sơ quyết toán. Quyết toán công trình gặp khó khăn nhất ở việc quyết toán phần giải phóng mặt bằng, vì liên quan đến các địa phương...”, ông Long nói.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa khẳng định: Quyết toán dự án chính là điều kiện, cơ hội để minh bạch, công khai các dự án.

Việc quyết toán chính xác, đúng hạn các dự án là một kênh đánh giá năng lực quản lý ngành của các chủ đầu tư, các Ban quản lý dự án giao thông. Thông qua công tác quyết toán có thể minh bạch dự án, từ đó, dư luận, xã hội có thể chia sẻ, hiểu đúng hơn về đầu tư BOT.

Chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh: Dân chưa được hưởng lợi từ các dự án BOT giao thông

Các hợp đồng dự án BOT có điều khoản bảo mật thông tin, do vậy việc kiểm soát từ phía cơ quan chức năng không chặt chẽ. Nếu không có những đợt kiểm tra, giám sát việc thu phí đối với trạm thu phí thì không ai biết được số tiền bị thất thoát so với báo cáo của doanh nghiệp.

Vì vậy, người dân cũng phải được đặt vào dự án không chỉ ở khía cạnh quyền lợi, mà còn cả ở khâu giám sát. Điều này, đòi hỏi điều kiện, cách thức tiến hành phù hợp.

Trước hết, chủ đầu tư cần có trách nhiệm chủ động, kịp thời cung cấp thông tin về dự án BOT cho người dân bằng các hình thức phù hợp, tránh hình thức, đối phó, mà cần đặt mình vào vị trí của người sử dụng, để hiểu và cung cấp đúng những thông tin mà người dân quan tâm.

Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên: Việc thu phí tại các trạm BOT hiện chưa công bằng

Thực tế việc thu phí đường bộ qua trạm BOT hiện nay chỉ có lợi cho nhà đầu tư vì chỉ giảm phí đối với xe tải trọng lớn. Vì tỷ lệ xe tải trọng lớn, xe container có tần suất di chuyển qua trạm ít hơn rất nhiều lần so với tỷ lệ xe khách, xe tải nhỏ, xe cá nhân.

Nếu có 2 tuyến đường song song, chắc chắn 100% lái xe khách, xe tải nhỏ sẽ lựa chọn đường không thu phí. Trong khi đó, xe khách, xe tải nhỏ... lại không được giảm phí, lưu hành bằng đường bộ là chủ yếu.

Do vậy, các cơ quan chức năng cần xem xét thấu đáo nghịch lý này, giảm thiểu khó khăn cho doanh nghiệp vận tải và người dân đang gặp phải tình trạng “ra đường là mất tiền phí” như hiện nay.

Theo Tin Tức TTXVN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Sắc xanh xe buýt điện VinBus không ngừng nỗ lực “phủ xanh” thành phố (Ảnh: VinBus)

80 tuần Vingroup 'phủ xanh' Việt Nam

GD&TĐ -Quỹ Vì tương lai xanh và các công ty thành viên thuộc hệ sinh thái Vingroup đã triển khai những hành động “phủ xanh” trên khắp dải đất hình chữ S.