“Bảng xếp hạng đại học”: Quá nhiều băn khoăn

GD&TĐ - Ngày 6/9/2017 có một nhóm chuyên gia độc lập xếp hạng ĐH đã đưa ra Bảng xếp hạng 49 trường ĐH của Việt Nam. Nhóm chuyên gia thực hiện xếp hạng các trường dựa trên 3 nhóm căn cứ, đó là: Nghiên cứu khoa học; GD&ĐT; Cơ sở vật chất (CSVC) - quản trị. 

“Bảng xếp hạng đại học”: Quá nhiều băn khoăn

Thoạt đầu, chúng tôi vô cùng mừng rỡ, bởi vì cuối cùng thì hoạt động xếp hạng các trường ĐH cũng đã được thực hiện tại Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi đọc kỹ, chúng tôi không khỏi có một số băn khoăn về tính khoa học của Bảng xếp hạng này.

Về các tiêu chí đánh giá nghiên cứu khoa học

Tiêu chí về Nghiên cứu khoa học chỉ dựa trên số liệu duy nhất là số lượng các bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI cùng các trích dẫn của các bài báo này.

Tiêu chí đánh giá như vậy không thể đầy đủ và khách quan do đã loại bỏ đi toàn bộ các sản phẩm nghiên cứu khoa học quan trọng khác như: Giáo trình, sách chuyên khảo, sách tham khảo, sách hướng dẫn và các đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, các bài báo đăng trên các tạp chí khoa học không thuộc danh mục ISI.

Thử hỏi liệu tất cả những trường được xếp thứ hạng rất cao trong Bảng xếp hạng này đã xây dựng được hệ thống các giáo trình và sách hướng dẫn của riêng mình phục vụ giảng dạy chưa? Các trường này đã có bao nhiêu đề tài nghiên cứu khoa học trực tiếp giải quyết các vấn đề thực tiễn cấp bách của Việt Nam?

Hơn thế nữa, nếu nhóm chuyên gia chỉ tính các bài báo được đăng trên các tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI thì đã vô tình loại bỏ đi bao nhiêu bài báo khoa học có giá trị được đăng tải ở các tạp chí chuyên ngành khác đang mang lại đóng góp vô cùng to lớn cho nền khoa học nước nhà và đang là nguồn tài liệu học tập chính yếu của SV Việt Nam?

Về tiêu chí đánh giá GD&ĐT

Tiêu chí này dựa trên chỉ số đánh giá là số SV đang theo học, số giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ trở lên và điểm thi đầu vào ĐH. Liệu các chỉ số đó đã mang tính toàn diện chưa? Liệu chất lượng đào tạo có thể đo được bằng các chỉ số về số lượng đó hay không? Liệu chỉ số về số lượng SV có thể hiện được chất lượng đào tạo hay chỉ góp phần cổ vũ cho cuộc chạy đua tăng nhanh chỉ tiêu đào tạo mà hy sinh chất lượng của các trường đang diễn ra hiện nay ở Việt Nam?

Ngay cả việc chỉ tính số lượng SV đang theo học cũng làm cho việc đánh giá bị lệch sang quy mô đào tạo chứ chưa thể hiện được bề dày lịch sử nhiều năm của các trường đầu đàn. Trong Đề án không hề nói rõ nhóm chuyên gia đã sử dụng và xử lý chỉ số chất lượng đầu vào của SV thông qua điểm thi đại hoc như thế nào trong bối cảnh 3 năm liên tiếp vừa qua có biến động liên tục về phương thức tuyển sinh vào ĐH?

Nhóm chuyên gia đã bỏ qua nhiều tiêu chí quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đào tạo (như chất lượng chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy, các hình thức tổ chức dạy – học, phương thức kiểm tra đánh giá…).

CSVC - quản trị và nguồn thông tin

Tiêu chí này dựa trên chỉ số số m2/ SV, số đầu sách/SV và chỉ số minh bạch thông tin. Liệu tiêu chí này đã bao quát được toàn bộ các điều kiện CSVC mà một trường cần phải đáp ứng chưa (như số lượng các thiết bị tin học và các thiết bị giảng dạy, nguồn tài chính dành cho nghiên cứu khoa học của SV…).

Tiêu chí này còn mang đến sự hoài nghi về tính công bằng giữa các trường đóng tại thành phố lớn với các trường tại các địa phương có mặt bằng rộng hơn nhiều lần. Tiêu chí này cũng không hề đề cập đến hiệu quả sử dụng CSVC ra sao (liệu các trường có diện tích rộng nhưng để phần nhiều trống thì vẫn có được kết quả xếp hạng cao?).

Về nguồn thông tin đánh giá, nhóm chuyên gia sử dụng thông tin từ các nguồn sau:

1) Báo cáo theo Quy chế Ba công khai của Bộ GD&ĐT, căn cứ Thông tư số 09/2009/TT-BGDĐT ngày 7/5/2009;

2) Website thông tin chính thức của trường;

3) Cẩm nang và số tay tuyển sinh hàng năm do Bộ GD&ĐT ban hành;

4) Thống kê trên trang web của các cục/vụ thuộc Bộ GD&ĐT;

5) Thông tin cung cấp trực tiếp bởi nhà trường.

