Bảo đảm, mở rộng quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế

NDĐT- Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế đã sửa đổi, bổ sung những chính sách quan trọng nhằm bảo đảm và mở rộng quyền lợi của người tham gia và tính bền vững của quỹ bảo hiểm y tế.

Bảo đảm, mở rộng quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế
Thúc đẩy lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) đã được chỉnh lý với nhiều nội dung. Về cơ bản, so với Luật BHYT hiện hành (năm 2008), dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT đã sửa đổi, bổ sung những chính sách quan trọng nhằm bảo đảm và mở rộng quyền lợi của người tham gia BHYT và tính bền vững của quỹ BHYT.

Trong đó có một số nội dung đáng chú ý như:

Luật tiếp tục khẳng định chính sách BHYT toàn dân, quy định BHYT là bảo hiểm bắt buộc và khuyến khích việc thực hiện BHYT theo hộ gia đình, đây là những quy định quan trọng nhằm thúc đẩy thực hiện lộ trình BHYT toàn dân.

Quy định lực lượng công an và quân đội cùng tham gia hệ thống BHYT.

Bổ sung một số nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước đóng BHYT là: người đang tại ngũ trong quân đội; thân nhân của học viên công an và học viên cơ yếu; người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo.

Bổ sung một số nhóm đối tượng được tổ chức bảo hiểm xã hội đóng BHYT đó là người mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày, người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng; bổ sung quy định khi tham gia BHYT theo hộ gia đình, từ người thứ 2 trở lên được giảm mức đóng.

Bổ sung quyền lợi cho các nhóm đối tượng tham gia

Luật Sửa đổi lần này cũng bổ sung quyền lợi cho các nhóm đối tượng tham gia BHYT. Đó là:

Bỏ quy định cùng chi trả 5% đối với người nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội (KT-XH) khó khăn, vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn; giảm mức cùng chi trả từ 20% xuống không phải cùng chi trả với thân nhân (chủ yếu) của người có công với cách mạng là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con của liệt sĩ, người có công nuôi dưỡng liệt sĩ; giảm mức cùng chi trả từ 20% xuống còn 5% với thân nhân khác của người có công và người thuộc hộ gia đình cận nghèo.

Người có thời gian tham gia BHYT từ năm năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh (KCB) trong năm lớn hơn sáu tháng lương cơ sở thì được hưởng 100% chi phí KCB, trừ trường hợp tự đi KCB.

Quân nhân tại ngũ được bảo đảm KCB không mất tiền (từ quỹ BHYT chi trả và các chi phí ngoài phạm vi được hưởng BHYT do ngân sách nhà nước bảo đảm).

Trẻ em dưới sáu tuổi được quỹ BHYT chi trả điều trị lác, cận thị và tật khúc xạ của mắt; trẻ em đủ 72 tháng tuổi mà chưa đến kỳ nhập học thì thẻ BHYT có giá trị sử dụng đến ngày 30 tháng 9 của năm đó.

Nhóm đối tượng là người đang tại ngũ trong quân đội, công an; người có công với cách mạng được quỹ BHYT chi trả chi phí vận chuyển người bệnh từ tuyến huyện lên tuyến trên.

Bỏ quy định BHYT không chi trả với trường hợp tự tử, tự gây thương tích, bị tai nạn giao thông, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp... (những trường hợp trên sẽ được quỹ BHYT chi trả).

Một điểm mới nữa là mở thông tuyến khám chữa bệnh BHYT giữa tuyến xã và tuyến huyện trên cùng địa bàn tỉnh kể từ ngày 1-1-2016; mở thông tuyến khám chữa bệnh BHYT đến tuyến tỉnh và tuyến trung ương trong phạm vi cả nước đối với người thuộc hộ gia đình nghèo và người dân tộc thiểu số tham gia BHYT đang sinh sống tại vùng có điều kiện KT-XH khó khăn, vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại các xã đảo, huyện đảo.

