Dồn dập triển lãm
Sáng ngày 20/2, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức buổi phát động và truyền thông về các hoạt động triển lãm mỹ thuật đặc sắc trong năm 2020. Theo đó, năm 2020 cục này sẽ chủ trì tổ chức dồn dập tới 2 cuộc triển lãm, một festival quy mô toàn quốc và quốc tế.
Festival Mỹ thuật trẻ 2020 là sự kiện mở đầu sẽ được khai mạc vào tháng 6 tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Đây là sân chơi được tổ chức lần thứ 4, dành cho các nghệ sĩ trẻ Việt Nam có độ tuổi từ 18 - 35. Mỗi nghệ sĩ có thể gửi tác phẩm (đề tài tự do, được sáng tác trong khoảng thời gian 2018 - 2020) tới cục từ ngày 23 - 26/3.
Nối tiếp đó, đến tháng 8 là Triển lãm Tranh đồ họa các nước ASEAN lần thứ 3 sẽ được khai mạc. Những tác phẩm đồ họa được giới thiệu đến công chúng ở triển lãm chính là các tác phẩm được các họa sĩ đến từ các nước ASEAN sáng tác từ năm 2017 đến nay đã xuất sắc giành giải thưởng cũng như được chấm chọn từ cuộc thi cùng tên (phát động từ đầu năm nay).
Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam là hoạt động khép lại sẽ được khai mạc vào tháng 11. Điểm mới của triển lãm lần này là lần đầu tiên mở rộng đối tượng tham gia khi không chỉ có các họa sĩ, nhà điêu khắc Việt Nam trong nước mà còn có cả họa sĩ, nhà điêu khắc là Việt kiều ở nước ngoài (từ 18 tuổi trở lên). Ngoài ra, đây còn là triển lãm cuối cùng tổng kết hoạt động sáng tạo nghệ thuật của giới mỹ thuật trong vòng 5 năm (2016 - 2020).
Theo ông Vi Kiến Thành – Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Ban tổ chức sẽ cố gắng mời Hội đồng nghệ thuật Festival Mỹ thuật trẻ 2020 làm sao trẻ hơn hội đồng nghệ thuật Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam. Đấy là những người đang có tư duy, hoạt động nghệ thuật gần gũi với nghệ sĩ trẻ để từ đó có được sức trẻ, sức tươi mới trong việc đánh giá nhìn nhận các tác phẩm tham gia festival. Với Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam, dự kiến sẽ có 3 hội đồng nghệ thuật (được phân định một cách tương đối). Còn hội đồng nghệ thuật Cuộc thi và Triển lãm Tranh đồ họa các nước ASEAN thì ngoài 9 thành viên là các nhà chuyên môn có uy tín nghề nghiệp về đồ họa tranh in của Việt Nam, còn có 2 nhà đồ họa đến từ Thái Lan và Nhật Bản.
Không có... địa điểm trưng bày?
Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Triển lãm và Nhiếp ảnh đã đặc biệt chia sẻ về chuyện cục này đang rất đau đầu trong việc tìm địa điểm trưng bày Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2020. Theo ông Vi Kiến Thành, sau khi Trung tâm Triển lãm Hội chợ Việt Nam (Triển lãm Giảng Võ) không còn, ở Hà Nội không có địa điểm nào có đủ điều kiện để đáp ứng được những yêu cầu của một Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam mang quy mô toàn quốc.
Thực ra, Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam (Triển lãm Vân Hồ) vẫn được cho là địa điểm duy nhất ở Hà Nội đủ quy mô về diện tích để trưng bày. Thế nhưng, trung tâm này lại không đáp ứng được những yêu cầu về kỹ thuật dành riêng cho một triển lãm mỹ thuật.
Ông Vi Kiến Thành cho rằng, ở Việt Nam, các nhà triển lãm được xây dựng để phục vụ cho các triển lãm chung chứ chưa có điều kiện nghĩ đến việc xây dựng nhà triển lãm dành riêng cho một chuyên ngành nào đó như mỹ thuật hay nhiếp ảnh. Vì là nhà triển lãm chung nên tất cả các bức tường của Triển lãm Vân Hồ được thiết kế toàn là tường kính.
Theo như giải thích từ đơn vị quản lý, khi đó, nhà triển lãm mới đủ ánh sáng thậm chí bằng việc dùng ánh sáng tự nhiên sẽ tiết kiệm được... điện. Thế nhưng, nếu trưng bày triển lãm mỹ thuật ở đây thì gặp ngay bất cập: Tranh treo trên tường kính sẽ rất khó xem vì bị ngược sáng.
Ở những lần triển lãm trước, khi tổ chức trưng bày tại Triển lãm Vân Hồ, cục này đã phải đóng lại toàn bộ hệ thống tường giả để che tường kính với một khoản kinh phí không nhỏ. Tuy nhiên, được biết năm nay cục tổ chức liên tiếp các sự kiện lớn với khối lượng công việc tăng gấp rưỡi, gấp đôi song kinh phí lại ít hơn so với năm 2019 nên khó có thể đóng được tường giả.
“Chúng tôi rất đau đầu để tìm địa điểm trương bày cho Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2020. Có hai phương án được đưa ra: Nếu không trưng bày ở Triển lãm Vân Hồ thì phải tính phương án trưng bày ở 3 địa điểm khác nhau. Khi đó, việc tổ chức cải tạo thế nào cho từng địa điểm trưng bày cũng không đơn giản. Còn nếu vẫn trưng bày ở Triển lãm Vân Hồ thì không khéo đến ngày khai mạc mà vẫn phải tổ chức một triển lãm không có tường giả để che kính vì không có tiền để mà đóng. Có lẽ cũng phải tính đến việc tổ chức một buổi riêng để mời các nhà thiết kế nội thất đến... “giải cứu” cho cục. Mong là, việc huy động sức sáng tạo của các nhà nội thất sẽ tìm ra được giải pháp mà giải quyết được việc không có tiền đóng tường giả song vẫn có thể... che tường kính. Việc tìm kiếm địa điểm trưng bày đang là một thách đố cho cục” – ông Vi Kiến Thành bày tỏ.
Ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật Việt Nam