Xua tan nỗi lo an toàn thực phẩm dịp Tết

GD&TĐ - Những ngày cận Tết, nguồn thực phẩm từ các tỉnh thành khác đổ về Hà Nội lớn, kéo theo nguy cơ mất an toàn.

 Bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Ảnh: BVCC
Bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Ảnh: BVCC

Ăn uống sạch để bảo đảm sức khỏe là vấn đề cấp thiết được đặt ra trong bối cảnh nhiều ca ngộ độc liên tiếp nhập viện.

Tử vong do ăn tiết canh

Mới đây, một người đàn ông tử vong vì mắc bệnh liên cầu lợn sau khi ăn tiết canh trong buổi liên hoan tất niên cùng bạn bè. Theo các bác sĩ điều trị, phần lớn bệnh nhân mắc bệnh liên quan đến giết mổ, ăn tiết canh hoặc các món ăn từ thịt lợn chưa nấu chín.

Bệnh nhân mới nhất tử vong do bệnh liên cầu lợn là T.V.H. (nam giới, 50 tuổi, quê Giao Thủy, Nam Định), có tiền sử khỏe mạnh. Ba ngày trước khi vào viện, bệnh nhân có mổ lợn, chế biến tiết canh liên hoan tất niên cùng bạn bè.

Sau liên hoan một ngày, bệnh nhân thấy đau mỏi người, đi ngoài phân lỏng 2 lần, kèm sốt cao rét run, người khó chịu, chân tay tím tái. Người nhà đưa bệnh nhân đi cấp cứu tại Bệnh viện huyện Giao Thủy.

Sau đó, bệnh nhân được chuyển cấp cứu đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán là sốc nhiễm khuẩn theo dõi do liên cầu lợn, được chỉ định dùng kháng sinh, vận mạch, đặt ống nội khí quản thở máy và chuyển cấp cứu lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

Trước đó, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương tiếp nhận bệnh nhân Đ.V.T. (nam, 39 tuổi, Nghệ An), có sở thích hay ăn nem, chạo, thịt lợn sống. Bốn ngày trước khi nhập viện, gia đình bệnh nhân có mua lòng lợn ở ngoài chợ về ăn.

Một ngày sau, bệnh nhân xuất hiện sốt 39 - 40 độ, mệt nhiều. Bệnh nhân nhập viện trong tình trang sốc nhiễm trùng, suy đa tạng, viêm phổi, phải can thiệp thở máy, lọc máu…

Bệnh nhân thoát cơn nguy kịch nhưng các đầu ngón tay, ngón chân bị hoại tử. Sau đó được phẫu thuật tháo khớp các chi hoại tử ở tay và chân. Sau 3 tiếng phẫu thuật, các bác sĩ đã cắt bỏ 2 bàn chân và phần ngón tay ở 2 bàn tay.

Bảo đảm an toàn thực phẩm

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo công tác An toàn thực phẩm Hà Nội, trong dịp Tết năm nay, toàn thành phố đã thành lập 671 đoàn kiểm tra. Trong đó, tuyến thành phố có 14 đoàn (gồm 4 đoàn liên ngành TP và 10 đoàn của các sở ngành); 78 đoàn tuyến quận, huyện, thị xã và 579 đoàn tuyến xã, phường, thị trấn. Sau một tháng rưỡi ra quân (từ ngày 15/12/2023 đến nay), các đoàn đã kiểm tra được 5.725 cơ sở. Qua đó, phát hiện 899 cơ sở vi phạm và xử phạt 843 cơ sở với tổng số tiền phạt là hơn 4,75 tỷ đồng. Đồng thời, nhắc nhở và cảnh cáo 56 cơ sở.

Tết cũng là thời điểm nhiều thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ được trà trộn đưa vào thị trường, cộng với thói quen ăn uống, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, nhiều gia đình do tích trữ quá nhiều thực phẩm sống, chín lẫn lộn trong tủ lạnh và khi rã đông để gần nhau. Đó cũng là nguyên nhân góp phần gây nguy cơ ngộ độc.

