(GD&TĐ) - Nghệ An là tỉnh đông dân, đứng thứ 4 trong số 63 tỉnh, thành phố (chỉ sau TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và Thanh Hóa). Với số dân đông, lại là vùng đất có truyền thống hiếu học và ham lao động, Nghệ An hứa hẹn có nguồn nhân lực dồi dào. Điều này luôn được coi là một trong những thuận lợi lớn để Nghệ An phát triển kinh tế - xã hội, để đến năm 2020 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp, có thu nhập đạt mức trung bình khá so với cả nước. Để đạt được mục tiêu đó, thì nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, Nghệ An đang đứng trước không ít thách thức từ việc quy hoạch đào tạo nguồn nhân lực cho đến đào tạo sao cho chất lượng.
->> Nghệ An giải bài toán đào tạo gắn với sử dụng nguồn nhân lực
Thí sinh tìm hiểu cách khai hồ sơ ĐKDT, ĐKXT |
Ở Nghệ An, việc ưu tiên xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ cho các đối tượng hộ nghèo theo diện 30a của Chính phủ đang thể hiện những bất hợp lý cần sớm thay đổi.
Ông Nguyễn Mạnh Hà - Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp (Sở GD&ĐT Nghệ An) cho biết: Nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để con em các huyện nghèo có cơ hội học ĐH, CĐ, góp phần nâng cao dân trí, phát triển kinh tế xã hội của địa phương, từ năm học 2012 - 2013, các trường trong tỉnh đã thực hiện Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ. Theo đó ưu tiên xét tuyển thẳng học sinh tại các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Theo đó, học sinh là người dân tộc thiểu số, có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên tính đến ngày nộp hồ sơ xét tuyển và theo học 3 năm cuối cấp và tốt nghiệp THPT tại các huyện này, được xem xét, quyết định xét tuyển vào học. Như vậy, với tỷ lệ đỗ tốt nghiệp như hiện nay thì hầu hết các em được xét tuyển vào học ĐH, CĐ.
Qua số liệu thống kê của một số trường ĐH, đã có hàng trăm học sinh của 3 huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong đã được xét tuyển vào học ĐH, như Trường ĐH Vinh 465 em, ĐH Y khoa Vinh 47 em (đầu vào ngành Bác sĩ đa khoa của trường này NV1 20,5 điểm, NV2 23,0 điểm). Còn tại ĐH Vinh, hơn một nửa trong số này đăng kí học sư phạm mầm non, sư phạm tiểu học. Ông Hà cho rằng: Trước mắt, không ít người đang rất vui và tự hào con được vào đại học với hy vọng tràn đầy một ngày mai sẽ xóa nghèo cho gia đình. Các chế độ ưu tiên cho phát triển là rất đúng, tuy nhiên nếu không có định hướng, quy hoạch hợp lý thì lại có tác dụng ngược. Thực tế cho thấy, người dân ở các huyện miền núi, vùng khó khăn, đặc biệt là người dân tộc, chưa có hiểu được rằng cần phải có năng lực nhất định mới nên vào học ĐH, CĐ, rồi điều kiện kinh tế gia đình có thể chu cấp trong cả quá trình học tập khi mức học phí khá cao hay không, học xong sẽ làm việc ở đâu?
Theo thống kê của Sở GD&ĐT Nghệ An, tính đến 31/12/2012, số HSSV tốt nghiệp TCCN, CĐ, ĐH chưa có việc làm của huyện Kỳ Sơn là 343 em; huyện Tương Dương 562 em; huyện Quế Phong 100 em. Kết thúc năm học 2012 - 2013 này, ước tính cả 3 huyện nói trên sẽ có khoảng 1.540 học sinh tốt nghiệp THPT.
Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An Lê Văn Ngọ không giấu băn khoăn: Nếu thực hiện chủ trương này lâu dài thì có lẽ trong thời gian không xa nữa 3 huyện nghèo trên của tỉnh Nghệ An sẽ sớm đại học hóa, trong khi đó các huyện miền xuôi đang còn phải thực hiện phổ cập THCS, hay hướng tới phổ cập THPT.
Ngọc Dư