4 năm chưa xong
Làng nghề thu gom, sơ chế, mua bán các loại phế liệu thuộc phường Tràng Minh được hình thành từ những năm 1980. Hiện, làng nghề có gần 100 hộ kinh doanh, buôn bán và tái chế phế liệu. Phần lớn phế liệu chưa được làm sạch và tập kết trong khu dân cư. Vào ngày nắng, mùi hôi bốc lên nồng nặc. Ngày mưa, nước cuốn theo các chất cặn dầu mỡ từ các phế thải chảy vào hệ thống thoát nước của khu dân cư... gây ô nhiễm môi trường.
Trong số 18 làng nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp truyền thống của Hải Phòng, Tràng Minh được Bộ TN&MT khảo sát, đánh giá là một trong hai làng nghề có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao. Từ năm 2013, Bộ TN&MT đã có quyết định hỗ trợ kinh phí và phối hợp với thành phố Hải Phòng triển khai dự án khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường tại làng nghề này.
Tuy nhiên, từ năm 2014 đến nay, dự án vẫn chưa được hoàn thiện để bàn giao cho địa phương vận hành, khiến tình trạng ô nhiễm của làng nghề phế liệu Tràng Minh ngày càng trở nên trầm trọng.
Bà Vũ Thị Phố, Trưởng khu Kiến Thiết 2, phường Tràng Minh, quận Kiến An cho biết: Nhà máy xử lý nước thải được đầu tư nhiều tỷ đồng, đến nay chưa đi vào sử dụng mà hạ tầng đã xuống cấp trong khi nước thải từ khu làng nghề không thoát được gây ảnh hưởng lớn tới đời sống dân cư và ruộng đồng canh tác của bà con. Thậm chí có những đoạn cống hộp chưa được đậy nắp, để trơ ra hàng chục mét mương, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc.
Trước thực trạng này, nhân dân phường Tràng Minh đã nhiều lần có ý kiến với quận Kiến An nhưng hiện tượng này chưa được khắc phục. Để ổn định canh tác, tổ dân phố Kiến Thiết 1 và Kiến Thiết 2 đã tự bỏ tiền làm đường cống thông nước thải và dẫn nước sông vào cánh đồng.
Đang chờ điều chỉnh
Ban đầu, Dự án Khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường làng nghề Tràng Minh, phường Tràng Minh, quận Kiến An, TP Hải Phòng được đầu tư theo chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường từ nguồn ngân sách Trung ương. Tuy nhiên, trong quá trình đầu tư dự án, có một số thay đổi về chính sách đầu tư công nên dự án trên chỉ được hưởng 43.200 triệu đồng từ ngân sách Trung ương. Phần vốn còn lại của dự án được lấy từ ngân sách của thành phố Hải Phòng và quận Kiến An.
Dự án gồm các hạng mục đầu tư chính như: Xây dựng trạm xử lý công suất 1.500m3/ngày đêm (bao gồm trạm xử lý, hồ điều hòa, nhà điều hành…) và lắp đặt hệ thống điện có trạm biến áp 100kVA; Xây dựng hệ thống thu gom nước thải gồm 4 tuyến với tổng chiều dài 2.474m; Xây dựng hoàn trả 1.085,6m đường giao thông với bề rộng mặt đường 5m, kết cấu mặt đường bê tông xi măng và bê tông nhựa, xây dựng 474m đường vào trạm xử lý với bề rộng mặt đường 5m kết cấu mặt bê tông xi măng.
Dự án này do UBND quận Kiến An làm chủ đầu tư. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2014 đến năm 2018 với tổng mức đầu tư là 120.172 triệu đồng. Dự án đã được điều chỉnh, bổ sung lần 1 vào ngày 11/1/2017.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, dự án đã phát sinh một số hạng mục công việc, đồng thời, qua kiểm tra hiện trạng hạ tầng kỹ thuật khu vực thực hiện dự án, UBND quận thấy cần bổ sung một số hạng mục nhằm tăng hiệu quả của dự án như: Nạo vét tuyến cống hộp hiện có nằm giữa 2 tuyến thoát nước xây mới để lưu thông dòng chảy; bổ sung một số hạng mục xây dựng khác nhằm tăng khả năng thu gom nước thải trong khu vực vào hệ thống xử lý nước thải của nhà máy... vì vậy UBND quận Kiến An đang xin điều chỉnh dự án giai đoạn 2.
Trong lúc chờ xin điều chỉnh dự án, theo phản ánh của người dân phường Tràng Minh, nhiều hạng mục công trình còn dang dở và có dấu hiệu xuống cấp.
Ghi nhận của Báo GD&TĐ cho thấy, phần cống hộp để thu gom nước thải từ làng nghề ra nhà máy xử lý nước thải có nhiều đoạn nắp cống bị vỡ, phần cốt thép bên trong trơ ra đã han gỉ. Quá trình qua lại đoạn mương này, người dân địa phương đã nhặt những tấm cốp pha cũ đậy lên. Dự án chưa được nghiệm thu, bàn giao nhưng chủ đầu tư không để biển báo công trường, hay bất kỳ rào chắn cảnh báo nào.
Trao đổi về những hiện tượng trên, ông Nguyễn Trọng Thành, Giám đốc Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng (Ban quản lý dự án) quận Kiến An phủ nhận tình trạng xuống cấp của công trình. Theo ông Thành, có thể do người dân mang tấm đan ở nơi khác chèn vào đoạn cống hộp của dự án(?)
Vị Giám đốc Ban quản lý dự án còn cho hay, trong quá trình triển khai dự án, mương cũ có nhiều bùn thải cần nạo vét nên Ban quản lý cố tình để hở mặt mương nhằm nạo vét cho thuận lợi. Phần việc này sẽ được làm sau khi dự án được điều chỉnh và sẽ sớm bàn giao nhà máy vào quý I năm 2019.