Cùng với sự háo hức của trẻ em, học sinh, còn có nỗi lo về an toàn thực phẩm (ATTP) của người tiêu dùng.
Không gian công cộng bị chiếm dụng
Ghi nhận của phóng viên Báo GD&TĐ tại các tuyến đường như: Lê Đức Thọ (quận Nam Từ Liêm), Xuân La (quận Tây Hồ), Phan Đình Phùng (quận Ba Đình), Nguyễn Lương Bằng (quận Đống Đa)... xuất hiện nhiều quầy dựng tạm bợ bán bánh Trung thu mang thương hiệu như: Kinh Đô, Thu Hương, Bảo Ngọc, Maison...
Có mặt tại điểm bán bánh Trung thu trên vỉa hè khu vực ngã 4 phố Lê Đức Thọ trưa 19/8, chị Trang (22 tuổi), sinh viên một trường đại học trên địa bàn quận Cầu Giấy tỏ ra hào hứng khi bánh Trung thu bán lẻ có giá từ 52.000 đồng đến 79.000 đồng.
Chị Trang mua bánh Trung thu sớm để làm quà biếu và gia đình sử dụng.
“Tôi mua sớm để tránh bị tăng giá dịp cận Tết Trung thu, nhất là kỳ nghỉ lễ 2/9 đang đến gần...”, chị Trang chia sẻ.
Nhân viên bán bánh Trung thu tại một quầy trên phố Lê Đức Thọ cho biết, quầy hàng được dựng lên khoảng vài ngày trở lại đây và lượng khách đến mua còn ít. Nữ nhân viên cho hay, thương hiệu bánh Kinh Đô được nhiều khách hàng lựa chọn.
“Người dân chủ yếu mua bánh nướng thập cẩm, vị khoai môn và đậu xanh. Người tiêu dùng cũng mua bánh lẻ nhiều hơn so với hộp bánh, bởi có giá bình dân...”, nữ nhân viên cho hay.
Theo nữ nhân viên, thương hiệu Thu Hương cũng đa dạng mẫu bánh (nướng, đậu xanh, hạt sen… và hộp quà) chủ yếu dao động từ 350.000 đồng đến 2.000.000 đồng. Tuy nhiên, phần lớn khách lựa chọn mua với tầm giá 600.000 đồng cho một hộp bánh.
Không thể phủ nhận sức hút của các loại bánh Trung thu, mỗi quầy bán hàng trên vỉa hè được rất nhiều người quan tâm, từ học sinh, sinh viên đến dân văn phòng. Tranh thủ ghé vào cửa hàng trên hè phố Xuân La mua bánh, chị Nguyễn Thị Nhung (34 tuổi) đang làm việc trên địa bàn quận Cầu Giấy cho biết, gia đình lựa chọn bánh Bảo Ngọc với giá bán lẻ từ 52.000 đồng đến 79.000 đồng và hộp bánh với giá 250.000 đồng (4 bánh) - 1.900.000 đồng (8 bánh, kèm hộp trà).
Chị Nhung cho biết thêm, công ty và đồng nghiệp chị cũng thường chọn cửa hàng bánh Trung thu trên vỉa hè mua cho tiện và giá cả hợp lý dù vẫn còn nỗi lo về nguồn gốc, hạn sử dụng của bánh.
Tìm mua bánh Trung thu tại siêu thị trên phố Tân Xuân (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), anh Trần Hiếu (38 tuổi) cho biết, bánh ở siêu thị có thể giá cao hơn mua vỉa hè song tâm lý yên tâm hơn về nguồn gốc xuất xứ.
"Tôi mua bánh thưởng cho con nhỏ vừa hoàn thành chương trình sinh hoạt hè ở trường và làm quà chuẩn bị cho kỳ nghỉ 2/9 tới về quê...”, anh Hiếu nói.
Tăng kiểm tra, xử lý vi phạm
Nhằm bảo đảm ATTP mùa Trung thu năm 2024, ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội cho biết, đơn vị đã xây dựng và ban hành “Kế hoạch công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, bảo đảm ATTP Tết Trung thu trên địa bàn Hà Nội năm 2024”.
Theo ông Kiên, hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường, các lực lượng chức năng sẽ đánh giá việc chấp hành các quy định về bảo đảm ATTP của các cơ sở sản xuất, chế biến, nhập khẩu, kinh doanh bánh Trung thu; kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm các mặt hàng bánh Trung thu, nguyên liệu để sản xuất, bao bì tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm...
Qua kiểm tra sẽ kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về ATTP, đặc biệt hàng giả, hàng nhập lậu, khắc phục, hạn chế tối đa hậu quả các vụ việc vi phạm liên quan.
Đơn cử, ngày 13/8, Đội Quản lý thị trường số 24 (Cục QLTT Hà Nội) kiểm tra cửa hàng kinh doanh thực phẩm thuộc hộ kinh doanh cửa hàng bánh kẹo tại số nhà 161, đường La Phù, thôn Chùa Tổng, xã La Phù, huyện Hoài Đức.
Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra đã phát hiện tại cửa hàng đang kinh doanh hàng hóa là bánh Trung thu do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật.
Hàng hóa có dấu hiệu vi phạm gồm: 240 cái bánh (bánh nướng, loại 500g/cái), nhãn bằng chữ nước ngoài; 72 gói bánh kem xốp (loại 200g/gói), nhãn bằng chữ nước ngoài. Đoàn kiểm tra đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa có dấu hiệu vi phạm trên để xử lý theo quy định của pháp luật.
Tương tự, vào các ngày 6 và 7/8, đoàn kiểm tra liên ngành Ban Chỉ đạo 389 quận Ba Đình do Đội Quản lý thị trường số 3 làm trưởng đoàn đã kiểm tra liên tiếp 2 cơ sở kinh doanh trên địa bàn quận, phát hiện hàng trăm sản phẩm bánh, kẹo có dấu hiệu là hàng hóa nhập lậu.
Trong quá trình tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh hàng tạp hóa, tại số 4 Đặng Dung, phường Trúc Bạch, đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở đang kinh doanh 400 chiếc bánh nướng (50gr/chiếc), do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, không rõ chất lượng.
Tiếp đó, khi tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh hàng tạp hóa, tại số 115, Tân Ấp, phường Phúc Xá, Đoàn kiểm tra cũng đã phát hiện cơ sở đang kinh doanh 321 sản phẩm bánh, kẹo các loại (trong đó có 175 chiếc bánh nướng các loại). Toàn bộ số hàng hóa này do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, không rõ chất lượng.
Ngày 19/8, Tổng cục QLTT (Bộ Công Thương) đã có Văn bản số 2257 gửi Cục QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường trong dịp Tết Trung thu năm 2024 và kiểm tra chất lượng hàng hóa đến hết năm 2024.
Trong dịp Tết Trung thu, lực lượng chức năng tập trung kiểm tra các cơ sở kinh doanh, các đại lý, cửa hàng trong việc chấp hành các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu. Sau dịp Tết Trung thu, tập trung kiểm tra việc thu hồi và xử lý các sản phẩm hết hạn sử dụng, không đảm bảo chất lượng.