Và khán giả Việt Nam tiếp tục rơi trạng thái có thể không được xem World Cup qua các kênh sóng của Đài Truyền hình Việt Nam.
“Nhà đài” than đắt
Vòng chung kết World Cup 2022 diễn ra từ 21/11 đến 18/12/2022 tại Qatar. Infront Sports & Media đã có cuộc đàm phán với 5 đối tác Việt Nam về gói bản quyền truyền hình giải lần này. Mức giá mà đơn vị này đưa ra là 15 triệu USD đối với gói bản quyền truyền hình và radio, bao gồm độc quyền truyền hình (mặt đất, cáp, vệ tinh, IVTV) và không độc quyền phát thanh trên lãnh thổ Việt Nam; quyền truyền phát trên di động và Internet (bao gồm OTT).
Công ty Infront Sports&Media có trụ sở tại Thụy Sĩ đang sở hữu bản quyền truyền hình World Cup 2022 ở Indonesia và 25 quốc gia khác tại khu vực châu Á. Mới đây, công ty này đã làm việc với các đài ở Việt Nam để chào bán bản quyền truyền hình World Cup với mức giá là 15 triệu USD (khoảng 350 tỉ đồng). Mức giá này cũng cao hơn khoảng 3 triệu USD so với giá bản quyền của World Cup 2018.
Ngay lập tức, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) cho biết quan điểm, nếu giá bản quyền phát sóng World Cup 2022 vượt quá khả năng tài chính, đơn vị này sẽ phải từ bỏ việc có bản quyền các trận đấu tại sân chơi bóng đá lớn nhất hành tinh. Thay vào đó, VTV sẽ mua các gói bản quyền tin tức để cập nhật kết quả và các diễn biến trận đấu của World Cup 2022.
Theo thông báo được phát đi từ báo điện tử của VTV là vtv.vn: “Với vị thế là Đài Truyền hình Quốc gia, VTV luôn luôn mong muốn được phục vụ khán giả. Tuy nhiên, nếu giá bản quyền vượt quá khả năng tài chính sẽ phải từ bỏ việc có bản quyền các trận đấu và thay vào đó mua các gói bản quyền tin tức để cập nhật kết quả và các diễn biến trận đấu của World Cup 2022”.
Trong một chia sẻ với truyền thông, đại diện một đài truyền hình lớn ở Việt Nam cho rằng: “Với mức giá 350 tỉ mà đối tác đưa ra, có nghĩa mỗi trận đấu nhà đài phải thu khoảng 10 - 15 tỉ tiền quảng cáo mới không bị lỗ. Số tiền này cũng không thể đạt được với các trận đấu ở vòng bảng, phải khi vào bán kết hoặc chung kết may ra mới được. Đây là mức giá quá cao bởi qua 2 năm Covid-19, các nhà đài bị thua lỗ, gần như kiệt quệ, không có đủ tài chính”.
Theo bình luận viên Quang Tùng, 15 triệu USD chưa kể đến các chi phí về mặt kỹ thuật, chi phí sản xuất cho các nhà sở hữu bản quyền ở Việt Nam là một con số lớn. 15 triệu USD mà nhà cung cấp đưa ra đôi khi còn bao gồm cả việc họ giúp chúng ta tránh được việc đơn vị rơi vào tình thế khai thác bản quyền nhưng không thể bảo hộ được bản quyền.
Thị trường truyền hình trả tiền Việt Nam đã vấp phải vấn đề này. Nghĩa là, nếu mua bản quyền với giá vừa phải, không mua trọn gói, sẽ phải chịu những điều kiện bảo hộ trên lãnh thổ Việt Nam, trong khi điều kiện để bảo hộ của chúng ta chưa thực sự đầy đủ. Và chúng ta hoàn toàn có thể bị phạt, nếu không bảo hộ được bản quyền, không chặn được sóng trên lãnh thổ, chặn tín hiệu trên các hạ tầng. Do đó, mua với giá cao cũng sẽ giảm thiểu độ rủi ro.
