Theo các nhà nghiên cứu từ NASA và Trung tâm dữ liệu băng tuyết quốc gia Hoa Kỳ (NSIDC), kích thước băng Bắc Cực đã giảm xuống còn 4,4 triệu km2 vào mùa hè năm nay. Đây là mức tối thiểu thấp thứ 4 kể từ khi vệ tinh bắt đầu được sử dụng để quan sát độ bao phủ của băng vào năm 1979.
Các nhà khoa học cũng cho biết băng tan với tốc độ tương đối chậm vào tháng 6, tháng mà thông thường Bắc Cực nhận được nhiều ánh sáng mặt trời nhất. Tuy nhiên, tốc độ băng tan bắt đầu tăng trên mức trung bình vào tháng 7 và kéo dài đến tháng 8, trong khi vào những năm trước tốc độ tan của băng đã bắt đầu giảm từ thời điểm này.
NASA cho biết kích thước băng Bắc Cực tối thiểu đã giảm từ cuối những năm 1970 do hiện tượng nóng lên toàn cầu, và bắt đầu trở nên nghiêm trọng kể từ năm 1996. 10 mức tối thiểu thấp nhất đã được ghi nhận trong vòng 11 năm qua.
Ảnh: NASA
Từng là một tảng băng nguyên khối tăng giảm diện tích theo mùa, mũ băng Bắc Cực dần bị phân mảnh do nhiệt độ nước tăng lên. Việc phân mảnh thậm chí càng đẩy nhanh tốc độ tan chảy làm nước biển luồn lách bên dưới lớp băng và thậm chí băng tan từ bên trong.
Sau một tháng 8 nóng hơn mọi năm, một “lỗ hổng” lớn đã xuất hiện trong các tảng băng nổi trên biển Beaufort và Chukchi, khiến nước biển hấp thụ nhiều hơn năng lượng từ mặt trời và càng đẩy nhanh tốc độ tan chảy. Mức băng tối thiểu khu vực này năm nay là 1,8 triệu km2, thấp hơn mức trung bình trong khoảng 1981 – 2010.
Nguồn: NSIDC
Diện tích độ bao phủ băng tối thiểu chính là lời cảnh báo về tốc độ tiến tới cuộc khủng hoảng khí hậu không thể ngăn chặn. Tuy nhiên, thay vì sử dụng dữ liệu trên để có những hành động thiết thực, chính quyền Mỹ lại đang cho phép Tập đoàn Shell khai thác dầu khí trên nền băng đang tan chảy tại Bắc Cực.