P.V: Ông có đánh giá gì về những đóng góp của báo chí đối với các kỳ họp của Quốc hội?
Ông Trần Du Lịch: Đầu tiên, tôi xin gửi lời chúc mừng và cảm ơn tới báo Giáo dục & Thời đại nói riêng, báo chí Việt Nam nói chúng đã làm cầu nối giữa các đại biểu Quốc hội tới cử tri rất tốt. Nếu họp Quốc hội mà không có báo chí thì không biết kết quả sẽ như thế nào? Đấy là đóng góp lớn nhất của báo chí tới các kỳ họp của Quốc hội.
ĐBQH Trần Du Lịch: "Báo chí đã làm cầu nối giữa các đại biểu Quốc hội tới cử tri rất tốt" (ảnh:gdtd.vn). |
Với tư cách là người thường xuyên quan hệ với báo chí, tôi cho rằng, hoạt động báo chí của chúng ta đúng nghĩa, thể hiện được tiếng nói rộng rãi của mọi tầng lớn nhân dân, truyền tải được các chính sách, đường lối của Đảng, Nhà nước đến với nhân dân.
Ông Dương Trung Quốc: Qua báo, tôi xin gửi lời chúc mừng tới tất cả các tờ báo của Việt Nam. Báo chí phải là tai, là mắt của nhân dân. Chính với nhiệm vụ tai mắt này, các thông tin của kỳ họp Quốc hội nói riêng, tất cả thông tin của toàn xã hội nói chung đến với mọi người dân một cách chính xác tạo áp lực xã hội để các cơ quan có trách nhiệm vào cuộc. Áp lực xã hội là rất tích cực! Vậy, theo tôi nên phát huy, điều đó mang lại hiệu ứng, lợi ích rất cụ thể khắc phục được những thiếu sót, mang lại lợi ích rất cụ thể cho người dân.
P.V: Hiện nay, báo chí của chúng ta còn có những mặt hạn chế nào cần khắc phục, thưa ông?
Ông Trần Du Lịch: Dĩ nhiên trong tương lai, báo chí cần phải đổi mới hơn nữa, quá trình phát triển đòi hỏi chất lượng phải nâng cao hơn nữa, độ chính xác của các thông tin cũng cần nâng cao. Tuy còn có những hạn chế, nhưng những năm qua hoạt động báo chí đã có những bước tiến rất tích cực!
Ông Dương Trung Quốc: Ngoài những mặt tích cực, báo chí cũng còn những tiêu cực. Với sự phát triển rất mạnh mẽ của báo chí như hiện nay, và với thực tiễn cuộc sống đang diễn ra hết sức sôi động, đa dạng, phức tạp như thế này thì năng lực của nhà báo (những người trực tiếp xử lý, truyền tải thông tin đến người dân) là cực kỳ quan trọng. Chính vì thế, những sai sót từ trước tới nay mà báo chí hay mắc phải do năng lực nhà báo là chủ yếu. Một phần nữa tôi muốn nói đến một hiện thực mà chúng ta nhìn thấy trước, với sự phát triển như thế này sẽ hình thành các nhóm lợi ích, và các nhóm lợi ích sẽ sử lợi dụng, đôi khi sử dụng báo chí như một công cụ phục vụ họ. Các nhà báo nếu không có năng lực thì rất dễ (vô tình hoặc hữu ý) thành công cụ phục vụ những lợi ích ấy. Điều này làm mất đi những giá trị cao cả của người làm báo.
ĐBQH Dương Trung Quốc: "Báo chí phải là tai mắt của nhân dân" (ảnh:gdtd.vn) |
P.V: Ông có nhận xét gì về những đóng góp của báo chí qua 2 vụ việc “đu dây qua sông ở Poco” và “bán đất rừng”?
Ông Trần Du Lịch: Quan hai vụ việc cụ thể ấy, chúng tôi rút ra, chính báo chí là người đóng góp rất lớn trong việc phát hiện vấn đề. Hai sự việc đó cũng thể hiện đang có một lỗ hổng trong việc giám sát từ xa của nhà nước. Qua sự việc đu dây thay cầu ở Poco, bán đất, chặt phá rừng, tôi thấy không chỉ ngành Giao thông - Vận tải, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… mà tất cả các ngành khác cần có biện pháp cập nhật thông tin, giám sát từ xa lĩnh vực mình quản lý về thông tin. Nếu không, nơi nào báo chí không đến được còn hỏng nữa... Tôi đánh giá rất cao từ hai sự kiện đó về vai trò của báo chí về rất nhiều sự việc.
Ông Dương Trung Quốc: Theo tôi, Chính phủ nên chi ân những người đã phát hiện ra sự việc là những lão thành cách mạng, những người đã tạo ra dự luận xã hội, để thông tin không chỉ đến với người dân, đến đại biểu Quốc hội mà đến cả với cơ quan có trách nhiệm. Như thế có nghĩa báo chí càng khẳng định lại vai trò là tai mắt của nhân dân.
P.V: Xin cảm ơn ông!
Quang Anh (thực hiện)