Ngoài ra, ông Tùng cho biết thêm, với những gì đã trải qua trong nhiều năm, chúng ta đã xem bóng đá trên các kênh truyền hình trả tiền thay vì trên kênh quảng bá như giai đoạn đầu trên VTV3, mọi chuyện cũng đã trở thành nếp. Đây là xu thế bình thường, nên chúng ta hoàn toàn có thể được xem World Cup, có điều là cách tiếp cận sẽ phải khác đi.
Tờ Guardian (Anh) cho biết FIFA thu về 1,85 tỷ USD tiền bán bản quyền World Cup 2018 và 2022 cho các đài truyền hình và đơn vị khai thác trên toàn thế giới. Con số này nhiều hơn gần gấp đôi so với những gì mà cơ quan bóng đá quyền lực này đạt được khi bán bản quyền trong thời gian năm 2010 tới 2014.
Mỹ là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới sở hữu bản quyền World Cup 2022. Tại Mỹ, đài truyền hình nổi tiếng FOX đã chi ra tới 425 triệu USD để phủ sóng các giải đấu lớn của FIFA kể từ năm 2015.
Trong khi đó, Telemundo lại mất tới 600 triệu USD để có được thứ mà FOX đang sở hữu. Tuy nhiên, họ chỉ sử dụng bản quyền truyền hình để phục vụ cho hơn 10% dân số nước Mỹ nói tiếng Tây Ban Nha.
Ở Italia, đài truyền hình quốc gia của nước này là Rai đã sở hữu bản quyền phát sóng World Cup 2022 với mức giá 100 triệu euro từ tháng 4/2021. Đáng chú ý, tất cả 64 trận đấu sẽ được truyền hình trực tiếp miễn phí tới người dân đất nước hình chiếc ủng này.
Tháng 6/2014, BBC công bố họ cùng ITV sẽ đồng phát sóng ngày hội bóng đá lớn nhất thế giới vào năm 2018 và 2022. Con số mà hai đài này phải trả là 160 triệu bảng. World Cup được chiếu miễn phí trên các kênh truyền hình quảng bá ở toàn bộ lãnh thổ Anh.
Hình ảnh chương trình khai mạc FIFA World Cup 2018 trên VTV. |
Căng thẳng đến phút cuối
Theo Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), doanh thu cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền nửa đầu năm 2022 ước đạt 4.500 tỉ đồng, dự kiến doanh thu cả năm 2022 đạt khoảng 9.300 tỉ đồng, tăng trưởng nhẹ so với con số 9.200 tỉ của năm 2021. Tính đến tháng 6, Việt Nam hiện có 16,9 triệu thuê bao truyền hình trả tiền.
Trong khi đó, doanh thu cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền trên mạng Internet đạt khoảng 350 tỉ đồng trong nửa đầu năm và có thể đạt mức 700 tỉ đồng trong cả năm 2022, tăng nhẹ so với con số 634 tỉ đồng hồi năm ngoái.
Thông tin từ vtv.vn cho biết thêm, cách đây 4 năm, Thái Lan bỏ ra 44 triệu USD phục vụ dân số 68,9 triệu người còn Singapore bỏ ra tới 25 triệu USD phục vụ dân số 5,6 triệu người. Trong khi đó, Đài Truyền hình Trung ương CCTV của Trung Quốc chi tổng cộng 156 triệu USD để mua trọn vẹn bản quyền World Cup 2018 và 2022.
Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, 350 tỉ là mức giá khiến bất cứ nhà đài nào tại Việt Nam cũng phải lắc đầu, bởi không một hình thức quảng cáo hay kinh doanh nào có thể thu lại được vốn, nếu như coi bản quyền World Cup 2022 chỉ đơn thuần ở góc độ kinh doanh.
Nhưng nếu sự kiện bóng đá lớn nhất hành tinh 4 năm mới tổ chức một lần không được phát sóng, VTV có trăn trở khi đang nắm giữ vị thế đài truyền hình quốc gia?
