Kon Tum tập trung đầu tư loại hình trường bán trú

Kon Tum tập trung đầu tư loại hình trường bán trú

(GD&TĐ)-Sáng nay (15/11), Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã có buổi tiếp và làm việc với đoàn lãnh đạo tỉnh Kon Tum gồm các ông Hà Ban, Bí thư tỉnh ủy – Chủ tịch UBND tỉnh và ông Nguyễn Sỹ Thư – Giám đốc Sở GD&ĐT.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận tại buổi làm việc với đoàn lãnh đạo tỉnh Kon Tum. Ảnh: gdtd.vn
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận tại buổi làm việc với đoàn lãnh đạo tỉnh Kon Tum. Ảnh: gdtd.vn

Ba vấn đề được đoàn lãnh đạo tỉnh Kon Tum nhấn mạnh tại buổi làm việc là xây dựng hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT); phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi và về nguồn nhân lực cho hội nhập.

Ông Hà Ban, Bí thư tỉnh ủy – Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho biết, năm học 2010-2011, toàn tỉnh Kon Tum có 66 trường có tổ chức bán trú cho 9382 học sinh, trong đó có 26 trường tiểu học và 41 trường THCS. Nhận định đây là loại hình có tác dụng rất lớn đối với việc duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục đối với các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Kon Tum, ông Hà Ban cho biết, trong giai đoạn 2011-2015, tỉnh Kon Tum sẽ thành lập 77 trường PTDTBT gồm 33 trường tiểu học và 44 trường THCS trên cơ sở các trường tiểu học, THCS đã thực hiện bán trú ở các xã đặc biệt khó khăn.

Ông
Ông Hà Ban, Bí thư tỉnh ủy – Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum. Ảnh: gdtd.vn

Bình quân kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho 1 trường PTDTBT khoảng 5 tỷ đồng. Tổng kinh phí cho 77 trường PTDTBT ước tính khoảng 385 tỷ đồng. Đây là số kinh phí lớn, tỉnh Kon Tum rất mong nhận được sự quan tâm hỗ trợ của Bộ GD&ĐT – ông Hà Ban đề nghị.

Về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, để hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2015, tỉnh Kon Tum cần đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn và điều kiện theo quy định. Theo ông Hà Ban, hiện các tiêu chuẩn về tỷ lệ huy động, chuyên cần, suy dinh dưỡng, ... tỉnh Kon Tum đã vượt. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất để hoàn thành kế hoạch là điều kiện cơ sở vật chất và thiết bị còn quá thiếu thốn. Cụ thể, kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị để phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi của tỉnh gồm: xây dựng 510 phòng học mới; xây dựng khối phòng chức năng, bếp, nhà vệ sinh; xây dựng sân chơi, tường, cổng; mua sắm đồ dùng, đồ chơi, thiết bị trong lớp; xây dựng trang thiết bị phòng máy, phần mềm Kisdmart; trang bị đồ chơi ngoài trời... với tổng kinh phí khoảng 470 tỷ đồng. Đây cũng là vấn đề khó khăn mà tỉnh Kon Tum đặt vấn đề đề nghị nhận được sự hỗ trợ của Bộ GD&ĐT.

Cùng với vấn đề trường PTDTBT, phổ cập mầm non 5 tuổi, ông Hà Ban đề nghị Bộ GD&ĐT quan tâm, tạo điều kiện cho tỉnh Kon Tum trong việc đào tạo nguồn nhân lực. Cụ thể, mỗi năm, tỉnh Kon Tum sẽ chọn gửi 5 đến 7 học sinh có điểm thi ĐH từ 20 điểm trở lên (không tính điểm ưu tiên, chưa nhân hệ số) đi đào tạo nước ngoài ở các chuyên ngành mà địa phương cần. Về cán bộ giảng dạy các trường cao đẳng của tỉnh được đào tạo nước ngoài, ngoài điều kiện ngoại ngữ phải đạt theo tiêu chuẩn chung, ông Hà Ban đề nghị Bộ GD&ĐT cho phép điểm trung bình học của ĐH thấp hơn so với quy định của Bộ vì thực tế những năm qua, Kon Tum không thu hút được cán bộ giáo dục giỏi.

Về vấn đề nguồn nhân lực, trả lời ý kiến của lãnh đạo tỉnh Kon Tum, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã thể hiện sự đồng tình, nhất trí cao. Việc phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi, Bộ trưởng đề nghị tỉnh cần có thứ tự ưu tiên và cụ thể hóa thêm. Riêng vấn đề trường PTDTBT, Bộ trưởng khẳng định, đây là việc rất cần, Bộ GD&ĐT sẽ ghi nhận đề nghị của tỉnh và xem xét thêm...

Hiếu Nguyễn

TIN LIÊN QUAN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