Bán rượu bia theo giờ: Mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng

GD&TĐ - Bộ Y tế đang lấy ý kiến về dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, trong đó có nội dung quy định về địa điểm, thời gian bán bia, rượu. Việc mua bán này có thể sẽ bị cấm từ 22 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau. Bộ Y tế cho rằng, điều này là không bất cập với các quy định về luật của quốc tế.

Bán rượu bia theo giờ: Mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng

Sau 22 giờ cấm bán rượu bia?

Trong dự thảo Luật Phòng chống tác hại rượu bia, Bộ Y tế đề xuất ba phương án được phép bán rượu, bia gồm:

Phương án 1: Chỉ được bán rượu, bia từ 11 giờ – 14 giờ và 17 giờ – 22 giờ hằng ngày, trừ trường hợp bán rượu, bia tại khu vực bay quốc tế và các khu vực, tuyến phố chuyên kinh doanh ẩm thực, giải trí, du lịch; Phương án 2: Được bán từ 6 giờ – 22 giờ hằng ngày;

Phương án 3 là thời gian không được bán rượu, bia thực hiện theo lộ trình quy định của Chính phủ. Điều này đồng nghĩa với việc mua bán rượu bia có thể sẽ được thực hiện theo giờ và sau 22 giờ các hoạt động mua bán rượu bia sẽ bị cấm.

Theo TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia đã được họp lấy ý kiến rất nhiều lần và dự kiến sẽ trình Quốc hội vào kỳ họp thứ năm diễn ra vào tháng 10/2018.

Về các phương án hạn chế giờ bán rượu bia, ông Quang cho biết, Việt Nam không phải là quốc gia đầu tiên quy định mà đã có nhiều nước thực hiện rất thành công. “Thái Lan là quốc gia đứng thứ nhất, trên Việt Nam về lượng tiêu thụ rượu bia. Nhưng họ cũng đã quy định chỉ bán rượu bia vào giờ ăn trưa và ăn tối, còn ngoài giờ ăn thì không được bán. Các nước khác không cho phép bán vào giờ khuya, từ 22 giờ - 23 giờ trở đi, trừ một số địa điểm”, đại diện Ban soạn thảo cho hay.

Cũng theo lý giải của Vụ trưởng Vụ Pháp chế, các nghiên cứu cho thấy, 20 giờ - 24 giờ là lúc cơ địa con người cần nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động thì chúng ta lại vui chơi và uống chất kích thích. Điều này nếu tích lũy lâu dài sẽ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, đặc biệt tác động lớn đến hệ thần kinh, hệ tiêu hóa, hô hấp và tim mạch.

Uống rượu bia vào giờ đó mà tiếp tục tham gia giao thông thì có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Một ví dụ điển hình về tác hại của việc uống rượu bia sau 22 giờ là sự việc người lái xe bán tải đã kéo lê xe máy hàng trăm mét trên phố Ô Chợ Dừa (Hà Nội) diễn ra ngày 11/4 vừa qua. Do đó dự thảo cũng đưa ra phương án cấm bán rượu sau 22 giờ.

Thành phố du lịch ở ngoài “vùng cấm”

Đại diện Bộ Y tế cũng cho biết dự thảo đang ở giai đoạn lấy ý kiến, trong đó có Hiệp hội Sản xuất rượu bia, các doanh nghiệp kinh doanh rượu bia, các nhà hàng, và đặc biệt là của các chị em phụ nữ, các bà mẹ, vợ trong gia đình. “Trước những ý kiến thu nhận được, Ban soạn thảo sẽ phân tích những ưu, nhược điểm, sau đó chọn một phương án được nhiều sự đồng thuận nhất và tiếp tục xin ý kiến của Bộ Tư pháp, Chính phủ rồi mới trình Quốc hội” - ông Quang nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Vụ trưởng Vụ Pháp chế cũng cho biết, dự thảo Luật cũng linh hoạt và mềm dẻo để các thành phố, các vùng du lịch, quán bar, nhà hàng tùy theo điều kiện của địa phương có những ngoại lệ, có thể mở đến 0 giờ hoặc 2 giờ sáng. Đồng thời, dự thảo Luật chỉ quy định phạt người bán chứ không phạt người mua, và khi đã là quy định của Nhà nước thì người dân phải tuân thủ và chấp hành, chứ không phải tự do cá nhân. Nếu không chấp hành thì không còn gọi là trật tự pháp luật nữa.

Khi dự thảo Luật được đưa ra, một số ý kiến cũng quan tâm đến tính khả thi của việc thực hiện, chẳng hạn, việc quy định bán rượu, bia theo giờ có được thực hiện khi khách hàng vẫn đến hỏi mua, thì cửa hàng có từ chối bán hay không? Hoặc ai sẽ giám sát việc mua bán rượu theo giờ này?... Trong khi chưa kiểm soát được chất lượng rượu, bia, rượu giả, kém chất lượng, rượu pha cồn công nghiệp… thì kiểm soát giờ bán có đạt hiệu quả?

Ông Nguyễn Huy Quang nhận định, kiểm soát chất lượng, rượu giả… đã nằm rải rác ở các luật khác nhau, chẳng hạn là trong Luật Thương mại và Luật Phòng chống rượu bia ban hành để có một cơ chế pháp lý để kiểm soát vấn đề này một cách tốt hơn. Mục tiêu của Luật đầu tiên là giảm tác hại của rượu bia đối với sức khỏe không chỉ cho cá nhân người uống, mà còn cho người xung quanh và cộng đồng; liên quan đến cả kinh tế của cá nhân người uống, của gia đình và xã hội.

Quy định về địa điểm, thời gian bán rượu, bia chỉ là một trong những biện pháp để hạn chế tác hại, nếu cứ đặt vấn đề ngược lại như có kiểm soát được không, có phạt được không thì sẽ không bao giờ xây dựng được một luật nào. Đôi khi luật đưa ra những quy định nhằm định hướng hành vi, chứ không phải xem xét là có vi phạm hay không để phạt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