VTV có cần thiết luôn đặt “thượng đế” của mình vào tâm trạng “choáng váng”, “hốt hoảng” hay âu lo vì không được xem World Cup? Vẫn biết 15 triệu USD là khoản tiền rất lớn. Nhưng bóng đá là món ăn tinh thần quan trọng để giải tỏa áp lực cuộc sống với nhiều người, nhiều tầng lớp trong xã hội. Thậm chí, với quốc gia hâm mộ bóng đá như Việt Nam, World Cup được coi là thứ không thể thiếu.
Ngoài ra, cũng phải thấy rằng, 15 triệu USD chỉ là mức giá “quá đắt” nếu đặt vào quan điểm của các nhà đài ở Việt Nam với dân số cả 100 triệu người! Vấn đề đặt ra, VTV và các đối tác liệu có thể khai thác triệt để bản quyền World Cup qua các chương trình đi cùng nó không? Nếu làm tốt nguồn thu cũng sẽ tăng lên? Nhưng VTV đã làm tốt, có sức hấp dẫn để thu hút các doanh nghiệp chưa?
Bên cạnh đó, World Cup 2022 đem đến cho VTV tổng cộng 64 trận, mỗi trận 90 phút, chưa kể những trận ở vòng đấu loại trực tiếp phải đá thêm hiệp phụ hoặc đá luân lưu 11m. Có nghĩa VTV có gần 6.000 phút sóng sạch chỉ tiếp sóng và phát sóng trực tiếp.
Chưa kể, VTV còn sở hữu kho tư liệu khổng lồ để dành làm “lương khô”. Nếu không có World Cup 2022, VTV cũng sẽ phải sản xuất các chương trình khác để lấp vào khoảng trống này. Thế nên, con số 15 triệu USD bản quyền World Cup không phải con số quá “kinh khủng”.
Theo tìm hiểu, trước mắt các đơn vị truyền hình của Việt Nam đã thiết lập một “liên minh” để có những phương án phù hợp nhất đàm phán với đối tác. Liên minh này gồm 5 bên, dĩ nhiên phải có những doanh nghiệp “khủng” mới có thể theo đuổi được thương vụ mua bản quyền World Cup 2022.
Người trong cuộc sẽ có những thỏa thuận ăn chia và khai thác tùy vào mức đóng góp của mỗi bên. “Nếu không có doanh nghiệp vào cuộc, chắc chắn không nhà đài nào ở Việt Nam mua nổi bản quyền World Cup 2022. Ngược lại, doanh nghiệp cũng rất cần những đài lớn để quảng bá.
Nhưng ngay cả khi có doanh nghiệp, thì cuộc đàm phán vẫn diễn ra rất căng thẳng, vì thế Ban đàm phán luôn cần sự hợp tác trên tinh thần cùng có lợi và hướng tới mục đích phục vụ người xem”, đại diện một nhà đài nhấn mạnh.
Được biết, Ban đàm phán bản quyền truyền hình World Cup 2022 sẽ đàm phán với đối tác theo một lộ trình phù hợp nhất trên tinh thần không mua bằng mọi giá và không để đối tác ép giá.
Việc mua bản quyền cũng sẽ được chốt trong thời gian hợp lý, không sớm, không muộn, để các nhà đài có kế hoạch sản xuất các chương trình về World Cup. Nên nhớ, ở kỳ World Cup 2018, VTV chỉ có được bản quyền truyền hình trước giờ bóng lăn khoảng… 1 tuần.
Và có lẽ, câu chuyện bản quyền World Cup 2022 cũng đi theo “lộ trình” của 2018.
Theo danh sách của FIFA, những quốc gia Đông Nam Á đã sở hữu bản quyền phát sóng World Cup 2022 gồm Indonesia, Brunei, Campuchia, Malaysia, Philippines và Đông Timor. Tất cả các quốc gia này đều mua trực tiếp từ FIFA chứ không qua bên thứ ba và họ đã mua gói phát sóng các giải đấu của FIFA từ năm 2018 đến 2022 với giá trị được cho là lên tới 35 triệu USD. Các quốc gia khác gồm Lào, Myanmar, Singapore, Thái Lan và Việt Nam vẫn chưa sở hữu bản quyền truyền hình World Cup 2022.