Trang điện tử của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Geneva đã đăng tải bài viết của nhà báo người Anh Sean Fleming thể hiện việc Việt Nam chống dịch Covid-19 hiệu quả với nguồn lực hạn chế, đánh giá Việt Nam là “ngọn hải đăng” trong lĩnh vực này.
Bài báo trên nói rằng Covid-19 là thách thức lớn đối với nhiều quốc gia nghèo và đang phát triển, trong đó có Việt Nam và quốc gia này đến nay chưa có ca tử vong nào. Việt Nam không xét nghiệm quy mô lớn như các nước có kinh tế phát triển hơn mà chỉ tập trung vào các biện pháp nằm trong tầm kiểm soát.
Bài báo chỉ ra những hành động nhanh chóng của Việt Nam để đối phó dịch: Ngày 1/2 Việt Nam bắt đầu các sáng kiến chống dịch, dừng mọi chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc, đóng cửa trường học, phong tỏa Vĩnh Phúc 21 ngày..
Hệ thống y tế Việt Nam cũng đang cải thiện. Bài báo dẫn ra thông tin cho rằng ở Việt Nam, 10.000 người dân mới có 8 bác sĩ, trong khi đó tỷ lệ này ở Italy và Tây Ban Nha là 41/10.000, Mỹ là 26/10.000 và Trung Quốc là 18/10.000.
Việt Nam cũng tiến hành cách ly bắt buộc 14 ngày với bất kỳ ai nhập cảnh, hủy bỏ mọi chuyến bay nước ngoài, cách ly người nhiễm và truy tìm người tiếp xúc với người nhiễm.
Người dân Việt Nam rất cẩn trọng và “những người hàng xóm sẽ biết ngay nếu bạn mới từ nước ngoài về” – bài báo dẫn lời Trưởng khoa bệnh truyền nhiễm Trương Hữu Khánh tại bệnh viện nhi TP.HCM – “Nếu một người nhiễm bệnh có mặt trong khu vực, họ sẽ thông báo”.
Với một đảng lãnh đạo, có lực lượng quân đội và công an lớn được tổ chức tốt, Việt Nam có thể đưa ra quyết định nhanh chóng và ban hành kịp thời. Ngoài ra, người dân rất cảnh giác kịp thời báo cáo hành động sai trái, những kẻ đưa tin sai lệch về virus corona có nguy cơ bị cảnh sát ghé thăm và phạt tiền.
Ngoài bài báo trên, một số hãng thông tấn khác cũng đánh giá cao Việt Nam trong cuộc chiến chống dịch.
Tờ DW của Đức cho rằng thành công của Việt Nam trong việc chống Covid-19 là có hệ thống giám sát công cộng rộng rãi, sử dụng lực lượng quân đội có kỷ luật, được người dân tin cậy để chống dịch. Chính phủ Việt Nam chấp nhận tổn thất kinh tế để đảm bảo an toàn cho người dân.
Dẫn lại đánh giá uy tín của tờ Financial Times (Anh), báo Rappler của Philippines cho rằng Việt Nam là “hình mẫu về kiềm chế đại dịch” nhờ có ban lãnh đạo quyết đoán.
Tờ The Diplomat của Mỹ nói rằng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tuyên bố cuộc chiến với virus corona. Chính phủ đã dựa vào chiến lược huy động, thúc đẩy toàn bộ xã hội, bao gồm lực lượng an ninh, quân đội, các cấp chính quyền và mọi cá nhân chống dịch. Ở nhiều khu vực, cảnh sát và người phụ trách địa phương tới từng gia đình có thành viên biểu hiện triệu chứng nhiễm dịch hay vừa đi từ nước ngoài về, sau đó báo cáo tình hình với chính phủ để cân nhắc cách ly... Chiến lược này đã chứng minh có hiệu quả hơn trong việc kiềm chế dịch so với các nước khác.