Livestream là một tiện ích được khai thác trên mạng xã hội Facebook. Người sử dụng livestream có thể quay lại hình ảnh và phát trực tiếp cho nhiều người cùng theo dõi. Nói cách khác, thao tác livestream thành thạo thì không thua gì một kênh truyền hình trực tiếp. Hiện tại, nhiều cá nhân đã biết cách livestream để bán hàng hoặc để… làm diễn viên nghiệp dư.
Khi giá trị livestream được dùng cho các ngôi sao khóc lóc kể lể, đã gây không ít ê chề cho cộng đồng, mà gần đây giá trị livestream còn hồn nhiên vi phạm bản quyền. Bộ phim “Cô Ba Sài Gòn” vừa ra rạp chưa được bao lâu thì bị tai nạn livestream.
Một thanh niên ở Vũng Tàu đã mua vé vào rạp rồi livestream như một cách chia sẻ niềm vui ngớ ngẩn. Sau 30 phút livestream, hành vi ấy đã bị ngăn chặn. Nhà sản xuất bộ phim “Cô Ba Sài Gòn” là diễn viên Ngô Thanh Vân than thở: “Tôi cảm thấy thật bất lực trước ý thức của những người trẻ xem phim. Tôi đang khóc cho thành quả lao động của ê-kíp của mình. Tôi thật sự nản các bạn ạ. Nó như cái tát vào mặt để tôi tỉnh lại. Làm phim đã khó, thị trường phim thì gian nan. Đến với khán giả còn phải đối mặt với những người vô ý thức livestream như vậy!”.
Bộ phim “Cô Ba Sài Gòn” là một dự án nhiều tham vọng của diễn viên Ngô Thanh Vân sau bộ phim “Tấm Cám – Chuyện chưa kể”. Bộ phim “Cô Ba Sài Gòn” muốn khai thác vẻ đẹp đô thị Sài Gòn thập niên 60 của thế kỷ trước, thông qua thăng trầm của một nhà may áo dài.
Ngoài việc đầu tư cho trang phục khá công phu và có những góc quay bắt mắt, thì bộ phim “Cô Ba Sài Gòn” có kết cấu khá rời rạc và nội dung nửa vời. Suốt bộ phim “Cô Ba Sài Gòn” không hề có điểm nhấn nào khiến người xem phải suy tư hoặc thổn thức. Điều ấy chứng tỏ tay nghề của biên kịch và đạo diễn vẫn nằm ở mức thường thường bậc trung.
Trước khi công chiếu trong nước, bộ phim “Cô Ba Sài Gòn” đã được tính toán khéo léo để gửi tham dự Liên hoan phim Busan và mang về cho vai nữ chính Ninh Dương Lan Ngọc giải thưởng Gương mặt châu Á (Face Of Asia). Cái giải thưởng đột ngột này thực chất là giải thưởng của Tạp chí Marie Claire nằm trong khuôn khổ Liên hoan phim Busan năm 2017, nhưng được công kênh như một niềm danh giá.
Trong nước, bộ phim “Cô Ba Sài Gòn” cũng mở chiến dịch quảng bá khá ầm ĩ. Đích thân nhà sản xuất Ngô Thanh Vân nhấn mạnh rằng bộ phim “Cô Ba Sài Gòn” được thực hiện vì những giá trị truyền thống và vì mong muốn được gửi đến khán giả thông điệp hãy thương yêu những gì ông bà ta để lại.
“Chiếc áo dài sẽ luôn là thứ chúng ta cần bảo tồn. Xin hãy yêu quý và trân trọng cái gốc rễ. Tôi xa Việt Nam từ hồi còn trẻ. Với tâm thế không muốn quên đi cội nguồn, muốn lưu giữ ký ức tốt đẹp nên khi quyết định làm phim, tôi chọn những đề tài thiên về giá trị văn hóa cốt lõi. Giải trí nhưng không được quên yếu tố nhân văn, đó là điều tôi hướng tới. Khán giả ra rạp, ngoài thời gian thư giãn, tôi hy vọng họ có cái nhìn toàn diện hơn với những gì được gọi là “bức tường văn hóa”. Đó là cách tiếp cận đơn giản nhất, giúp thế hệ trẻ trân trọng những thứ mà các bạn đang có. Đồng thời, đây là cách để thế hệ lớn hơn ghi nhắc lại những ký ức đẹp đẽ họ từng trải qua”, cô nói.
Mong muốn là vậy, nhưng thực tế không dễ dàng chút nào. Tự mặc định bối cảnh của phim bằng cột mốc Sài Gòn năm 1969, nhưng xem “Cô Ba Sài Gòn” không hề thấy một không gian và không khí nào của thời điểm ấy.
Bộ phim “Cô Ba Sài Gòn” chủ yếu quay nội cảnh, tập trung khai thác mâu thuẫn giữa bà Thanh Mai – chủ tiệm may áo dài Thanh Nữ có truyền thống 9 đời và cô con gái Như Ý – một dạng “cô Ba” tân thời muốn thoát khỏi những giá trị cũ để theo đuổi vẻ đẹp Âu phục thịnh hành.
Ngoài những cuộc tranh luận về thời trang nghe như cãi nhau giữa hai mẹ con Thanh Mai – Như Ý, thì diễn xuất của hai nhân vật quan trọng này hoàn toàn không mang cảm xúc thẩm mỹ gì.
