Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM: Nhiều sai phạm trong triển khai tuyến Bến Thành - Suối Tiên

GD&TĐ - Chỉ trong một thời gian ngắn, Trưởng lẫn Phó ban Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM, người nộp đơn xin thôi việc, kẻ đi nước ngoài không xin phép. Sự bất thường tại đơn vị này khiến dư luận lo lắng. Và nguyên nhân phần nào được Kiểm toán Nhà nước “giải mã” bằng kết luận vừa công bố.

Tuyến Metro số 1 (Bến Thành- Suối Tiên) vừa bị Kiểm toán Nhà nước chỉ ra hàng loạt sai phạm
Tuyến Metro số 1 (Bến Thành- Suối Tiên) vừa bị Kiểm toán Nhà nước chỉ ra hàng loạt sai phạm

Có toan tính?

Sự việc ông Lê Nguyễn Minh Quang- Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM bất ngờ nộp đơn xin thôi việc sau 2 năm đảm nhận vị trí, cũng như sự khuất tất trong việc “lén” đi Mỹ của ông Hoàng Như Cương- Phó ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM đặt ra nhiều câu hỏi: Có hay không tiêu cực và sai phạm tại tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên của TPHCM?

Theo báo cáo từ Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM, trong hai tháng qua, ông Hoàng Như Cương đã hai lần nộp đơn xin thôi việc vì lý do gia đình (bên Mỹ) nhưng không được chấp thuận. Đặc biệt, trước thời điểm ông Cương đi Mỹ (cuối tháng 11) ông Lê Nguyễn Minh Quang - Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM đã yêu cầu ông Cương phải báo cáo toàn bộ công việc được giao nhưng ông Cương không làm.

Giai đoạn ông Cương quyết liệt xin nghỉ việc cũng chính là thời điểm Kiểm toán Nhà nước thực hiện việc kiểm tra theo Quyết định số 1819/QĐ-KTNN do Phó tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Quang Thành ký ngày 5/9/2018, rà soát toàn bộ dự án Metro số 1 (tuyến Bến Thành - Suối Tiên).

Việc có hay không sự sắp đặt nhằm né tránh trách nhiệm của ông Hoàng Như Cương chưa thể quy kết, nhưng với những kết luận mới công bố của Kiểm toán Nhà nước ít nhiều cho thấy phần nào nguyên nhân về sự bất thường tại Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM thời gian qua.

Theo Kiểm toán Nhà nước, ông Hoàng Như Cương - Phó Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM đã có sai phạm khi phê duyệt điều chỉnh dự án trái thẩm quyền. Ông Cương chỉ là cấp phó, không có thẩm quyền điều chỉnh tổng mức đầu tư và quy mô của dự án trọng điểm quốc gia.

Đó là chưa kể, mới đây Thanh tra TPHCM cũng đã kết luận chính thức về những sai phạm của Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị TPHCM. Nghiêm trọng nhất chính là việc thay đổi độ dày tường vây (từ 2 m xuống còn 1,5 m), điều chỉnh thiết kế đường hầm tuyến đường sắt đô thị số 1 (tuyến Bến Thành - Suối Tiên) nhưng chưa thông qua cơ quan có thẩm quyền.

Đường hầm tuyến Metro số 1 bị chỉ ra là gói thầu bị rút ruột, thay đổi thiết kế độ dày tường vây
  • Đường hầm tuyến Metro số 1 bị chỉ ra là gói thầu bị rút ruột, thay đổi thiết kế độ dày tường vây

Liên tục đội vốn do bị “rút ruột”?

Báo cáo về vay vốn ODA của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy: Sau 11 năm triển khai, phê duyệt, dự án đường sắt đô thị TPHCM, tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên đã bị đội vốn từ 17.388 tỉ đồng khi phê duyệt lần đầu vào năm 2007 lên hơn 47.000 tỉ đồng vào năm 2018.

Nguyên nhân chính dẫn đến việc điều chỉnh vốn đầu tư là do tăng khối lượng xây dựng. Ngoài ra, Việt Nam chưa có quy chuẩn, định mức, đơn giá áp dụng cho đường sắt đô thị nên việc xác định tổng mức đầu tư chủ yếu dựa trên suất công.

Kết luận mới đây của Kiểm toán Nhà nước chỉ ra nhiều nguyên nhân khiến tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên tăng vốn. Trong đó có nguyên nhân khách quan là do giá nguyên vật liệu tăng và lương tối thiểu tăng từ năm 2006 - 2009 làm tăng tổng mức đầu tư lên 40%. Tiếp theo đó là do tăng lưu lượng khách và khối lượng thực tế trong quá trình làm rõ thiết kế cơ sở, làm tăng tổng mức đầu tư lên 43%.

Tuy nhiên, dự báo lưu lượng khách theo Kiểm toán Nhà nước là thiếu độ tin cậy và chính xác. Ngoài ra, lượng khách tính toán tăng đột biến gấp hơn hai lần vào năm 2020 dựa trên thông tin về vận hành thông suốt tuyến số 1, 3a là không có cơ sở và thiếu chính xác.

Nguyên nhân nữa là thay đổi các điều kiện tính toán tổng mức đầu tư, trong đó tính toán 15% dự phòng cơ học cho tất cả các gói thầu là chưa phù hợp.

Việc hai tuyến Metro của TPHCM liên tục đội vốn và chậm tiến độ, bên cạnh các kết luận sai phạm trong việc triển khai dự án của Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM có liên quan đến việc công trình bị “rút ruột” hay không vẫn còn phải chờ kết luận từ các cơ quan có trách nhiệm.

Những sai phạm chính tại tuyến Metro số 1

(Bến Thành - Suối Tiên):

- Điều chỉnh dự án chưa tuân thủ trình tự thủ tục và chưa đúng thẩm quyền.

- Quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án khi chưa có báo cáo đánh giá hiệu quả đầu tư và chưa rõ ràng về nguồn vốn.

- Phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ hoàn thành năm 2017 sang hoàn thành năm 2019 là không tuân thủ trình tự và thẩm quyền.

- Đặc biệt, trong một quyết định ban hành năm 2014, ông Hoàng Như Cương - Phó Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM đã phê duyệt điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư và quy mô của dự án quan trọng quốc gia là không đúng quy định.

- Một số thiết bị nhập khẩu tính toán trong dự toán cao hơn nhiều so với giá dự thầu của 3 nhà thầu. Cụ thể, giá toa tàu tính trong dự toán cao gấp 1,5 lần, giá các trạm điện cao hơn trung bình 3,5 lần, giá hệ thống thu phí cao hơn trung bình 2,8 lần.

- Tổng mức đầu tư dự án, hồ sơ thiết kế cơ sở không thể hiện đầy đủ, nhiều hạng mục công trình còn có khoảng 60% giá trị, chưa đảm bảo cơ sở để xác định giá trị tính toán…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.