Dễ dàng nhận thấy các nguồn nêu trên đều là các nguồn chưa được kiểm chứng bởi cơ quan kiểm định chất lượng GD. Chính nhóm chuyên gia cũng thừa nhận khó khăn trong việc thu thập thông tin, “gặp phải vấn đề thiếu số liệu chính xác” (Trang 19 của Đề án).

Cũng thật khó hiểu rằng tại sao khi nhóm chuyên gia không tự tin với nguồn thông tin phục vụ xếp hạng nhưng vẫn quyết định công bố kết quả xếp hạng?

Cách thức sử dụng thông tin như vậy cũng sẽ đem lại nhiều thiệt thòi cho các trường chậm cập nhật thông tin lên website. Nhóm chuyên gia có nêu là đã sử dụng nguồn “thông tin cung cấp trực tiếp bởi nhà trường”, tuy nhiên liệu có bao nhiêu trường trong số 49 trường trong Bảng xếp hạng được nhóm chuyên gia liên hệ trực tiếp để xin số liệu?

Để chứng thực cho nguồn thông tin phục vụ xếp hạng của mình thì nhóm chuyên gia nên công bố toàn bộ các thông tin thu thập được của 49 trường này để chính các trường đó và toàn xã hội xác nhận lại.

Mơ hồ cách hiểu về một cơ sở GD ĐH

Trong 49 trường được xếp hạng, nhóm chuyên gia đã đưa cả các ĐH Quốc gia vào ngang hàng với các trường ĐH khác. Ở Việt Nam hiện nay các ĐH Quốc gia được xem như là một cấp quản lý, chứ không phải là một cơ sở đào tạo, bởi lẽ trong một ĐH Quốc gia có gồm nhiều trường thành viên. Việc cộng dồn thành quả của nhiều trường thành viên vào một để coi là thành tích của một “cơ sở đào tạo” sẽ không thỏa đáng và gây thiệt thòi cho các trường khác ngoài ĐH Quốc gia.

Ngay như hoạt động kiểm định chất lượng cơ sở GD ĐH mà hiện nay Việt Nam đang thực hiện vẫn đang kiểm định riêng đối với từng trường thành viên của ĐH Quốc gia chứ không tính gộp chung cả ĐH Quốc gia như vậy.

Từ những vấn đề trên, câu hỏi đặt ra là dường như năng lực thực sự của nhóm chuyên gia này, đặc biệt là năng lực chuyên môn về kiểm định chất lượng GD, đang có sự thiếu hụt.

Liệu các chuyên gia này đã được đào tạo chuyên môn về kiểm định chất lượng GD chưa? Đã có kinh nghiệm về kiểm định chất lượng giáo dục như thế nào rồi? Tên các cơ sở đào tạo uy tín của nước ngoài gắn sau mỗi tên của từng người thuộc nhóm chuyên gia thể hiện nơi công tác hay nơi được đào tạo/bồi dưỡng của các chuyên gia đó?

Để xã hội có thêm niềm tin vào kết quả xếp hạng, nhóm chuyên gia này cũng nên công bố công khai và chi tiết các thông tin về trình độ chuyên môn của mình. Nhiều ý kiến còn đặt cả vấn đề liệu nhóm chuyên gia đó đã được hình thành theo phương thức nào? Có mang tính đại diện không? Có thực sự khách quan khi thực hiện Đề án này không?

Việc nhóm chuyên gia công bố kết quả xếp hạng đã gây bất ngờ lớn đối với xã hội. Với các tiêu chí chưa thực sự khách quan, chưa hợp lý và với các nguồn thông tin chưa được kiểm chứng như phân tích ở trên thì kết quả xếp hạng đã/đang và sẽ còn tiếp tục gây nhiều tranh cãi.

Việc các phương tiện thông tin đại chúng đồng loạt đưa lên Bảng xếp hạng này sẽ gây ảnh hưởng như thế nào đến nhìn nhận của xã hội? Ảnh hưởng thế nào đến quyền lợi chính đáng của các trường? Ảnh hưởng thế nào đến quá trình kiểm định chất lượng cơ sở GD ĐH đang được thực hiện tại Việt Nam? Từ những câu hỏi đó lại dẫn đến câu hỏi khác bao trùm: Mục đích thực sự của “Bảng xếp hạng” này là gì? Điều này, có lẽ chỉ có nhóm nghiên cứu mới trả lời được.

Thiết nghĩ, Bộ GD&ĐT cần có tiếng nói kịp thời về vấn đề này, và cần thiết phải đề ra quy trình đăng tải các xếp hạng tiếp theo để các kết quả xếp hạng bất hợp lý đó không làm ảnh hưởng xấu đến GD&ĐT nước nhà. Xã hội cũng đang đón chờ các ý kiến nhận xét về Bảng xếp hạng này từ các Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục của Việt Nam - nơi tập trung các chuyên gia hàng đầu về kiểm định chất lượng GD của Việt Nam và cũng là nơi mà người dân đang đặt nhiều niềm tin và kỳ vọng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