Rạng sáng 1/3, ba tổ công tác liên ngành đã lên đường tới Ai Cập và một số nước lân cận Libya, để hỗ trợ việc đưa công dân Việt Nam tại các nước Trung Đông, Bắc Phi sơ tán về nước.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đoàn Xuân Hưng (ở giữa) trả lời phỏng vấn báo chí trước khi lên máy bay đi Cairo. |
Tổ công tác đi Tunisia làm nhiệm vụ tiền phương do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đoàn Xuân Hưng làm Trưởng đoàn; tổ công tác đi Ai Cập do Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Hòa làm Trưởng đoàn; tổ công tác đi Malta do Trưởng phòng Quản lý Lao động ngoài nước (Cục Quản lý Lao động ngoài nước, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) Nguyễn Bá Hải làm trưởng đoàn.
Trước khi khởi hành chuyến công tác, tại Sân bay Quốc tế Nội Bài, Thứ trưởng Ngoại giao Đoàn Xuân Hưng cho biết về mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch thực hiện chuyến công tác.
- Xin Thứ trưởng cho biết Kế hoạch của đoàn công tác khi sang đến Cairo (Ai Cập)?
Thứ trưởng Đoàn Xuân Hưng: Ngay khi đến Cairo, chúng tôi sẽ làm việc ngay với Đại sứ Việt Nam tại Cairo để nắm tình hình anh chị em lao động Việt Nam tại Ai Cập, cũng như Tunisia, để có biện pháp xử lý thích hợp.
Hiện nay, việc liên lạc với Tunisia cực kỳ khó khăn, gần như là không liên lạc được. Việc quan trọng nhất mà Nhà nước giao là bằng mọi cách để sơ tán một cách an toàn, có trật tự tất cả anh chị em lao động Việt Nam ra khỏi Lybia.
Những người đã rời khỏi Libya rồi thì chúng ta phối hợp với các đối tác để đưa hết anh chị em về nước. Những người còn trong tình trạng khó khăn hơn, đang ở Libya, thì chúng ta nắm số lượng đó, để sơ tán anh chị em ra khỏi Libya càng nhanh càng tốt. Đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn vì trong tình hình hiện nay, trong nội bộ Libya đang căng thẳng, mà việc liên lạc với cơ quan đại diện, với anh chị em lao động Việt Nam, với các đối tác rất khó khăn.
Chúng tôi sẽ tiến vào càng sát biên giới Tunisia càng tốt và sẽ tìm cách để kết nối liên lạc với các cán bộ sứ quán, với người lao động, đồng thời liên lạc với các tổ chức quốc tế, các nước lân cận để nhờ giúp đỡ.
Hiện nay, số anh chị em rời khỏi Libya về nước đã khá lớn và theo kế hoạch từ nay đến ngày 2/3, số lượng lao động được di dời sẽ lên đến khoảng 7.000-8.000 người, như vậy có thể hình dung số lượng lao động còn kẹt lại, chưa có kế hoạch cụ thể là khoảng 2.000-3.000 người. Vấn đề của chúng ta là nắm được số đó và bằng những cách thức khác nhau, di tản người lao động ra khỏi Libya càng nhanh càng tốt.
Chuyến chuyên cơ này sẽ sang đón anh chị em lao động đang ở Ai Cập, đồng thời trên cơ sở nắm tình hình tại chỗ, chúng tôi sẽ trao đổi, thống nhất với nhau và báo về trung tâm để xử lý, xem điểm nào là điểm tiếp theo. Tôi hình dung, điểm tiếp theo có lẽ là Tunisia vì nơi đó chúng ta không có cơ quan đại diện và cũng rất gần Tripoli (Libya). Nếu điểm đó khai thông được thì những anh chị em còn bị kẹt di chuyển đến đó cũng nhanh hơn.
-Hiện nay người Việt sơ tán sang không chỉ một vài nước, mà ở rất nhiều nước. Công tác di tản vì vậy cũng rất khó khăn. Vậy trên đường đi, đoàn công tác đã có kế hoạch như thế nào để di tản hết công dân Việt Nam ra khỏi những nước này?
Thứ trưởng Đoàn Xuân Hưng: Theo tôi nhớ, đây là một trong những đợt phải sơ tán người lao động Việt Nam ở nước ngoài, lớn nhất từ trước đến nay và trong thời gian hết sức khẩn trương. Chính phủ đã vào cuộc một cách nhanh chóng, Thủ tướng đã triệu tập ngay một cuộc họp bàn cách giải quyết vấn đề này và trước đó các bộ, ngành đã phối hợp với nhau để làm tất cả những biện pháp có thể.
