Bằng chứng về sự lây nhiễm Covid-19 từ động vật sang người

GD&TĐ - Hơn 100 con chồn bị nhiễm SARS-CoV-2 đã trốn thoát khỏi các trang trại lông ở Đan Mạch, gia tăng nguy cơ lây lan virus Corona sang động vật hoang dã, tạo ra một ổ chứa virus mới, theo The Guardian đưa tin.

Bằng chứng về sự lây nhiễm Covid-19 từ động vật sang người

Sten Mortensen, quản lý nghiên cứu thú y tại Cục Quản lý Thực phẩm và Thú y Đan Mạch, cho biết: “Cứ mỗi năm lại có vài nghìn con chồn xổng chuồng” và năm nay ước tính khoảng 5% số động vật trốn thoát có thể đã bị nhiễm SARS-CoV-2.

Những con chồn này có thể lây lan virus Corona sang động vật hoang dã, ngay cả khi hàng triệu con chồn vẫn còn trong các trang trại đang được thanh trừng để ngăn chặn sự lây lan của virus.

Sau khi vài trăm trang trại báo cáo về việc chồn nhiễm SAR-CoV-2, chính phủ Đan Mạch đã ra lệnh tiêu hủy tất cả chồn trong nước để ngăn chặn dịch bệnh lây lan thêm, theo Live Science đưa tin trước đó.

Các cơ quan y tế phát hiện rằng trong khi lưu hành trong cơ thể chồn, virus đã tiếp nhận các đột biến di truyền và virus đột biến này đã lây lan từ chồn sang một số ít người. Các nhà chức trách lo ngại rằng nếu virus đột biến lây lan sang nhiều người hơn, nó có thể khiến vắc-xin Covid-19 trở nên kém hiệu quả.

Các chuyên gia tỏ thái độ nghi ngờ về tuyên bố này, lưu ý rằng không có đủ bằng chứng cho thấy virus đột biến sẽ kháng vắc-xin. Ngoài ra, chính phủ Đan Mạch không thể ra lệnh hợp pháp cho nông dân tiêu hủy những con vật vẫn còn khỏe mạnh, theo The Associated Press đưa tin.

Tuy nhiên, bất chấp tính hợp pháp đáng ngờ của lệnh, hơn 10 triệu trong số khoảng 17 triệu con chồn của Đan Mạch đã bị tiêu hủy.

Không có trường hợp mới nào về virus chồn đột biến được phát hiện trong hai tuần qua nhưng hiện tại, các nhà chức trách cảnh báo rằng virus này có thể vẫn đang lây lan trong tự nhiên, ngoài sự chú ý của chúng ta.

Nhìn chung, chồn là “những sinh vật sống đơn độc”, vì vậy nguy cơ chúng lây lan virus sang các động vật khác có thể thấp, Mortensen lưu ý.

Các động vật có nguy cơ lây nhiễm cao, chẳng hạn như mèo và các thành viên của gia đình chồn, rất có thể bị nhiễm virus khi ăn phải chồn nhiễm bệnh hoặc tiếp xúc với phân của chúng, ông nói.

Ví dụ như quần thể hoang dã của mèo sào châu Âu (Mustela putorius), họ hàng gần với chồn hương và chồn nâu, có thể được tìm thấy ở Đan Mạch, theo một báo cáo trên Tạp chí Động vật học.

Marion Koopmans, Trưởng phòng khoa học virus tại Đại học Erasmus ở Rotterdam, Hà Lan cho biết, nếu sự lây lan ở động vật hoang dã không được kiểm soát, virus có thể tiếp tục lưu hành trong các loài khác nhau và gây ra “mối đe dọa đại dịch vĩnh viễn đối với con người và động vật”.

Một khả năng khác từ sự lưu hành của virus ngoài hoang dã là nó có thể đột biến để lây nhiễm sang nhiều loài động vật hơn hiện tại, Joanne Santini, nhà vi sinh vật học tại Đại học London nói với The Guardian.

Hà Lan, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Hoa Kỳ đều đã báo cáo về các ca nhiễm SARS-CoV-2 ở chồn nuôi và kết quả là đã thực hiện tiêu hủy hàng nghìn con. Theo The Guardian, vắc-xin virus Corona cho chồn hiện đang được phát triển ở Hoa Kỳ, nhằm bảo vệ động vật và ngành công nghiệp nuôi chồn.

Nhưng đại diện của Humane Society International lập luận rằng, tất cả chồn nuôi nên được tiêu hủy và giải thể ngành công nghiệp, vừa để ngăn chặn sự đau khổ cho loài động vật vừa giảm nguy cơ đại dịch trong tương lai.

Theo Livescience

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