Vai diễn khá nhất trong phim là vai An Khánh của Nghệ sĩ Nhân dân Hồng Vân. Nếu chịu khó xem từ đầu đến cuối, thì bộ phim “Cô Ba Sài Gòn” giống hệt một cuộc trình diễn mãn nhãn về áo dài, nhưng chắc chắc chưa thể gọi là một tác phẩm điện ảnh về lĩnh vực thời trang.
Nói cách khác, bộ phim “Cô Ba Sài Gòn” có ý tưởng nhưng không đủ năng lực đưa ý tưởng ấy tượng hình theo tiêu chuẩn nghệ thuật thứ bảy. Vì vậy, mọi diễn biến và mọi góc quay chỉ nhằm minh hoạ cho ý tưởng về sức sống cần thiết của tà áo dài trong đời sống đô thị.
Bị livestream với gần 5 ngàn lượt xem, những người làm phim “Cô Ba Sài Gòn” cho rằng đã bị thiệt hại vài trăm triệu đồng. Căn cứ để nói như vậy là do lấy số người xem qua hành vi phát trực tiếp trên mạng rồi nhân với số tiền 45 ngàn đồng mỗi vé xem phim. Cách đếm cua trong lỗ, nghe hơi buồn cười, nhưng của đau thì con xót, đành phải lu loa cho đỡ tức!
Người livestream là thanh niên V.Tr đã bị mời tới cơ quan công an làm việc. Theo tường trình ban đầu của V.Tr., trưa 13-11-2017, anh này cùng bạn gái mua vé xem phim “Cô Ba Sài Gòn” ở một rạp chiếu phim tại TP Vũng Tàu. Sau khi xem ít phút, V.Tr. dùng điện thoại Iphone7 của bạn gái phát trực tiếp (livestream) cảnh phim “Cô Ba Sài Gòn” đang chiếu lên trang Phim+ trên mạng xã hội facebook.
Trang này lại do V.Tr. và một người bạn là quản trị. Khi phát livestream được khoảng 30 phút thì có nhân viên của rạp đi vào kiểm tra nên V.Tr. đã ngắt phát trực tiếp. Ngay sau khi phát trực tiếp lên facebook, V.Tr. thấy có những bình luận (comment) phê phán hành vi nên V.Tr. đã gỡ, xóa đoạn phim chia sẻ. Cũng ngay sau đó, nhân viên của rạp phim đã mời Tr. ra ngoài làm việc và lập biên bản sự việc.
Ê-kíp làm phim “Cô Ba Sài Gòn” cũng đã trực tiếp xuống Vũng Tàu để theo dõi điều tra vụ livestream. Nhà sản xuất Ngô Thanh Vân thổ lộ: “Với hành động livestream “Cô Ba Sài Gòn”, quả thực tôi không muốn bạn ấy phải chịu hình phạt quá khắt khe và nặng nề như bên công an đã báo cho tôi nếu truy cứu. Nhưng đây là lần thứ hai liên tiếp thành quả lao động của tập thể sản xuất phim do tôi đứng đầu bị tình trạng ăn cắp một cách trắng trợn, dù tôi đã lên tiếng ngay lúc bạn ấy vừa làm.
Ngành công nghiệp điện ảnh Việt đã tha thứ, cảnh cáo và giáo dục rất nhiều lần nhưng không đem lại một hiệu quả nào rõ rệt. Giống như chúng ta đang nhắm mắt làm ngơ cho những việc xấu tưởng chừng là nhỏ, để rồi tất cả đều hại nhau”.
Bộ phim “Cô Ba Sài Gòn” không phải là trường hợp đầu tiên bị livestream. Bộ phim “Em chưa 18” và bộ phim “Xóm trọ 3D” cũng từng bị livestream và cũng lắc đầu ngao ngán. Đáng lo hơn, xu hướng livstream càng ngày càng nở rộ. Vài khán giả ngây thơ đi xem kịch nói hay xem ca nhạc, cũng cứ dùng điện thoại di động để livestream. Như vậy, đã đến lúc phải nghiêm túc nhìn nhận thực trạng này, mới mong có giải pháp ngăn chặn hiệu quả.
Phần lớn người dùng livestream không hề biết rằng hành vi của họ đã trực tiếp xâm phạm bản quyền của người khác. Họ không hề ý thức được, những hình ảnh mà họ truyền đi không chút đắn đo, chính là tác phẩm sáng tạo của bao nhiêu người. Chỉ cần một cuộc livestream bừa bãi, công sức và tài sản của một ê-kip nghệ sĩ sẽ đổ sông đổ biển hết.
Theo quy định tại Nghị định 131/2013, hành vi quay lén và livestream bộ phim “Cô Ba Sài Gòn” đã xâm phạm quyền sao chép bản ghi âm, ghi hình và có thể bị phạt tiền 15-35 triệu đồng. Người vi phạm phải gỡ bỏ bản sao bản ghi âm, ghi hình dưới hình thức điện tử trên môi trường Internet và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm.
Nếu quay phim lén rồi phát tán gây thiệt hại về kinh tế cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan có thể sẽ bị xử lý theo Điều 170a Bộ luật Hình sự 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009). Ngoài số tiền phạt cao nhất có thể lên tới 1 tỉ đồng, người vi phạm có thể bị phạt tù đến ba năm.
Trong thời đại công nghệ số, sử dụng những tiện ích văn minh không hề đơn giản. Câu chuyện livestream bộ phim “Cô Ba Sài Gòn” chính là một lời nhắc nhở nghiêm khắc về luật pháp cho những ai vẫn còn mơ hồ về bản quyền trên không gian mạng.