Không chỉ với trẻ nhỏ mà cả người lớn, những hàng ăn vặt, quán vỉa hè gần như đã là một điều gì đó rất gần gũi, quen thuộc. Theo các chuyên gia y tế, những hàng quán này là mối nguy có khả năng dẫn tới vụ ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là mùa Hè.
Bác sĩ Huỳnh Hoài Phương, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho biết, nhiệt độ cao là điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn, nấm mốc và nhiều tác nhân gây hại khác sinh sôi, phát triển nhanh chóng.
Đó là các vi khuẩn: E.coli gây bệnh đường ruột, tiêu chảy; Salmonella gây bệnh thương hàn; Shigella gây đau bụng, tiêu chảy, ngộ độc đường ruột; Staphylococcus aureus gây mủ ở vết thương…
Ở khoảng 32 - 43 độ C, nhiệt độ thường thấy trong mùa Hè, những vi khuẩn trên phát triển nhanh nhất, có thể nhân đôi chỉ sau 20 phút.
“Có thể dễ dàng bắt gặp trên phố các quầy bán thức ăn nhanh với đủ loại xúc xích, thịt nướng, thịt viên chiên, nem chua rán… các loại nước uống đóng chai hoặc tự chế biến như nước ép, sữa hạt… Các loại thực phẩm, nước giải khát này thường có giá rẻ, nhưng quy trình chế biến có được đảm bảo, nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng có rõ ràng hay không, thì người mua ít quan tâm”, bác sĩ Phương chia sẻ.
Số liệu thống kê từ Bộ Y tế cho thấy, trong tháng 3 năm nay, cả nước xảy ra 6 vụ ngộ độc thực phẩm. Trong đó, có 368 người bị ngộ độc. Tính chung quý I năm nay, cả nước xảy ra 16 vụ ngộ độc thực phẩm làm 659 người bị ngộ độc. Con số này tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, có 3 người tử vong.
Theo bà Đào Hồng Lan, Bộ trưởng Bộ Y tế, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm, bên cạnh các thành tựu đã đạt được, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm còn bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế.
Xuất hiện việc nhập lậu một số thực phẩm nguy hại, nhiều loại thực phẩm với hình thức kinh doanh mới (như kinh doanh, quảng cáo trên nền tảng xã hội đa quốc gia) khó quản lý. Năng lực hậu kiểm còn hạn chế; thiếu hụt lực lượng triển khai, nhất là ở cấp huyện, cấp xã.
Chưa ứng dụng được công nghệ thông tin trong quản lý an toàn thực phẩm. Thực trạng trên đã và đang đặt ra các yêu cầu mới cần đề cao trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền các địa phương, nhất là chính quyền cơ sở trong đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), các loại thực phẩm đều có thể là môi trường cho vi khuẩn gây bệnh phát triển. Các bếp ăn tập thể, bữa cỗ tập trung đông người như đám cưới, tiệc… đều tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm.
Để giảm nguy cơ ngộ độc thực phẩm khi hè tới, bác sĩ Nguyên lưu ý, người dân cần ăn chín (thức ăn không ôi, thiu, không để quá 2 giờ sau chế biến) và uống nước đã được đun sôi. Tuyệt đối không ăn thức ăn chưa nấu chín như tiết canh, nem chua, gỏi, thực phẩm đóng hộp quá hạn hoặc có hiện tượng phồng (có vi khuẩn sinh hơi, có thể là Clostridium botulinum).
Các loại quả tươi phải được ngâm vào nước sạch và rửa thật sạch trước khi ăn. Người dân không nên ăn rau sống, kể cả các loại rau ăn kèm trong nhân bánh mì, phở, bún chả, thịt nướng. Không nên ăn hoặc uống các loại thực phẩm nghi ngờ không đảm bảo vệ sinh như nước đá cây, nước mía bán vỉa hè, kem bán dạo.