Tản văn:

Bâng khuâng mùa cấy

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Quê tôi là một vùng nông thôn yên tĩnh, nằm lọt thỏm trong cái lòng chảo mà bốn bề được bao bọc bởi triền đê xanh.

Ảnh minh họa: ITN
Ảnh minh họa: ITN

Gió từ dòng sông mênh mông, từ những cánh đồng bát ngát thổi vào làng mát rượi. Tôi lớn lên với bờ bãi, ruộng đồng, với những chiều đàn đúm cùng đám bạn trong xóm đi thả diều, bắt châu chấu, chăn bò, cắt cỏ... Và Tết xong, chúng tôi theo mẹ vào vụ cấy, lòng khấp khởi hi vọng về một vụ mùa bội thu, sẽ được sắm sanh quần áo mới, sách vở mới cho năm học mới.

Mùa cấy cho vụ chiêm thường bắt đầu sau Tết, khi gió Xuân ấm áp đưa những đàn chim én chao liệng trên bầu trời đón mừng nắng mới. Nước đổ ải tràn về cánh đồng trắng xóa. Nhà tôi gần mẫu ruộng nhưng có đến hơn chục mảnh nằm rải rác khắp cánh đồng nên bố phải be bờ, san phẳng những mấp mô sau khi công đoạn cày bừa xong xuôi. Mẹ con tôi cùng các bà, các cô, các chị lúi húi nhổ mạ non, bó thành từng bó, quẩy gánh sang ruộng cấy.

Hết ruộng này sang ruộng khác, màu xanh non sẽ phủ dần cánh đồng rộng lớn. Chẳng cần chăng dây, bàn tay mẹ và các bác nông dân nhanh thoăn thoắt, giúi những nhánh mạ xuống bùn non, thẳng hàng tăm tắp. Thi thoảng, mọi người lại ngẩng lên, đứng thẳng cho giãn cái lưng ra và trêu chọc, tán gẫu, hát ghẹo. Những chuỗi cười lanh lảnh, rộn vang khắp cánh đồng, xua đi bao mệt nhọc, vơi đi bao mồ hôi.

Tôi cấy một hàng ngắn, bám từng hàng lúa mẹ đã hoàn thành và càng ngày mẹ càng bỏ xa. Dần dà, sau mỗi mùa cấy, tốc độ của tôi nhanh hơn, thuần thục hơn dù tôi chẳng xác định sẽ theo nghề làm ruộng. Tôi đi cấy, học cấy để đỡ đần bố mẹ phần nào, để thấu hiểu nỗi vất vả, nhọc nhằn của người nông dân khi làm ra hạt gạo. Nhiều lần bị đỉa bu vào bắp chân, cắn ngọt sớt, máu chảy ròng ròng, tôi thét lên, chạy đến bên bố nhờ bố gỡ con đỉa ra, nước mắt chan hòa. Trong lòng tôi luôn khao khát thoát ra khỏi cái làng quê nghèo, gần đê xa đường nhựa ấy. Tôi khao khát thoát khỏi cái cảnh chân lấm tay bùn, thoát khỏi cái cảnh bán mặt cho đất bán lưng cho giời như cuộc đời của bà tôi, mẹ tôi và bao người phụ nữ khác ở cái vùng quê hẻo lánh này.

Ảnh minh họa: ITN

Ảnh minh họa: ITN

Thế rồi ước mơ của tôi trở thành hiện thực, tôi lên thành phố học, thoát li “nhà quê” và ruộng đồng. Tôi trở thành “người Nhà nước”, thành người “thoát li”. Mỗi khi nghỉ Hè, mỗi dịp nghỉ lễ hay những ngày cuối tuần, dù mẹ không khiến nhưng tôi vẫn nằng nặc đòi theo chân mẹ ra đồng. Tôi thèm cái cảm giác được thoát khỏi phố phường ồn ã, bụi bặm và ngột ngạt. Tôi thèm được hít thở bầu không khí trong lành của đồng quê, được sục bàn tay xuống bùn non mềm mịn và mát rượi. Móng tay, móng chân hồng hào của tôi chỉ sau một ngày sục bùn cấy lúa thành vàng khè. Lưng tôi đau nhừ, mặt tôi nặng trĩu nhưng nhìn thành quả là một ruộng lúa non xanh rì, tôi thở phào nhẹ nhõm, thấy thương mẹ hơn, thấy yêu đồng quê của mình hơn.

Nhưng thời gian đã làm mọi thứ đổi thay đến không ngờ. Quá trình đô thị hóa tràn về khắp thôn cùng ngõ hẻm. Làng tôi dần lên phố. Đường nhựa thênh thang chạy qua cánh đồng khiến những ruộng lúa mênh mông bị cắt chia, thu hẹp. Những công ty liên doanh mọc lên ở hai bên đường cái. Con gái, con trai lớn lên nếu không đi học đại học thì cũng đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài hoặc vào làm trong công ty.

Mẹ bảo, bây giờ mấy ai còn cấy lúa, một tháng lương công nhân có mà đong gạo ăn cả năm, tội gì phải lấy công làm lãi. Mẹ tiếc, mẹ thở dài, mẹ ước ao giá mình còn sức thì sẽ xin hết ruộng hoang để cấy. Nhưng mẹ mỗi năm một già, một yếu hơn, cái lưng đau hơn. Mẹ chẳng thể lấp đầy mạ non cho những mảnh ruộng trơ cằn. Mẹ chỉ giữ lại hai sào để “làm cho vui”, để cả nhà được ăn gạo sạch.

Mùa cấy bây giờ chẳng đông đúc, nhộn nhịp như xưa, chỉ lác đác vài bóng nón trắng nhấp nhô đang gieo những chồi non hi vọng bởi cánh đồng quê tôi cứ nhỏ dần theo năm tháng, nhường chỗ cho những ngôi nhà cao tầng san sát mọc lên. Đường ra đồng đã bê tông hóa, chẳng nhầy nhụa bùn đất như thuở nào nhưng cũng không tìm thấy cỏ gà mà chọi. Mẹ thuê hết từ A đến Z nên tôi không phải nhúng tay xuống bùn, lòng nơm nớp sợ đỉa bám chân như những mùa cấy tuổi thơ. “Phố làng” tôi ngày càng sầm uất, chẳng thiếu thứ gì nhưng sao lòng tôi vẫn bâng khuâng mùa cấy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thủ môn Quan Văn Chuẩn thận trọng trước trận gặp U23 Iraq.

U23 Việt Nam 'đọc vị' U23 Iraq

GD&TĐ - Trước trận so tài với U23 Iraq ở tứ kết U23 châu Á, thủ môn đội trưởng U23 Việt Nam Quan Văn Chuẩn tỏ ra khá thận trọng.