Băn khoăn hướng đi các trường ĐH tư thục

Băn khoăn hướng đi các trường ĐH tư thục

(GD&TĐ)-Mô hình đại học tư thục tại Việt Nam đã ra đời và hoạt động gần 20 năm. Tuy nhiên, có không ít vấn đề liên quan đến loại hình trường này hiện vẫn chưa được làm rõ. Và, nhiều ĐH tư thục hiện nay vẫn đang bối rối trong việc tìm hướng đi cho mình...

Lợi nhuận hay phi lợi nhuận

GS.Phạm Phụ (ĐH Bách khoa TP.HCM) cho rằng, việc né tránh khái niệm “vì lợi nhuận” hay “phi lợi nhuận” dường như đã góp phần khiến việc triển khai mô hình ĐH ngoài công lập luôn gặp trở ngại. Cũng theo GS.Phạm Phụ, hiện nay, sự phân biệt giữa “vì lợi nhuận” và “phi lợi nhuận” còn quan trọng hơn là phân biệt giữa trường công và trường tư, có lẽ vì vậy mà nhiều trường ngoài công lập vẫn khăng khăng cho rằng mình hoạt động “phi lợi nhuận”.

Nhận định của GS.Phạm Phụ, các trường ngoài công lập hiện nay thực ra có “lịch sử” khá khác nhau. Trên thực tế, có trường là vì lợi nhuận, có trường có thể xem là “nửa vì lợi nhuận” và cũng có trường thực tế không có chủ sở hữu, không chia lợi nhuận... nên cũng có thể xem là không vì lợi nhuận. Nhưng, nếu không có một hội đồng đại diện đúng nghĩa, không có sự giám sát của cộng đồng cũng như công khai minh bạch thì vấn có nhiều cách để “lách” và lại sinh ra những “khuyết tật”.

Cho rằng, ĐH tư thục “nửa vì lợi nhuận” là mô hình phù hợp hiện nay, GS.Phạm Phụ lý giải, do Việt Nam chưa có truyền thống cho tặng cho giáo dục ĐH nên ĐH tư không vì lợi nhuận có lẽ chỉ có trong một số trường hợp riêng. Vì vậy, cần khuyến khích phát triển các ĐH tư thục “nửa vì lợi nhuận”. Khi đó, bên cạnh các nhà đầu tư tư nhân, nhà nước và có thể cả các cơ sở ĐH công lập có thể góp vốn bằng đất đai và các nguồn vốn sẵn có của mình để phát triển loại ĐH công tư phối hợp.

Tất nhiên, vẫn có thể có cơ sở giáo dục ĐH tư là “vì lợi nhuận”, nhưng khi đó, theo GS.Phạm Phụ, chính sách của nhà nước sẽ khác so với loại hình “nửa vì lợi nhuận”. Các ĐH “vì lợi nhuận” đều phải ở trạng thái của một công ty, ngay cả với chính sách đất đai và thuế, dù có ưu đãi. Với một số ít các cơ sở ĐH “không vì lợi nhuận” thì nhà nước cần có tài trợ và ưu đãi đặc biệt.

Đặt câu hỏi vì mục tiêu lợi nhuận hay phi lợi nhuận, GS.Trần Phương, Hiệu trưởng trường ĐH Kinh doanh & Công nghệ Hà Nội phân tích: Nếu người góp vốn được chia lãi cuối năm thì việc góp vốn đương nhiên là có sức hấp dẫn cao, tuy nhiên điều bất lợi cũng rất lớn. Trong tình hình mặt bằng học phí của nước ta thấp, tỷ suất lợi nhuận cũng rất thấp, nếu phải chia lợi nhuận cho người góp vốn thì chẳng còn lại là bao cho việc nâng cao chất lượng đào tạo.

Trong khi đó, nếu là trường phi lợi nhuận thì những người góp vốn có được lợi ích gì? Họ nhận được một lãi suất cố định giống như lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng thương mại, có phần nhỉnh hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm. Lãi suất trả cho người góp vốn không phải là  phân phối lợi nhuận sau 1 năm kinh doanh mà được hạnh toán vào chi phí giống như lãi suất trả cho ngân hàng khi phải vay vốn ngân hàng.

Từ đó, GS. Trần Phương cho rằng, nguyên tắc phi lợi nhuận phải đảm bảo được sự hài hòa của 4 lợi ích, đó là lợi ích của người góp vốn, lợi ích của sinh viên, lợi ích của cán bộ nhân viên và giảng viên và lợi ích lâu dài của trường.

Đâu là yếu tố cốt lõi cho sự thành công?

GS.TS.Tô Xuân Dân, Phó Viện trưởng Viện NC QL&KD (ĐH Kinh doanh & Công nghệ Hà Nội) cho rằng, vấn đề cốt lõi đầu tiên của trường tư thục cũng vẫn chính là xử lý vấn đề tài chính với tầm nhìn dài hạn, biết lấy ngắn nuôi dài, xử lý hài hòa mối quan hệ giữa các lợi ích.

Tiếp theo là việc xây dựng đội ngũ và môi trường sư phạm; chú trọng các yếu tố nâng cao chất lượng đào tạo ngay từ khi bắt đầu hoạt động và ngày càng phải được nâng lên ngang tầm quốc gia. Cuối cùng là phải xây dựng uy tín và thương hiệu một cách bài bản và phù hợp với văn hóa Việt...

Cũng theo GS.TS.Tô Xuân Dân, các cơ quan lãnh đạo Đảng, Nhà nước cần khẳng định trường ĐH tư thục là một hình thức tất yếu của xã hội hóa, không nên coi đó là các hoạt động kinh tế thuần túy như các doanh nghiên tư nhân khác, từ đó có cơ sở xây dựng khung khuôn khổ pháp lý phù hợp, nhằm tạo động lực cơ bản và lâu dài, đồng thời có chính sách khuyến khích và hỗ trợ thỏa đáng cho sự ra đời và vận hành của các trường ĐH tư thục theo tầm cỡ của những tổ chức khoa học và đào tạo có vai trò trọng yếu đến sự phát triển và trường tồn của quốc gia...

Chỉ ra hạn chế lớn nhất của các trường ĐH tư thục hiện nay là nguồn lực hạn chế và chưa có thương hiệu, PGS.TS.Lê Đức Ngọc – Giám đốc trung tâm kiểm định, đo lường và đánh giá chất lượng GD thuộc hiệp hội các trường ĐH và CĐ ngoài công lập cho rằng, để khắc phục những hạn chế này, giải pháp quyết định là đảm bảo chất lượng đào tạo.

Còn theo hiệu trưởng trường ĐH FPT, TS.Lê Trường Tùng, để giải quyết những mâu thuẫn giữa các cổ đông, trong hội đồng quản trị, rối trong thu chi tài chính... trong nhiều ĐH tư thục hiên nay, mô hình hợp lý là thay thế cho việc các cá nhân thành lập trường một cách trực tiếp sẽ thành lập công ty giáo dục (cổ phần) với vốn góp của các cá nhân, và công ty này sẽ thành lập trường. Mô hình 2 trong 1 (trường + công ty) sẽ làm rạch ròi giữa chủ sở hữu và người làm công và quan trọng là cho phép tận dụng sức mạnh của cả 2 bộ luật – luật Doanh nghiệp và luật Giáo dục để phát triển trường, giải quyết triệt để vấn đề tài chính, nhân sự, tổ chức, lành mạnh hóa hoạt động học thuật của trường.

Hiếu Nguyễn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