Ban chỉ đạo giải quyết vấn đề này đã được thành lập ngay tức thì và đã tiến hành họp ngay trong những ngày nghỉ, liên tục đưa ra những biện pháp xử lý kịp thời. Trước hết, đối với những điểm mà bà con mình đã tập trung ở đó thì chúng ta cử ngay các đoàn đến để nắm tình hình, phối hợp với các đối tác, các nước sở tại để sơ tán càng nhanh càng tốt. Những người có vé rồi thì chờ vé về, những người chưa có vé thì chúng ta xác định số lượng, tổ chức cho họ nghỉ ngơi, nếu số lượng đông, xét thấy cần thiết thì chúng ta cử hoặc thuê máy bay để chở họ về.
Việc quan trọng hiện nay là dành ưu tiên cao để sơ tán tất cả những người còn kẹt ở Libya ra khỏi địa bàn này. Những người đã ra khỏi Libya rồi, tình trạng có thể khó khăn, thiếu thốn, nhưng cũng đã an toàn hơn so với những người còn bị kẹt lại. Không chỉ các cơ quan trong nước phối hợp chặt chẽ với nhau để xử lý vấn đề này, mà chúng ta còn phối hợp với các tổ chức quốc tế, làm việc ngay với Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), đề nghị họ cho biết những địa chỉ liên lạc và có những hỗ trợ cần thiết.
Chúng ta cũng đã liên lạc với các nước lân cận để họ bằng mọi cách giúp đỡ chúng ta. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm cũng đã có thư gửi Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN có nhiều lao động ở đây, đề nghị họ trong quá trình sơ tán người lao động của họ cũng phối hợp với Việt Nam, thông tin cho chúng ta. Đó là những biện pháp mà chúng ta làm rất quyết liệt, đồng thời, ở ngay tại chỗ, các Đại sứ quán cùng với anh chị em, các doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ với nhau để nắm thông tin và hỗ trợ lẫn nhau.
Đây là tình cảm tương thân tương ái, Nhà nước quan tâm, nhưng đồng thời tại chỗ thì chúng ta lao vào để giúp người lao động chúng ta thoát khỏi tình cảnh hiện nay. Cho đến nay, điều rất mừng là chưa có thông tin gì về thương vong, hy vọng là chúng ta tránh được mức tối đa những thương vong không cần thiết.
Dù có thể khó khăn, chờ đợi, dù có phải đi đường xa trong hoàn cảnh phải sơ tán, thì bằng mọi cách là chúng ta cũng sẽ sơ tán hết bà con chúng ta ra khỏi Libya, đó là nguyện vọng chung mà chúng tôi lĩnh hội được từ Ban chỉ đạo. Không chỉ Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, tất cả các đơn vị có liên quan, trong nước, cũng như ngoài nước, chúng ta đang phối hợp chặt chẽ với nhau để giải quyết tốt nhất vấn đề này.
- Trong Đoàn công tác có mang theo khoảng 10 tấn lương thực và các nhu yếu phẩm cần thiết khác, vậy việc trợ giúp người lao động dự kiến sẽ được thực hiện như thế nào, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Đoàn Xuân Hưng: Thực sự mà nói, cần thiết là những cái gì thì chúng ta cũng không tính hết được. Trong điều kiện phải sơ tán như thế, có người bị đói, có người bị thất lạc hành lý, một mỏi, ốm đau, nên mang được cái đi thì chúng ta cố gắng mang. Điều đầu tiên có thể nghĩ đến là lương thực thực phẩm, những người ốm đau cũng phải có thuốc men để hỗ trợ... Từ mỳ ăn liền, bánh chưng, chúng ta đã chuẩn bị một khối lượng đáng kể. Khi sang đến nơi, trên cơ sở thực tế, chúng tôi sẽ khuyến nghị về nước, tiếp theo có thể mang thêm những cái gì nữa.
Nhưng cho đến nay, các nơi sứ quán báo về, nhìn chung các nước sở tại cũng rất nhiệt tình hỗ trợ chúng ta và rất mừng là ngay ở Libya, trong cảnh hỗn loạn như thế, nhiều người rất lo sợ, kể cả lo sợ đến tính mạng của mình, nhưng vẫn tạo điều kiện cho người lao động Việt Nam. Như vậy có thể thấy tình cảm của nhân dân thế giới đối với Việt Nam; hy vọng rằng trên cơ sở mối quan hệ tốt đẹp vốn có, thì nhân dân các nước, kể cả nhân dân Libya, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho anh chị em lao động Việt Nam có thể về nước an toàn./.
(TTXVN/Vietnam+)