Theo BSCKI Dương Ngọc Vân, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, ngộ độc thực phẩm dẫn đến các tác động tiêu cực đối với sức khỏe. Do đó, người dân cần cẩn thận khi chọn mua thực phẩm, nhất là với các loại có rủi ro gây ngộ độc cao.

Trong quá trình chọn lựa các loại thực phẩm để gia đình tiêu thụ trong dịp Tết, đặc biệt là hải sản, rau và hoa quả tươi,... người dân cần tuyệt đối cẩn thận và lưu ý. Theo đó, nên chọn các loại thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng kèm với chất lượng đảm bảo.

Cụ thể, với rau củ quả cần chọn loại tươi, còn nguyên, không có tình trạng hư thối hay dập nát. Trong khi đó, với thịt, cá, tôm, cần chọn loại tươi, không có mùi lạ, mùi hôi hoặc bị ôi thiu.

Thực phẩm đóng hộp hay đóng gói sẵn cần rõ ràng về ngày sản xuất, hạn sử dụng, hướng dẫn sử dụng, nhà phân phối và thành phần. Tránh chọn loại có phần vỏ bị hư hỏng, biến dạng. Đồng thời, chỉ mua ở nơi có độ tin cậy cao, tránh các địa điểm không chắc chắn về độ an toàn.

Về việc bảo quản thực phẩm, bác sĩ Vân khuyến cáo, người dân cần thực hiện đúng cách để đảm bảo an toàn. Cần cất giữ thực phẩm vào tủ lạnh để bảo quản. Khi muốn ăn,cần hâm kỹ lại trước khi dùng. Song, không được để trong thời gian quá lâu. Ngoài ra, nhiệt độ bảo quản thức ăn phải thích hợp.

Mọi người cũng nên áp dụng cách bảo quản phù hợp với mỗi loại thực phẩm riêng. Ví dụ, thịt cá tươi thì cần được rửa sạch, cất vào ngăn đông. Trong khi đó, các loại rau củ thì cần được bọc kín ở những túi riêng biệt, rồi cất giữ trong ngăn đựng rau củ của tủ lạnh. Một lưu ý khác là nên vệ sinh tủ lạnh thường xuyên. Trong trường hợp không có tủ lạnh, có thể cho vào túi nilon hoặc hộp sạch. Sau đó, ngâm vào chậu nước lạnh để bảo quản, nhưng không nên để quá lâu.

“Đối với khâu chế biến thức ăn, cần đảm bảo thực hiện cẩn thận, an toàn. Theo đó, hãy bắt đầu bằng việc sơ chế kỹ càng thực phẩm trước khi chế biến. Song song với đó, cũng cần ăn chín uống sôi, không để thức ăn đã được nấu chín lẫn thức ăn còn sống”, bác sĩ Dương Ngọc Vân khuyến cáo.

Theo chuyên gia này, đảm bảo giữ gìn vệ sinh sạch sẽ là một việc làm cần thiết. Muốn như vậy, người dân cần lau dọn sạch sẽ khu vực chế biến thức ăn, bếp nấu. Rửa tay thật sạch trước và sau khi chế biến thức ăn cũng như trước và sau khi dùng bữa. Đồng thời, các dụng cụ và đồ dùng được sử dụng trong quá trình chế biến thực phẩm cũng cần được vệ sinh kỹ.

Trong khi đó, nếu ăn ở nhà hàng, người dân cần lựa chọn nơi có sự đảm bảo về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt, các nhóm có rủi ro cao bị ngộ độc thức ăn càng cần thận trọng khi đi ăn uống bên ngoài vào dịp Tết hay bất cứ thời điểm nào khác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rafaelson được đồn đoán đã nhập tịch Việt Nam thành công.

Rafaelson nhập tịch thành công?

GD&TĐ - Theo nguồn tin đáng tin cậy, Nam Định FC đã đăng ký tiền đạo Rafaelson dưới dạng nội binh ở V-League 2024/25.

Nước ngập sâu, nhiều nơi ở huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn ngập 2-3m. Ảnh NVCC.

Sinh viên chung tay hướng về vùng lũ

GD&TĐ - Không chỉ những người trong tâm bão mất ngủ vì lũ lụt mà những sinh viên xa nhà cũng lo lắng, ngóng trông về gia đình và quê hương.