Từ ngày 1-1-2021, mở thông tuyến tỉnh trên toàn quốc và nâng mức hưởng đối với trường hợp điều trị nội trú tại tuyến tỉnh và trung ương đối với người tham gia BHYT tự đi khám chữa bệnh.

Về phân bổ và sử dụng quỹ BHYT, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho biết, pháp luật hiện hành về BHYT đã quy định phân bổ 90% số tiền đóng BHYT cho KCB và 10% cho quỹ dự phòng và chi phí quản lý quỹ BHYT, sau gần 6 năm triển khai thực hiện cho thấy, quy định này phù hợp với thực tế, đáp ứng được nhu cầu chi phí đối với KCB cho người tham gia BHYT và góp phần nâng cao hiệu quả của hoạt động KCB BHYT.

Riêng phần 10% dành cho quỹ dự phòng và chi phí quản lý quỹ BHYT, dự thảo Luật đã quy định dành tối thiểu 5% cho quỹ dự phòng; đối với phần chi phí quản lý quỹ BHYT sẽ thực hiện theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội (BHXH), vì hiện nay BHXH Việt Nam được giao trách nhiệm quản lý chung cả quỹ BHXH và quỹ BHYT . Do đó sẽ giữ như quy định tại khoản 1 Điều 35 và giao Chính phủ quy định chi tiết tại khoản 5 Điều 35 của dự thảo Luật.

Việc quản lý quỹ BHYT đã chỉnh lý theo hướng các tỉnh, thành phố có số thu BHYT dành cho KCB lớn hơn số chi KCB trong năm thì phần kinh phí chưa sử dụng hết được phân bổ theo lộ trình: từ ngày Luật này có hiệu lực đến hết ngày 31-12-2020, 20% để lại tại các địa phương để các địa phương chủ động hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đáp ứng việc KCB thông tuyến ở địa bàn tỉnh; từ ngày 1-1-2021, phần kinh phí chưa sử dụng hết được hạch toán toàn bộ vào quỹ dự phòng để điều tiết chung như quy định tại khoản 3 Điều 35 của dự thảo Luật. Như vậy, sau lộ trình năm năm, đến ngày 1-1-2021, quỹ BHYT sẽ được quản lý hoàn toàn tập trung, thống nhất và điều tiết chung trong phạm vi cả nước.

Đồng thời, để tiếp tục bảo đảm công bằng, giảm chênh lệch mức tiếp cận chính sách an sinh xã hội giữa các địa bàn, các nhóm đối tượng, phần ngân sách nhà nước dành cho y tế hằng năm phải được điều chỉnh theo hướng đầu tư tập trung cho các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển và hải đảo nhằm tăng cường cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế, nhân lực đảm bảo cơ hội tiếp cận bình đẳng về chăm sóc sức khỏe cho người dân ở những địa bàn này.

Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế đã được Quốc hội thông qua ngày 13-6-2014 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1- 2015.

*Nhiều nội dung ưu tiên đối với trẻ em dưới sáu tuổi: Trẻ em dưới sáu tuổi được Nhà nước cấp kinh phí mua thẻ BHYT, được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí KCB và không phải cùng chi trả, được quỹ BHYT thanh toán chi phí KCB đối với lác, cận thị và tật khúc xạ của mắt, được thanh toán chi phí vận chuyển từ tuyến huyện lên tuyến trênĐối với trẻ em bị suy dinh dưỡng (ở tất cả các thể suy dinh dưỡng, còi xương…) khi đi KCB đều được quỹ BHYT thanh toán 100% theo quy định hiện hành.

Cải thiện thông tuyến khám chữa bệnh: Mức thanh toán đối với trường hợp người có thẻ BHYT tự đi KCB theo hướng: từ ngày 1-1-2021, mở thông tuyến tỉnh trên toàn quốc và riêng đối với tuyến trung ương thì nâng mức hưởng lên 40% đối với trường hợp điều trị nội trú; tuyến tỉnh là 60% chi phí điều trị nội trú từ ngày Luật này có hiệu lực đến ngày 31-12-2020 và được hưởng 100% chi phí điều trị nội trú kể từ ngày 1-1-2021…

Theo nhandan

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